Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

VỚI NHỮNG NGƯỜI ANH EM TRÍ THỨC Ở XA

Bùi Công Tự

Tôi vừa được đọc “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc” của một số trí thức người Việt đang sống tại nước ngoài.

Bức thư được gửi đến Chủ tịch nước, Quốc hội và chủ tịch Quốc hội, chánh án tòa án nhân dân tối cao, Thủ tướng và chính phủ, Tổng bí thư và Bộ chính trị ĐCSVN.


Nội dung bức thư, mở đầu các tác giả bày tỏ sự ủng hộ với bảng “tuyên cáo” và bản “kiến nghị” của giới nhân sĩ trí thức trong nước. Đồng thời nêu ra những nhận định về “hiểm họa ngoại bang”, về “sức mạnh dân tộc”, về “vị thế chính quyền” của đất nước hiện nay. Các tác giả bức thư đã đề xuất “những việc cần làm” với những nội dụng khá cụ thể:

1-Đối với Trung Quốc

2-Đối với ASEAN và các nước khác

3-Đối với nhân dân trong nước

4-Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Phía dưới bức thư là danh sách 36 vị trí thức ký tên gồm các GS, nhà khoa học của nhiều lĩnh vực, luật sư, nhà văn, chuyên gia kinh tế… Với những chức danh đầy uy tín khoa học ở các nước  Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Canada, Thụy Sĩ.

Theo cảm nhận của tôi, các vị đều là những người yêu nước. Các ghi chú kèm theo cho thấy đây là những người đã cao tuổi, từng trải. Do đó lòng yêu nước của họ là rất sâu sắc. Chi có những người yêu nước thì mới nói về sự sống còn của đất nước một cách chân thành đến thế. Là các nhà khoa học nên bức thư của các vị diễn đạt một cách thẳng thắn, không cần rào đón, văn hoa.


Các vị đã bày tỏ sự ủng hộ với giới nhân sĩ trí thức trong nước – những người đã ký tên vào bản tuyên cáo ngày 25/06/2011 tố cáo, lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn xâm phạm chủ quyền nước ta, đồng thời kiến nghị với Đảng và nhà nước về quốc sách. Đây là mối tình cảm cao quý của những người trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước với nhau. Nó cho thấy chúng ta vẫn là con một nhà, người yêu nước không bao giờ cô độc.


Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự cảm kích trước bức thư ngỏ trên đây của các vị trí thức đang sống ở nước ngoài. Bạn Minh Nguyễn đã nói: “Thật là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, tiếng nói của nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước là tiếng lòng của cả dân tộc Việt Nam hôm nay. Kính mong các bác lãnh đạo nhà nước lắng nghe họ nói”. Tuy nhiên cũng có những ý kiến tỏ ra nghi ngại, cho rằng Đảng và nhà nước sẽ không tiếp thu như ý kiến của bạn Nguyen Hung sau đây: “Những tấc lòng son của những người con đất Việt, tuy sống xa quê hương nhưng vẫn luôn thao thức cho vận mệnh của dân tộc, rất cảm phục tấm lòng của các vị. Đọc thư của các vị thấy đất nước may thay còn có nhiều tấm lòng vì dân vì nước thật sự. Nhưng các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước có đủ tâm lẫn tầm để bước qua sự sợ hãi, rào cản ý thức hệ và muôn vàn mối lợi cho bản thân để lắng nghe nguyện vọng của các vị nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước?


Dưới đây tôi xin bộc bạch vài ý kiến cá nhân. Theo tôi những nhận thức về “hiểm họa ngoại bang”, về “sức mạnh dân tộc”, và cả về “vị thế chính quyền”, các nhà lãnh đạo Đảng, Quốc hội, chính phủ về cơ bản có thể đồng ý với quan điểm của các trí thức hải ngoại nêu trong bức thư, cho dù cách diễn đạt có thể khác, với mức độ khác, nhẹ nhàng hơn.


