Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám

Thiếu một quy chế dân chủ, đó là lý do chúng ta thiếu sự sáng tạo trong khoa học. Chúng ta luôn nói khoa học công nghệ (KHCN) là quốc sách nhưng dường như không bao giờ quan tâm đến quốc sách!
 
“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”
 
“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”, đó là chia sẻ của phó tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San tại buổi đóng góp ý kiến cho luật KHCN sửa đổi ngày 18/10 tại Hà Nội. Đã không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một đại học Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á. “Chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người lao động quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ”, TS San nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Uy Liêm (nguyên phó chủ tịch VUSTA) cho hay ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Chúng ta chỉ ngồi nhà khen nhau, bệnh thành tích lan tràn. Trong khi bắt tay vào làm thì lại có nhiều lý do để “sợ” đủ thứ. Đại diện VUSTA khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thống kê được có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài ít để ý cái mình làm có bị trùng hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn…

Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám
Việt Nam sẽ đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng.

Đem tới buổi thảo luận câu chuyện về thực trạng tổ chức KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, GS.VS Trần Đình Long (chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam) cho biết, tính riêng khối nông nghiệp thì viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Ở khối thuỷ lợi, có tám viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành. Vì các tổ chức cồng kềnh, chồng chéo và nhiều tổ chức trung gian; các bên không kết hợp được nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ, cơ chế tự chủ bị phớt lờ, không tạo được sản phẩm quốc gia.

Trả lại cho thị trường

TS San đề xuất: khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các nghiệm thu nghiêm túc. Hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả. Còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc. Công nghệ mà không bán được thì công nghệ đó có để làm gì? Chẳng lẽ cứ để cho những người nông dân trình độ sơ khai cứ phải phát minh mãi?

Phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp hoặc thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường. Việc tách rời nghiên cứu và đào tạo như hiện nay sẽ khiến các viện thiếu sự tiếp xúc với sinh viên, nguồn cảm hứng và nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu tương lai.

Đồng quan điểm này, TS Đào Trọng Hưng (chuyên viên cao cấp viện KHCN Việt Nam) cho rằng, khi có sự can thiệp của yếu tố thị trường sẽ hạn chế chuyện “xin - cho”, Nhà nước - doanh nghiệp - cá nhân khi đó đều phải “đặt hàng” nếu muốn có các nghiên cứu khoa học. Khi đó nguồn “nuôi” khoa học sẽ không hoàn toàn lấy từ ngân sách mà sẽ được thu hút từ bên ngoài như các doanh nghiệp, các tổ chức và nguồn vốn nước ngoài.
 
Theo Thanh Tuyền
SGTT

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Khi chủ quyền biển đảo liên tiếp bị xâm phạm!

Ngày 12.10, nhiều báo đưa tin Trung Quốc liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Ngày 1.10 tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; ngày 3.10 diễn tập trực chiến khẩn cấp tại vùng biển Hoàng Sa; ngày 8.10 thành lập Phòng Khí tượng “thành phố Tam Sa”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”. Lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu vẫn như lâu nay.

Tuy nhiên, những hành động liên tiếp vi phạm chủ quyền nước ta như kể trên chắc chắn không phải do cấp dưới của họ gây ra vì chưa quán triệt “thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước”! Hành động đó cho thấy, họ đang chuẩn bị dư luận, chờ đợi thời cơ để thực thi kịch bản bành trướng về hướng Đông Nam Á.

Vậy thì liệu những lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu của VN có thể làm cho chính quyền TQ lắng nghe và thực hiện chính lời của họ, đó là“phải biết vì đại cuộc mà gìn giữ quan hệ hữu nghị hai nước”? Dù chân thành mong muốn cũng thấy điều ấy khó thành hiện thực!

Vậy phải làm gì đây? Hãy cùng ôn lại tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong tình hình TQ trở thành siêu cường và kiên quyết thực hiện chủ nghĩa bành trướng thì việc “giữ lấy nước” là một thách thức rất lớn, chẳng những đối với chúng ta mà với cả những nước trong vùng.

