Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám

Thiếu một quy chế dân chủ, đó là lý do chúng ta thiếu sự sáng tạo trong khoa học. Chúng ta luôn nói khoa học công nghệ (KHCN) là quốc sách nhưng dường như không bao giờ quan tâm đến quốc sách!
 
“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”
 
“Tình hình khoa học, giáo dục nước nhà rất cấp bách”, đó là chia sẻ của phó tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San tại buổi đóng góp ý kiến cho luật KHCN sửa đổi ngày 18/10 tại Hà Nội. Đã không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một đại học Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á. “Chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học, tức là những người lao động quên mình trong khoa học và được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học quốc tế tầm cỡ”, TS San nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Uy Liêm (nguyên phó chủ tịch VUSTA) cho hay ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Chúng ta chỉ ngồi nhà khen nhau, bệnh thành tích lan tràn. Trong khi bắt tay vào làm thì lại có nhiều lý do để “sợ” đủ thứ. Đại diện VUSTA khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thống kê được có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài ít để ý cái mình làm có bị trùng hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn…

Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám
Việt Nam sẽ đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng.

Đem tới buổi thảo luận câu chuyện về thực trạng tổ chức KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, GS.VS Trần Đình Long (chủ tịch hội Giống cây trồng Việt Nam) cho biết, tính riêng khối nông nghiệp thì viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Ở khối thuỷ lợi, có tám viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành. Vì các tổ chức cồng kềnh, chồng chéo và nhiều tổ chức trung gian; các bên không kết hợp được nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ, cơ chế tự chủ bị phớt lờ, không tạo được sản phẩm quốc gia.

Trả lại cho thị trường

TS San đề xuất: khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các nghiệm thu nghiêm túc. Hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả. Còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc. Công nghệ mà không bán được thì công nghệ đó có để làm gì? Chẳng lẽ cứ để cho những người nông dân trình độ sơ khai cứ phải phát minh mãi?

Phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp hoặc thành lập các doanh nghiệp khoa học vận hành theo cơ chế thị trường. Việc tách rời nghiên cứu và đào tạo như hiện nay sẽ khiến các viện thiếu sự tiếp xúc với sinh viên, nguồn cảm hứng và nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu tương lai.

Đồng quan điểm này, TS Đào Trọng Hưng (chuyên viên cao cấp viện KHCN Việt Nam) cho rằng, khi có sự can thiệp của yếu tố thị trường sẽ hạn chế chuyện “xin - cho”, Nhà nước - doanh nghiệp - cá nhân khi đó đều phải “đặt hàng” nếu muốn có các nghiên cứu khoa học. Khi đó nguồn “nuôi” khoa học sẽ không hoàn toàn lấy từ ngân sách mà sẽ được thu hút từ bên ngoài như các doanh nghiệp, các tổ chức và nguồn vốn nước ngoài.
 
Theo Thanh Tuyền
SGTT

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Khi chủ quyền biển đảo liên tiếp bị xâm phạm!

Ngày 12.10, nhiều báo đưa tin Trung Quốc liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Ngày 1.10 tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; ngày 3.10 diễn tập trực chiến khẩn cấp tại vùng biển Hoàng Sa; ngày 8.10 thành lập Phòng Khí tượng “thành phố Tam Sa”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”. Lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu vẫn như lâu nay.

Tuy nhiên, những hành động liên tiếp vi phạm chủ quyền nước ta như kể trên chắc chắn không phải do cấp dưới của họ gây ra vì chưa quán triệt “thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước”! Hành động đó cho thấy, họ đang chuẩn bị dư luận, chờ đợi thời cơ để thực thi kịch bản bành trướng về hướng Đông Nam Á.

Vậy thì liệu những lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu của VN có thể làm cho chính quyền TQ lắng nghe và thực hiện chính lời của họ, đó là“phải biết vì đại cuộc mà gìn giữ quan hệ hữu nghị hai nước”? Dù chân thành mong muốn cũng thấy điều ấy khó thành hiện thực!

Vậy phải làm gì đây? Hãy cùng ôn lại tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong tình hình TQ trở thành siêu cường và kiên quyết thực hiện chủ nghĩa bành trướng thì việc “giữ lấy nước” là một thách thức rất lớn, chẳng những đối với chúng ta mà với cả những nước trong vùng.

Tuy vậy, là một dân tộc liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, chúng ta thừa hưởng nhiều bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị: Nuôi dưỡng lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền tổ quốc. “Giữ lấy nước” là mục tiêu đồng thuận cao nhất, là sức huy động vĩ đại cho mặt trận đại đoàn kết chống xâm lược.

Mọi hành động làm tổn hại tinh thần yêu nước, gây chia rẽ dân tộc trong tình hình hiện nay phải được ngăn chặn. Đấu tranh chống tham nhũng dù cực kỳ cấp thiết, vẫn phải tập trung hết sức cho công cuộc bảo vệ tổ quốc.