Tôi cho rằng Đảng và nhà nước cũng đang muốn xúc tiến những cải cách theo hướng hiệu quả hơn trong việc điều hành quốc gia. Tuy nhiên “một lộ trình cải cách cụ thể để được nhân dân tin tưởng và ủng hộ “ thì chưa thể sớm đạt được trong ngày một ngày hai. Có rất nhiều cản trở, mọi người đều biết cả đấy, nhưng không dễ bước qua, một khi chưa có sự quyết tâm cao đột biến trong Đảng.


Tôi mong trước mắt Đảng và nhà nước ủng hộ những đề nghị có tính chất nhân đạo của các trí thức Việt Nam đang sống ở nước ngoài đề đạt trong bức thư, như việc tu bổ nghĩa trang binh lính VNCH ở Biên Hòa và việc cho tìm kiếm hài cốt của những người bị chết trong thời gian cải tạo. Những gì thuộc về lịch sử chúng ta nên chấp nhận.


Trái đất quay nhưng không thể tự nó quay được. Chắc chắn có những lực tác dụng vào nó. Bức thư gửi lãnh đạo nhà nước của các trí thức người Việt đang sống ở nước ngoài có lẽ cũng có tác dụng như một lực góp phần làm cho trái đất quay.
TPHCM, 30 – 08 – 2011. 

GS.TS Nguyễn Lân Tuất nổi giận với Giải thưởng Nhà nước

- GS.TS Nguyễn Lân Tuất – người Việt đầu tiên được vinh danh Nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga – lên tiếng phản ứng chuyện xét tặng Giải thưởng Nhà nước mảng âm nhạc.

Vị giáo sư – tiến sĩ – nhạc sĩ nay đã vào tuổi 77, không ngờ chuyến về thăm quê hương ba tuần để du lịch nghỉ dưỡng ở biển Vũng Tàu, cuối cùng lại bị cuốn vào cơn lũ tức giận của giới nhạc sĩ xung quanh chuyện xét duyệt cấp cơ sở Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 18/8, tức ba ngày trước khi lên đường trở lại Nga cùng gia đình, ông đã có cuộc gặp phóng viên để bày tỏ một số điều kỳ lạ ở Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở, mà ông cho là đang khiến uy tín chung của Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

GS.TS Nguyễn Lân Tuất là người con trai cả trong gia đình trí thức danh tiếng của Cố nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Nhà của ông đặc biệt bởi có tới bảy tiến sĩ, ba giáo sư và ba phó giáo sư, hầu hết đều nổi tiếng như GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Trung
“Bị loại vì… thừa tác phẩm”
“Tôi có được vào vòng xét duyệt ở Hội đồng cấp cơ sở và hồ sơ của tôi đã bị loại”, thông báo vắn tắt hoàn cảnh của ông khiến không ít người ngạc nhiên và ái ngại thay cho vị giáo sư có sự nghiệp âm nhạc được tôn vinh ở Nga với danh hiệu Nghệ sĩ công huân (2001) và nhiều hoạt động thắt chặt tình hữu nghị Việt – Nga trong vai trò Phó chủ tịch Hội người VN ở Nga.
Lý do vì sao thì không có một văn bản thông báo nào gửi cho ông được rõ, mà chỉ được nghe em trai ông – PGS.TS. Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thông báo lại là do hồ sơ của ông… thừa, vì có mặt công trình nghiên cứu “Sân khấu truyền thống VN”. Đây là công trình đã được in thành sách, được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nga và đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường nghệ thuật ở Nga.
Câu chuyện một cuốn sách thừa ra giữa những bản giao hưởng nổi tiếng trong hồ sơ xét tặng danh hiệu cho nhạc sĩ nghe thật nghịch lý, không thể thuyết phục được ông, bởi chỉ cần loại cuốn sách ra là được. “Tôi rất hiểu những người đồng nghiệp ngồi trong Hội đồng xét duyệt. Có thể người ta không thích tôi. Bạn bè nói với tôi là họ chỉ viện lý do để có câu trả lời vậy thôi”, ông trầm ngâm.
Ông biết chuyện khi còn đang ở Nga và cười nhẹ như không, ngay cả khi những người bạn Nga của ông trong Hội nhạc sĩ Liên bang Nga (mà ông là thành viên) đùa khéo: “Các nhạc sĩ Việt Nam giỏi thật, đến một nghệ sĩ công huân được Nga phong tặng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn”.