Tuy vậy, là một dân tộc liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, chúng ta thừa hưởng nhiều bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị: Nuôi dưỡng lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền tổ quốc. “Giữ lấy nước” là mục tiêu đồng thuận cao nhất, là sức huy động vĩ đại cho mặt trận đại đoàn kết chống xâm lược.

Mọi hành động làm tổn hại tinh thần yêu nước, gây chia rẽ dân tộc trong tình hình hiện nay phải được ngăn chặn. Đấu tranh chống tham nhũng dù cực kỳ cấp thiết, vẫn phải tập trung hết sức cho công cuộc bảo vệ tổ quốc.

Tăng cường nội lực quốc gia chính là cách chủ động để vô hiệu hóa âm mưu bành trướng của phương Bắc. Cần tập trung làm lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế; sửa đổi hợp lý Luật Đất đai; đổi mới căn bản chính sách phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ… Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đều cho biết, chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển toàn diện chính là dân chủ.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta làm rất tốt hoạt động ngoại giao, tuyên truyền quốc tế. Lần này trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đang có nhiều thiếu sót, chưa làm cho Liên Hợp Quốc và nhiều nước gần gũi hiểu rõ và ủng hộ mình. Phải tìm rõ nguyên nhân để mau chóng khắc phục. Phải cảnh giác trước cái bẫy “vì đại cục” mà TQ nhăm nhăm đòi ta thực hiện, còn họ thì không!

Đã đến lúc đặt câu hỏi, tại sao họ tự cho mình có quyền ''trói tay, bịt miệng'' chúng ta để họ mặc sức hoành hành?

Tống Văn Công

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm

Mùa hè năm ngoái, sau khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công phá hoại hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh 02 trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tinh thần đoàn kết của người Việt khắp năm châu đã có dịp bùng cháy mãnh liệt. Từ người dân trong nước đến kiều bào, tất cả đều hướng về biển Đông, nơi chủ quyền biển đảo đang bị thách thức.
Điều gì đã khiến những con người quốc tịch có thể khác nhau, sinh sống trong những xã hội khác nhau, chính kiến có thể rất khác nhau - thậm chí đối lập nhau, lại cùng đứng bên nhau? Câu trả lời là: Tổ quốc.
Dịp đó, tôi được xem chương trình hội luận trên Phố Bolsa TV, một đài truyền hình của người Việt ở Quận Cam, California, Mỹ. Chương trình rất dài, nhưng có lẽ chỉ cần một phát ngôn trong đó là đủ để đúc kết lại toàn bộ. “Đừng để những lá cờ cản trở mục tiêu chính của chúng ta là phản đối Trung Quốc xâm lăng". Nhà văn Nguyễn Á Độc Lập, một người tham gia cuộc hội luận, đã nói như thế. Tôi chưa từng biết Nguyễn Á Độc Lập, nhưng câu nói hôm ấy của ông, đã đem lại cho tôi một sự xúc động vẫn vẹn nguyên cho tới tận bây giờ. Điều mà ông nói, cũng như tinh thần của chương trình hội luận, là tấm gương phản chiếu những gì đang diễn ra ngoài kia: người Việt khắp nơi trên thế giới đang sát cánh bên nhau vì chủ quyền đất nước, gạt sang một bên những khác biệt, bất đồng.
Sự thăng trầm của lịch sử từng khiến những người con đất Việt rời xa nhau, nhưng ngay cả trong những ngày tháng mà lòng người còn nhiều cách trở ấy, đất mẹ vẫn là nơi tất cả cùng hướng về. Để đến khi chủ quyền bị nhòm ngó, tất cả cùng đứng bên nhau, tạo nên cái mà người ta thường gọi là sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Chỉ có Tổ quốc mới khiến người ta sẵn sàng vượt qua lằn ranh của chính kiến khác biệt để đến bên nhau, như chưa từng có những chia lìa.
Anh Nguyễn Hùng, một Việt kiều ở Úc rất nhiệt tình tham gia đấu tranh vì chủ quyền đất nước trên mạng, từng nói với tôi: “Người Việt ở đâu cũng coi đất nước này là Tổ quốc. Dù xa quê hương đã lâu, chúng tôi vẫn luôn hướng về. Để đấu tranh cho chủ quyền đất nước, cần phải gác lại những lấn cấn bên này, bên kia”. Giản dị nhưng thật thấm thía!
Trong cuộc gặp gỡ với gần 1.000 kiều bào tại TP.HCM mới đây, thông điệp “chung một Tổ quốc” lại vang lên, làm nức lòng những trái tim Việt. “Dù có quan điểm, chính kiến khác nhau nhưng chúng ta cùng thống nhất rằng Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm”. Lời của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), đã nêu bật nguyên nhân cốt lõi tạo nên khối đoàn kết của những người con đất Việt khắp năm châu. Nguyên nhân ấy không gì khác hơn: chúng ta chung một Tổ quốc.
Vì Tổ quốc là một, mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn uy dũng lẫy lừng, giữa lúc nước nhà nguy nan, đã khiêm nhường cởi áo thượng tướng Trần Quang Khải để “tắm giùm”, qua đó xóa bỏ bất hòa cá nhân, để cùng nhau chung một quyết tâm “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm Hồ Hàm Tử quan”.
“Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm”, nguyên tắc ấy là bất di bất dịch, chân lý ấy có tự ngàn xưa, chứ không phải là giá trị của một thời đại. Hôm nay, chúng ta phát huy được tinh thần ấy, bờ cõi sẽ ngàn lần vững chắc, sá gì kẻ giặc hiểm độc nhòm ngó ngoài kia. 
Đỗ Hùng
Theo Thanh Niên