Tăng cường nội lực quốc gia chính là cách chủ động để vô hiệu hóa âm mưu bành trướng của phương Bắc. Cần tập trung làm lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế; sửa đổi hợp lý Luật Đất đai; đổi mới căn bản chính sách phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ… Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đều cho biết, chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển toàn diện chính là dân chủ.

Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta làm rất tốt hoạt động ngoại giao, tuyên truyền quốc tế. Lần này trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đang có nhiều thiếu sót, chưa làm cho Liên Hợp Quốc và nhiều nước gần gũi hiểu rõ và ủng hộ mình. Phải tìm rõ nguyên nhân để mau chóng khắc phục. Phải cảnh giác trước cái bẫy “vì đại cục” mà TQ nhăm nhăm đòi ta thực hiện, còn họ thì không!

Đã đến lúc đặt câu hỏi, tại sao họ tự cho mình có quyền ''trói tay, bịt miệng'' chúng ta để họ mặc sức hoành hành?

Tống Văn Công

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm

Mùa hè năm ngoái, sau khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công phá hoại hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh 02 trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tinh thần đoàn kết của người Việt khắp năm châu đã có dịp bùng cháy mãnh liệt. Từ người dân trong nước đến kiều bào, tất cả đều hướng về biển Đông, nơi chủ quyền biển đảo đang bị thách thức.
Điều gì đã khiến những con người quốc tịch có thể khác nhau, sinh sống trong những xã hội khác nhau, chính kiến có thể rất khác nhau - thậm chí đối lập nhau, lại cùng đứng bên nhau? Câu trả lời là: Tổ quốc.
Dịp đó, tôi được xem chương trình hội luận trên Phố Bolsa TV, một đài truyền hình của người Việt ở Quận Cam, California, Mỹ. Chương trình rất dài, nhưng có lẽ chỉ cần một phát ngôn trong đó là đủ để đúc kết lại toàn bộ. “Đừng để những lá cờ cản trở mục tiêu chính của chúng ta là phản đối Trung Quốc xâm lăng". Nhà văn Nguyễn Á Độc Lập, một người tham gia cuộc hội luận, đã nói như thế. Tôi chưa từng biết Nguyễn Á Độc Lập, nhưng câu nói hôm ấy của ông, đã đem lại cho tôi một sự xúc động vẫn vẹn nguyên cho tới tận bây giờ. Điều mà ông nói, cũng như tinh thần của chương trình hội luận, là tấm gương phản chiếu những gì đang diễn ra ngoài kia: người Việt khắp nơi trên thế giới đang sát cánh bên nhau vì chủ quyền đất nước, gạt sang một bên những khác biệt, bất đồng.
Sự thăng trầm của lịch sử từng khiến những người con đất Việt rời xa nhau, nhưng ngay cả trong những ngày tháng mà lòng người còn nhiều cách trở ấy, đất mẹ vẫn là nơi tất cả cùng hướng về. Để đến khi chủ quyền bị nhòm ngó, tất cả cùng đứng bên nhau, tạo nên cái mà người ta thường gọi là sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Chỉ có Tổ quốc mới khiến người ta sẵn sàng vượt qua lằn ranh của chính kiến khác biệt để đến bên nhau, như chưa từng có những chia lìa.
Anh Nguyễn Hùng, một Việt kiều ở Úc rất nhiệt tình tham gia đấu tranh vì chủ quyền đất nước trên mạng, từng nói với tôi: “Người Việt ở đâu cũng coi đất nước này là Tổ quốc. Dù xa quê hương đã lâu, chúng tôi vẫn luôn hướng về. Để đấu tranh cho chủ quyền đất nước, cần phải gác lại những lấn cấn bên này, bên kia”. Giản dị nhưng thật thấm thía!
Trong cuộc gặp gỡ với gần 1.000 kiều bào tại TP.HCM mới đây, thông điệp “chung một Tổ quốc” lại vang lên, làm nức lòng những trái tim Việt. “Dù có quan điểm, chính kiến khác nhau nhưng chúng ta cùng thống nhất rằng Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm”. Lời của thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), đã nêu bật nguyên nhân cốt lõi tạo nên khối đoàn kết của những người con đất Việt khắp năm châu. Nguyên nhân ấy không gì khác hơn: chúng ta chung một Tổ quốc.
Vì Tổ quốc là một, mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn uy dũng lẫy lừng, giữa lúc nước nhà nguy nan, đã khiêm nhường cởi áo thượng tướng Trần Quang Khải để “tắm giùm”, qua đó xóa bỏ bất hòa cá nhân, để cùng nhau chung một quyết tâm “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm Hồ Hàm Tử quan”.
“Tổ quốc Việt Nam là một, chủ quyền của Việt Nam là bất khả xâm phạm”, nguyên tắc ấy là bất di bất dịch, chân lý ấy có tự ngàn xưa, chứ không phải là giá trị của một thời đại. Hôm nay, chúng ta phát huy được tinh thần ấy, bờ cõi sẽ ngàn lần vững chắc, sá gì kẻ giặc hiểm độc nhòm ngó ngoài kia. 
Đỗ Hùng
Theo Thanh Niên