“Cầu nguyện”, tác phẩm mới nhất của GS.TS Nguyễn Lân Tuất được các nghệ sĩ Nga trình diễn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội nhạc sĩ Liên bang Nga vào tháng 1.2011
Cười nhẹ, bởi ông biết được hay mất trong chuyện này cũng chẳng làm niềm hạnh phúc vì tác phẩm được khán giả nhớ tới trong ông đầy hơn hay bớt đi. Ông bảo, chẳng có gì khiến ông hạnh phúc hơn bằng một buổi tối lang thang quán cóc Sài Gòn, tình cờ nghe mấy anh hai Nam bộ say khướt và lè nhè những ca khúc một thời của ông như Người con gái Việt, Như một cánh diều Ông hạnh phúc vì dù vắng mặt ở quê hương nhiều năm nay, những tác phẩm giao hưởng của ông thỉnh thoảng vẫn được trình tấu lại.
“Ở Nga, không có chuyện bỏ phiếu kín”
Khi được hỏi có muốn kiện để được xem xét lại hồ sơ, ông phất tay từ chối một cách dứt khoát: “Không, không, tôi không muốn làm chuyện (lên tiếng) này để được đưa trở vào vòng xét duyệt. Tôi không kiện cáo hay ghen tị gì với ai cả. Tôi tin rằng khoảng 50 năm nữa, khi nhạc cổ điển ở VN phát triển được như ở Nhật, thì những bản giao hưởng của tôi sẽ được chơi nhiều hơn”.
Còn về lý do vì sao đến giờ mới lên tiếng, ông nói: “Nếu không làm to lên thì không được, bởi tôi cho rằng nó ảnh hưởng đến uy tín của Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi chỉ muốn thêm một tiếng nói nữa để các đồng chí trên Bộ có những chỉ thị xuống dưới để lần sau không xảy ra những vụ bê bối như vừa qua”.
Theo ông, ở nước ngoài, khi bê bối xảy ra, các hội đồng nghệ thuật sẽ tự giải tán cho đến khi đạt được đồng thuận thành lập một hội đồng mới. Riêng ở Nga, không có chuyện bỏ phiếu kín ở các buổi xét tặng danh hiệu, và mọi lựa chọn đều được thảo luận công khai.
Minh Chánh

Một phụ nữ gốc Việt làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ

(NLĐ) - Đó là nữ trung tá hải quân Mỹ Kimberly M. Mitchell, hiện làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ trên cương vị Phó Giám đốc Văn phòng Trợ giúp Quân nhân và Thân nhân.

Trung tá Mitchell (giữa) tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Ảnh: Giáo dục Việt Nam
Nữ trung tá Mitchell vốn là một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại trại trẻ mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Em bé số 899 này đã được một trung sĩ kỹ thuật thuộc lực lượng không quân Mỹ và vợ của ông nhận nuôi vào năm 1972, sau đó đưa về Mỹ và lớn lên tại một trang trại thuộc vùng nông thôn bang Wisconsin.
Nữ trung tá Mitchell hiện đang ở thăm Việt Nam, đến TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, nữ trung tá Mitchell đã đến trại trẻ mồ côi Thánh Tâm năm xưa (bây giờ là một tu viện) và gặp nữ tu Mary, người đã làm việc cho trại trẻ mồ côi này từ 4 thập kỷ trước, lúc đó em bé số 899 có tên là Trần Thị Ngọc Bích. “Đây là chuyến thăm của một đời người. Chắc chắn tôi sẽ trở lại”- nữ trung tá Mitchell tâm sự.
P. Dương