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần hai

(Dân trí) – Sáng nay, 27/9, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 đã chính thức diễn ra tại TPHCM. Hội nghị thu hút sự tham dự của 1000 đại biểu, khách mời và bà con kiều bào.

Đồng chí Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBMTTQVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh… cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh thành tham dự hội nghị.
Đại diện một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, lãnh đạo các hội đoàn, đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới… cũng tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đọc diễn văn khai mạc Hội nghị. Đồng chí Lê Hồng Anh thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đông đảo đại biểu, khách mời và bà con Kiều bào về dự Hội nghị
Đông đảo đại biểu, khách mời và bà con Kiều bào về dự Hội nghị

Hội nghị lần này có chủ đề: “Tầm nhìn đến năm 2020 – Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, sẽ có bốn diễn đàn chuyên đề diễn ra gồm: “Tương lai của cộng đồng - Những vấn đề của hội nhập và phát triển kinh tế”; “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước”; “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực” và “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”.
Hội nghị lần này đang chờ đợi các sáng kiến, ý kiến, dự án mang tính đột phá của bà con kiều bào. Hội nghị tiếp tục động viên, huy động nguồn lực kể cả về vật chất và chất xám của cộng đồng người Việt để xây dựng đất nước. Thông qua Hội nghị, sự phối hợp giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước có hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến bà con cũng sẽ được áp dụng vào đời sống, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì một Việt Nam giàu mạnh.
Nhiều đại biểu tin rằng Hội nghị lần này có sự đột phá mới trong chế độ chính sách, cởi mở hơn về đầu tư; về cư trú, đi lại (hiện tại nhà nước đã miễn đăng ký cư trú, đi lại đối với bà con Việt kiều trong 180 ngày, tới đây dự định kiến nghị tăng lên 1 năm); về các thủ tục mua bất động sản; về giải quyết các vụ khiếu kiện của người Việt Nam ở nước ngoài về bất động sản...
Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 30/9.

Công Quang

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tri thức của kiều bào là kho tàng quý giá



Vị trí và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, khai mạc vào giữa tuần này tại TP.HCM tập trung thảo luận 4 chuyên đề lớn. Xin Thứ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa chính của Hội nghị?
Mục tiêu của Hội nghị tập trung vào việc làm thế nào để tăng cường sự đoàn kết, gắn bó và đóng góp một cách tích cực, sâu rộng hơn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự án cụ thể, cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020.
Những năm qua, chúng ta đã khẳng định vị trí và vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Với số lượng gần 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống ở 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sự đóng góp của bà con kiều bào là một nguồn lực rất tiềm tàng. Đây cũng là cầu nối quan trọng góp phần quảng bá Việt Nam với thế giới.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ cũng đều gắn với sự hậu thuẫn lớn của kiều bào, nhất là trong phong trào yêu nước, giành độc lập cho Tổ quốc. Trong thời bình, bà con Việt kiều cũng luôn đóng góp, san sẻ khó khăn, với đồng bào trong nước mỗi khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, không chỉ bằng vật chất mà cả tinh thần. Điều đó cho thấy sự gắn kết giữa kiều bào và đất nước ngày càng trở nên khăng khít, không thể tách rời.
Rất nhiều vấn đề bà con nêu ra ở Hội nghị lần 1 được chúng ta đã thực hiện thành công trong 3 năm qua. Vì thế, bà con kiều bào hướng về đất nước ngày càng đông với sự tự hào là một phần của dân tộc Việt Nam. Các thế lực thù địch, chống phá, đi ngược lại lợi ích dân tộc, vì thế ngày càng bị cô lập và trở thành thiểu số.
Tại Hội nghị lần này, chúng tôi đề ra 4 chuyên đề để kiều bào thảo luận, gồm: Tương lai của cộng đồng - Những vấn đề của hội nhập và phát triển kinh tế; Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó đất nước; Tri thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực;   Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất  nước. Với gần 1.000 kiều bào đăng ký tham gia, tôi hy vọng, những tham luận của kiều bào tại Hội nghị sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực hơn nữa cho các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như phục vụ tốt hơn cho việc kết nối đông đảo cộng đồng Việt kiều trên thế giới và với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
Như Thứ trưởng nói, tri thức của kiều bào là một nguồn lực cực kỳ lớn, nhưng dường như, chúng ta chưa tận dụng tốt nguồn lực này. Bằng việc đưa vấn đề sử dụng tri thức của kiều bào là 1 trong 4 nội dung trọng tâm tại Hội nghị, theo Thứ trưởng, vấn đề trên sẽ sớm được cải thiện trong tương lai?
Bên cạnh nguồn lực về vật chất, tri thức của đội ngũ kiều bào chính là một kho tàng cực kỳ quý giá.
Với 4,5 triệu kiều bào, chúng ta như có một dân tộc thu nhỏ ở khắp nơi trên thế giới. Trong số 4,5 triệu kiều bào, có khoảng 400.000 chuyên gia đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức danh tiếng tại các quốc gia phát triển. Ước tính, có hơn 100 chuyên gia giữ các vị trí chủ chốt trong các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, khoảng 20 chuyên gia đang làm việc ở Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA (Mỹ), hàng chục chuyên gia làm việc ở các dây chuyền khác nhau của Boeing, các bệnh viện trung tâm y học lớn của Paris, Tokyo, New York...
Chúng ta đã có GS Ngô Bảo Châu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực toán học, nhưng sẽ còn nhiều Ngô Bảo Châu trong các lĩnh vực khác, như công nghệ cao, y học, kinh tế, văn hóa...