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

THƯ NGỎ GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM VỀ HIỂM HOẠ NGOẠI BANG VÀ SỨC MẠNH DÂN TỘC

Kính gửi:
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch và Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Thưa quý vị,
Chúng tôi, một số trí thức sinh sống tại nước ngoài, gửi đến quý vị lá thư ngỏ này để phát biểu những suy nghĩ thẳng thắn và xây dựng trước tình hình nghiêm trọng của Việt Nam hiện nay.
Trước hết, chúng tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ bản “Tuyên cáo” ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi đồng thời hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước.
Cả hai bản Tuyên cáo và Kiến nghị đại diện những tiếng nói can đảm, trung thực của giới trí thức yêu nước mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, trực tiếp hay gián tiếp, trong nhiều năm qua. Dù xa quê hương đã lâu, dù còn mang quốc tịch Việt Nam hay đã trở thành công dân nước ngoài, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến các khó khăn và thuận lợi của đất nước. Do đó chúng tôi ủng hộ những ý kiến chính đáng của nhân sĩ, trí thức trong nước và chỉ trình bày ngắn gọn một số nhận định bổ túc sau đây.
Hiểm hoạ ngoại bang
Sau chiến tranh biên giới cực Bắc năm 1979, nguồn tư liệu do Nhà nước bạch hoá về quan hệ Việt-Trung cho thấy mối quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng. Do hơn 30% dân số Việt Nam hiện sử dụng internet, thông tin ngày nay không còn là độc quyền của riêng ai. Kết hợp các nguồn tư liệu khác nhau cũng cho thấy rằng đối với Trung Quốc, “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính” (“Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, nxb Sự thật, 1979, trang 8).
Quan điểm trên được thể hiện rõ nét qua một chiến lược nhất quán của Trung Quốc trong gần 60 năm nay tuy chiến thuật tùy lúc, tùy thời có khác nhau: phản bội Việt Nam ở Hội nghị Geneva năm 1954, ngăn cản Việt Nam thương lượng với Mỹ năm 1968, dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động chiến tranh biên giới năm 1979, dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988; và sau khi quan hệ giữa hai nước đã bình thường hoá năm 1991, từng bước lũng đoạn kinh tế, thu vét tài nguyên, thực hiện mưu đồ đồng hoá, xâm phạm chủ quyền và đối xử tàn bạo đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.
Sức mạnh dân tộc
Việt Nam có lịch sử chống ngoại xâm, phần lớn là từ phương Bắc, trong nhiều thế kỷ. Việt Nam cũng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, với non 20 triệu héc-ta rừng, và hơn 3.200km đường biển. Trong dân số gần 90 triệu, hơn 3 triệu người có trình độ đại học trở lên. Do biến chuyển thời cuộc, hiện có hơn 3 triệu người gốc Việt sinh sống tại nước ngoài, trong đó có hơn 300.000 người có trình độ đại học trở lên và nhiều người là chuyên gia, giáo sư ở những công ty, trường đại học hàng đầu của thế giới.
Vị thế chính quyền
Sau hơn 35 năm lãnh đạo một đất nước thống nhất, các nhà cầm quyền chắc biết rõ hơn ai hết toan tính thâm độc của Trung Quốc và tình thế nguy nan của Việt Nam. Nhưng trong thời gian qua những chính sách và biện pháp đối nội và đối ngoại được thực thi đã tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn, trái với sự mong đợi của toàn dân. Tình trạng này hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc, đòi hỏi chính quyền cần phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước.
Những việc cần làm
Khác với các cuộc xâm lăng trong quá khứ, Trung Quốc trong thế kỷ XXI có nhiều lý do cần thiết hơn và nhiều điều kiện thuận lợi hơn để “khuất phục và thôn tính” Việt Nam mà không cần sử dụng vũ khí hay tổn thất nhân mạng. Mặc dù yếu kém hơn Trung Quốc về kinh tế và quân sự, Việt Nam có một lợi thế lớn chưa từng có trong lịch sử: không một nước tự do, dân chủ nào muốn thấy một nước độc tài chuyên chế như Trung Quốc xâm phạm quyền lợi hay quyền tự quyết của một nước khác, đe dọa tình trạng ổn định trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, cũng sẽ không có quốc gia hay liên minh nào có thể hỗ trợ Việt Nam nếu, trước hết, chính phủ Việt Nam không chứng tỏ là có ý chí và khả năng bảo vệ dân tộc và đất nước của mình.
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các ý kiến chính đáng vừa qua của nhân sĩ, trí thức trong nước. Chúng tôi hi vọng quý vị lãnh đạo tiếp thu đóng góp quan trọng ấy và sớm thiết lập một lộ trình cải cách cụ thể để được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Chúng tôi đề nghị những điểm chính dưới đây cần được chú trọng khi quyết định lộ trình:
1- Đối với Trung Quốc: Cần xác định công khai và rõ ràng lập trường của Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa-Biển Đông: mọi tranh chấp phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau. Cần nhấn mạnh truyền thống hiếu hòa của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là trí thức tiến bộ, để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong việc cùng tranh đấu cho công bằng và quan hệ bình đẳng giữa hai nước.
2- Đối với ASEAN và các nước khác: Cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với thành viên ASEAN cũng như những nước then chốt khác. Cần đồng thuận trong việc bác bỏ đòi hỏi trên 80% chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc và trong lập trường đàm phán đa phương với Trung Quốc về Trường Sa. Cần tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN và quốc tế cho một giải pháp về Hoàng Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN trong việc đổi tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á để góp phần vô hiệu hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, và để tránh ngộ nhận về các tên gọi khác nhau cho một vùng biển chung.
3. Đối với nhân dân trong nước: Cần sửa đổi Hiến pháp để đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá với ba cơ chế hoàn toàn độc lập: Quốc hội và cơ chế đại diện ở cấp thấp hơn, cơ chế toà án và cơ chế chính quyền. Cần thực hiện tự do bầu cử và ứng cử. Cần tôn trọng các quyền tự do công dân quy định bởi Hiến pháp Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng, cụ thể như quyền tự do biểu tình và tự do phát biểu nhằm phản đối hành động hung hãn của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần trả lại tự do cho những công dân bị giam giữ vì tranh đấu ôn hòa cho tự do, dân chủ, cho chủ quyền quốc gia, để đoàn kết toàn dân. Cần cải tổ hệ thống luật pháp, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, v.v. để đẩy lùi tham nhũng, giảm thiểu bất công, gia tăng năng lực, bảo vệ tài nguyên. Cần tham khảo với những nhóm nghiên cứu độc lập (như Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã phải tự giải thể năm 2009) trong quá trình hình thành các chính sách có tầm vóc quốc gia và quốc tế.
4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Cần tạo bước đột phá để cải thiện sự hợp tác của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Cần cho tái thiết Nghĩa trang Biên Hoà vô điều kiện, giúp đỡ chương trình tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong trại tù cải tạo, không can thiệp vào việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở các nước Đông Nam Á. Đây là bước cần thiết bắt đầu một quá trình nghiêm túc thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Mặc dù chính quyền kêu gọi trong nhiều năm, sự đóng góp về trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn quá nhỏ bé: số chuyên gia, trí thức hàng năm về nước “chuyển giao công nghệ” chỉ trong vòng 500 lượt người trên con số hơn 300.000 trí thức.
Có hai nguyên nhân chính: (1) cơ chế chính quyền hiện hữu không những đánh mất niềm tin của người dân trong nước mà còn là cản trở lớn cho trí thức ở nước ngoài muốn đóng góp vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” do chính Nhà nước đề ra;  (2) sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào thiện chí của trí thức còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ của lãnh đạo.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có điều kiện nghiên cứu và vận động tìm kiếm những giải pháp thuận lợi cho Việt Nam, như tranh thủ sự ủng hộ của các chính phủ và dư luận quốc tế cho quan điểm của Việt Nam. Thực tế là một số chuyên gia trong và ngoài nước từng hợp tác với nhau trong các hoạt động theo chiều hướng này và công cuộc vận động đã đạt được một số kết quả tích cực về vấn đề Biển Đông và sông Mekong.
Trước chiến lược trước sau như một của Trung Quốc đối với Việt Nam và trước tham vọng bành trướng, bá quyền ngày càng lộ rõ của Trung Quốc, đất nước và nhân dân đòi hỏi quý vị phát huy sức mạnh dân tộc, đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước trong giai đoạn cực kỳ hiểm nguy cho Việt Nam. Chúng tôi mong quý vị dũng cảm nắm lấy thời cơ duy nhất để thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, nhằm đưa Việt Nam lên vị thế xứng đáng với các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới.
Trân trọng kính chào,
Ngày 21 tháng 8 năm 2011
Đồng ký tên:

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Tặng biệt thự cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán

TT - Theo thông tin từ những người đứng đầu Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, ngày 30-8 đại diện của viện sẽ đến Tuần Châu (Quảng Ninh) để nhận món quà tặng là ngôi biệt thự trị giá 3 triệu USD của ông Đào Hồng Tuyển - chủ khu du lịch Tuần Châu, đồng thời tổ chức gắn biển tên tại ngôi biệt thự này.
Ông Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, cho Tuổi Trẻ biết thêm: Xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với tài năng của GS Ngô Bảo Châu, ông Đào Hồng Tuyển đã bày tỏ ý định tặng ngôi biệt thự trên cho cá nhân GS Ngô Bảo Châu, nhưng GS từ chối. Mặc dù vậy, ông Tuyển vẫn tiếp tục bày tỏ nhã ý tặng món quà này cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán để sử dụng vào mục đích chung của viện. Sau nhiều lần cân nhắc, lãnh đạo viện đã đồng ý nhận ngôi biệt thự.
Theo dự kiến, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ sử dụng ngôi biệt thự cho các nhóm nghiên cứu về toán, nhất là các nhóm nghiên cứu do các GS quốc tế chủ trì đến làm việc, nghỉ ngơi, tổ chức hội thảo.
V.HÀ - THƯ HIÊN

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt

Ngày 6 tháng 8 vừa qua, Hội “Tiếng nói của Người Mỹ gốc Việt” đã tổ chức “Ngày Tiếng nói Người Mỹ gốc Á châu” trình bày về các vấn đề thiết thực, cộng đồng thiểu số vùng Washington D.C, Virginia và Maryland thường quan tâm, tại Trung tâm Hành chánh Quận Fairfax, Virginia. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị tổ chức bất vụ lợi “Tiếng nói của người Mỹ gốc Việt” qua phần trao đổi với cô Ngọc Giao, Chủ tịch tổ chức này.
Chủ tịch Sharon Bulova và các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, 6/8/2011
Hình: voiceofvietnameseamericans.blogspot.com
Chủ tịch Sharon Bulova và các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á châu tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, 6/8/2011
Được thành lập vào đầu năm 2009, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt là một tổ chức bất vụ lợi với chủ trương giúp tăng sức mạnh của người Mỹ gốc Việt bằng cách khuyến khích thi hành nghĩa vụ công dân như ghi danh cử tri và đi bầu các chức vụ dân cử tại địa phương, tiểu bang và liên bang, xây dựng cộng đồng và phát triển tiềm năng của người Mỹ gốc Việt. Ngoài ra Tiếng nói người Mỹ gốc Việt còn nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền, dân quyền, tự do, dân chủ, và công bằng xã hội.