Nếu nhìn một cách thẳng thắn, thì đúng là chúng ta chưa tận dụng hết nguồn lực tri thức của kiều bào. Có những chuyên gia, trí thức nước ngoài sẵn sàng về nước làm việc với mức thù lao thấp, làm việc trong những điều kiện thiếu thốn với tinh thần cống hiến, có người sẵn sàng chuyển giao các sáng kiến, phát minh của họ mà không cần thù lao.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận các đóng góp của kiều bào còn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, bộ ngành, tri thức trong nước khi họ có nhìn nhận đúng hay không, có đồng cảm với sáng kiến của kiều bào hay không. Vì vậy, việc khơi thông tốt hơn, sử dụng tốt hơn tri thức kiều bào là mong muốn chính của chúng tôi ở hội nghị lần này, qua đó làm thế nào để tìm ra biện pháp gắn kết hiệu quả giữa trí thức trong nước và nước ngoài,phục vụ cho phát triển đất nước.
Trong năm 2013, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tổ chức một số hội thảo dành riêng cho giới trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận trực tiếp về các vấn đề phát triển trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng cơ sở, năng lượng hạt nhân, nông nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, suốt 3 năm nay, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo các chính sách để tăng cường thu hút chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài. Đề án này có tên gọi là Chính sách Thu hút chất xám của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đã được trình Chính phủ cho ý kiến. Tôi tin rằng, chính sách này sẽ sớm được thông qua và ban hành.
Theo ông, việc thay đổi một số chính sách pháp luật quan trọng như kiều bào được phép sở hữu hai quốc tịch, được phép sở hữu bất động sản trong nước sẽ góp phần ra sao trong việc thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào về nước?
Việc cho phép sở hữu hai quốc tịch và mua nhà tại Việt Nam giúp bà con thuận lợi hơn rất nhiều trong việc đầu tư, sinh sống lâu dài tại quê hương. Chỉ có một điều duy nhất là bà con không được dùng tài sản đó để thế chấp ngân hàng, còn có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê, đáp ứng tốt yêu cầu của bà con. Ngoài ra, các thủ tục, điều kiện đầu tư trong nước cũng đã cởi mở, bớt phiền hà hơn rất nhiều, vốn đầu tư của kiều bào cũng được coi là vốn đầu tư trong nước, thay vì vốn đầu tư nước ngoài như trước đây. Qua đó, tạo được niềm tin để kiều bào tin tưởng về nước đầu tư ngày càng nhiều.
Theo thống kê, trong 3-4 năm gần đây, lượng kiều hối năm sau luôn tăng hơn năm trước từ 10 đến 15%. Trong năm 2011, riêng lượng kiều hối có thể tính được thông qua hệ thống kiểm soát tài chính đã đạt 9,2 tỷ USD, cộng với khoảng hơn 6 tỷ USD mà kiều bào rót vào các dự án đang triển khai và khoảng vài tỷ USD nữa ở những dự án liên doanh khác, tổng lượng vốn kiều bào mang về nước đạt gần 20 tỷ USD.
So với mức GDP trên dưới 100 tỷ USD hàng năm, rõ ràng đây là con số rất lớn, lớn gấp 3-4 lần lượng vốn ODA mà các nước tài trợ dành cho Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn, chúng tôi đã lo ngại lượng kiều hối có thể giảm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, kiều hối vẫn đạt 6,45 tỷ USD. Vì vậy, chúng tôi có cơ sở để tin rằng, xu hướng tăng sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tiếp theo.
Theo một số Việt kiều, hiện chúng ta còn thiếu cơ sở dữ liệu hay cẩm nang để giới thiệu cho kiều bào địa chỉ hoặc lĩnh vực đầu tư khi họ muốn đầu tư về nước. Cũng chính vì vậy mà Việt kiều thường mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để tìm kiếm dữ liệu đầu tư. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Đó là một thực tế mà chúng ta cần rút kinh nghiệm. Đa phần kiều bào đã quen với cách làm việc chuyên nghiệp của các nước phát triển, trong khi điều kiện của chúng ta còn kém. Tuy nhiên, qua hội nghị lần này, chúng tôi mong muốn những ý kiến như vậy sẽ nhanh chóng được truyền tải tới các bộ, ngành, địa phương để tiếp thu, cập nhật và phục vụ tốt hơn cho kiều bào trong việc kết nối, giới thiệu nhanh hơn cho các nhà đầu tư Việt kiều những dự án phù hợp

Nguồn: Báo Đầu tư


Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Khánh Ly – Bằng Kiều được biểu diễn tại Việt Nam

(Dân trí) – Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa ký giấy phép đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly và Bằng Kiều về Việt Nam biểu diễn đến hết tháng 12. Trước đó, khoảng một tuần, ca sĩ Bằng Kiều và vợ, ca sĩ Trizzie Phương Trinh đến Hà Nội thăm họ hàng và gia đình.
Trao đổi với Dân trí sáng ngày 25/9, ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ VHTT&DL vừa ký giấy phép (số 691/NTBD-PQL) đồng ý cho ca sĩ  Khánh Ly tham gia biểu diễn trong 4 chương trình do Công ty TNHH giải trí Đồng Dao tổ chức tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ca sĩ Bằng Kiều cũng được cấp phép về Việt Nam biểu diễn vào dịp này.
Ca sĩ Khánh Ly (Ảnh: st)
Ca sĩ Khánh Ly (Ảnh: st)
 "Cục đã ký giấy phép đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly và Bằng Kiều về Việt Nam biểu diễn từ giờ cho đến hết tháng 12. Chương trình cũng như các ca khúc sẽ được Cục kiểm duyệt chi tiết và chặt chẽ sau khi có kịch bản cụ thể”, ông Nguyễn Thành Nhân nói.
Ông Nguyễn Thành Nhân cũng cho biết, sau tháng 12/2012, hai ca sĩ này muốn biểu diễn tiếp tại Việt Nam thì các đơn vị tổ chức biểu diễn phải xin giấy cấp phép tiếp và cơ quan có chức năng sẽ xem xét và đưa ra quyết định của mình.
Với lần trở về biểu diễn này, đây là cuộc gặp gỡ khán giả trong nước lần đầu tiên sau hơn 30 năm xa quê của Khánh Ly và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Khánh Ly bước chân vào con đường ca hát (11/1962 -11/2012).
Theo nhà tổ chức, chương trình đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 11, với sự tham gia của những khách mời: Elvis Phương, Tuấn Ngọc và Hà Anh Tuấn. Sẽ có khoảng 28 ca khúc được chọn thể hiện, hầu hết đều đã được phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt, trong 2 ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, có một sáng tác vừa được nhạc sĩ viết tặng Khánh Ly.
Cũng theo nguồn tin riêng của Dân trí, ca sĩ Bằng Kiều sẽ biểu diễn trong chương trình tại Hà Nội vào tháng 10 tới. Nếu không có gì thay đổi, anh sẽ có dịp hội ngộ người bạn cũ, ca sĩ Mỹ Linh trên sân khấu tại quê nhà.
Ca sĩ Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát từ những năm 1960, gắn liền với các ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Ngoài ra, bà cũng rất thành công với các nhạc phẩm tiền chiến và của nhiều nhạc sĩ khác như Trầm Tử Thiêng, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An...
Nghệ danh Khánh Ly được bà ghép từ tên hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly trong Đông Chu Liệt Quốc.
Ca sĩ Bằng Kiều, tên đầy đủ là Nguyễn Bằng Kiều, sinh ngày 13 tháng 07 năm 1973 tại Hà Nội. Dù có thực hiện sáng tác một số ca khúc, nhưng anh vẫn được công chúng biết đến vai trò là một ca sĩ nhiều hơn.
Bằng Kiều sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh đã tham gia các hoạt động văn nghệ ngay từ nhỏ và gặt hái nhiều thành công sau này, cả trên sân khấu ca nhạc trong nước và nước ngoài.
Bằng Kiều từng tham gia các ban nhạc Chìa khóa vàng, Hoa sữa, Quả dưa hấu và sau đó tách ra hát solo riêng… 
Một số hình ảnh Bằng Kiều và vợ, ca sĩ Trizzie Phương Trinh tới sân bay Nội Bài đầu tuần trước:
Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng
Bằng Kiều và vợ- ca sĩ Trizzie Phương Trinh
Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng
Nguyễn Hằng
Ảnh: Thế Dương    

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai


Ba năm sau khi hội nghị đầu tiên được tổ chức, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ 2 với chủ đề "Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng NVNONN hội nhập và phát triển cùng đất nước" diễn ra từ 26-30/9/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng 1000 đại biểu tham dự Hội nghị lần này gồm đại diện kiều bào từ khắp các châu lục và khu vực trên thế giới, đại diện các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành trong cả nước, các tổ chức và đoàn thể tham gia vào công tác về NVNONN. Hội nghị là dịp để trao đổi về tình hình cộng đồng NVNONN, những vấn đề lớn và cấp thiết hiện đang đặt ra cho cộng đồng về phương diện phát triển và hoà nhập vào xã hội sở tại, tăng cường gắn bó với quê hương và góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị là bước triển khai mới thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ngày 26/3/2004 về công tác đối với NVNONN và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trên phương diện phát huy vai trò của NVNONN trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong hội nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Kể từ Hội nghị NVNONN lần thứ nhất đến nay đã có rất nhiều thay đổi và chuyển biến trên thế giới, trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế ở Việt Nam và trong cộng đồng NVNONN. Có những chuyển biến tác động tích cực, nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng không thuận lợi tới cộng đồng NVNONN. Nhìn chung, cộng đồng tiếp tục phát triển vững mạnh và hội nhập thành công vào xã hội sở tại, tăng cường các mối quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế và tài chính đã gây thêm nhiều khó khăn mới đối với đời sống và công việc của cộng đồng NVNONN. Ở nhiều địa bàn, chính quyền sở tại có những điều chỉnh chính sách đối với người nước ngoài, trong đó có quy chế về cư trú và kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng NVNONN.
Những vấn đề cấp thiết đặt ra cho sự phát triển của cộng đồng và công tác về NVNONN trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai được đưa vào nội dung của 4 hội nghị chuyên đề.
Đó là vấn đề về tương lai của cộng đồng NVNONN dưới tác động của nhu cầu hội nhập sâu rộng hơn vào xã hội sở tại và của việc đất nước cũng có nhu cầu ngày càng lớn hơn và cấp thiết hơn về hội nhập quốc tế phục vụ cho phát triển bền vững. Ở đây, vấn đề phát triển các tổ chức và hội đoàn của cộng đồng NVNONN chiếm vị trí quan trọng. Các tổ chức và hội đoàn này cần phải được thành lập, hoạt động và phát triển như thế nào để trở thành những đại diện xứng đáng cho cộng đồng, hoạt động thực sự hiệu quả và hữu ích cho cộng đồng, làm chỗ dựa vững chắc cho đời sống và sự hội nhập của cộng đồng vào xã hội sở tại. Từ đó, các tổ chức và hội đoàn đóng vai trò then chốt trong việc tập hợp cộng đồng, thúc đẩy các hoạt động thiết thực và đa dạng hướng về đất nước.
Hội nghị lần này cũng dành thời gian để trao đổi về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN. Việc duy trì và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc không đơn giản và dễ dàng đối với cộng đồng NVNONN. Việc duy trì được tiếng Việt cho các thế hệ NVNONN và tạo ra được không gian tiếng Việt ở bên ngoài là then chốt để duy trì và phát huy được bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN. Đây là vấn đề ý thức của mọi người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải có sự quan tâm kịp thời, đầu tư thoả đáng và hậu thuẫn thiết thực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tương tự như vậy là cách đặt vấn đề đối với chủ đề trí thức và doanh nhân kiều bào. Tiềm năng tri thức, kinh tế và tài chính của cộng đồng NVNONN rất đáng kể và là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Hội nghị này sẽ tập trung đánh giá đã làm được gì và thảo luận cần phải làm gì để đất nước có thể khai thác được những tiềm năng to lớn ấy, để trí thức và doanh nhân kiều bào thực hiện được tâm nguyện sử dụng những khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.


Đại biểu kiều bào tham dự Hội nghị NVNONN lần thứ nhất, Hà Nội, tháng 11/2009
Trong dịp này, các cơ quan và tổ chức trong nước tham dự Hội nghị có dịp tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp đại biểu của cộng đồng người VN từ khắp mọi nơi trên thế giới về dự Hội nghị; lắng nghe ý kiến của nhau và trao đổi về những chủ đề nội dung trên để cùng nhau đi tới những nhận thức chung, những khuyến nghị chính sách mới cho thời gian tới. Nhưng kết quả có ý nghĩa bao trùm lên tất cả là cùng nhau khẳng định quyết tâm chung thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau làm tất cả những gì có thể làm được vì tương lai của cả dân tộc và đất nước. Mong đợi và kỳ vọng của tất cả vào Hội nghị này rất lớn và chính đáng bởi đây là dấu mốc mới trong công tác về NVNONN, trong quá trình phát triển vững mạnh của cộng đồng NVN trên toàn thế giới.
Phương Thuận (Quehuongonline)