Cô Genie Ngọc Giao Nguyễn, Chủ tịch của Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nói về nguyên nhân thành lập hội:

“Tôi và một số bạn trẻ, đa số là những thanh niên, sinh viên và những chuyên gia trẻ nhìn thấy rằng người Việt Nam chúng ta chưa có tiếng nói thực sự trong giòng chính, trong mạch sống chính của Hoa Kỳ. Khi đi nói chuyện với những cơ quan dân cử, những người dân cử hay là những cơ quan của chính phủ chúng ta thấy rằng người Việt Nam mình chưa có tiếng nói mạnh mẽ cũng như chưa có được đại diện mạnh mẽ và chúng ta có nhu cầu đó để giúp mở con đường cho giới trẻ đi sau có thể thăng tiến hơn, vào trong những lãnh vực của Hoa Kỳ, để giúp cho tiếng nói người Mỹ gốc Việt mạnh mẽ hơn và bảo đảm quyền lợi của chúng ta tại đây cũng như tại quê nhà.”

Tuy mới được thành lập gần 3 năm nay nhưng Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã tích cực hoạt động trong nhiều lãnh vực có liên hệ đến cộng đồng người Việt tị nạn trong vùng. Từ năm 2009, khi mới thành lập, Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã phối hợp với một số tổ chức và hội đoàn của người Việt tị nạn… thực hiện chương trình có tên “Hành trình tìm tự do: Hồi tưởng câu chuyện thuyền nhân” (Journey to Freedom: The Boat People Restropective) tổ chức vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Cô Ngọc Giao cho biết:

“Chúng tôi đã ngay lập tức vào tháng 5 năm 2009, vận động được 3 nghị quyết tại Thượng viện, Hạ viện Hoa Kỳ và tại tiểu bang Virginia. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Tại Hạ viện, dân biểu Cao Quang Ánh đã đưa ra nghị quyết công nhận ngày 2 tháng 5 là ngày của người Việt tị nạn tại Mỹ. Và tại Virginia, dân biểu Bob Hull cũng đã công nhận tháng 5 là ngày của thuyền nhân Việt Nam. Ngay lập tức, vào ngày 2 tháng 5 năm 2009 chúng tôi đã mang vào trong Quốc hội Hoa Kỳ thế đứng của người Việt tại Mỹ. Đó là thế đứng của những người đi tìm tự do và sẽ tranh đấu cho tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền.”

Vào năm 2010 Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đã đóng góp vào việc kiểm tra dân số trên toàn nước Mỹ. Đến năm 2011, hội góp phần vào việc giúp tái phân phối các địa hạt bầu cử tại Virginia. Cô Ngọc Giao nói:

“Chúng tôi lên tiếng và có mặt tại các buổi điều trần tại Virginia để người ta biết tiếng nói của khối người Mỹ gốc Việt tại đây từ trước tới giờ hay bị lãng quên. Con số người Mỹ gốc Á châu tăng lên 68%, tức là trong những cuộc bầu cử từ bây giờ về sau, tiếng nói người Mỹ gốc Á châu rất là quan trọng. Nhất là năm 2011 tại Virginia có cuộc bầu cử tất cả các ghế. Người ta nói là các cuộc bầu cử năm nay sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cuộc bầu cử năm 2012 và nếu chúng ta biết rõ vị trí của Hoa Kỳ trên trường thế giới thì những người đại diện của chúng ta tại mọi tầng lớp ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự an nguy và thể chế chính trị tại Việt Nam. ”

Khuyến khích và thúc đẩy cộng đồng người Việt Nam trong vùng đi bầu là nỗ lực không ngừng của hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt. Bất cứ lúc nào thuận tiện hội đều tổ chức những bàn ghi danh cử tri tại các dạ tiệc dạ vũ, tại các buổi hội thảo của cộng đồng hay tại các chùa hay nhà thờ. Cô Ngọc Giao nói về hoạt động này trong những ngày vừa qua.

“Liên tiếp trong nhiều tuần qua, chúng tôi có đi đến chùa Hoa Nghiêm, chùa Vạn Hạnh, nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, ghi danh cho các vị đồng hương nào mới có quốc tịch mà chưa có ghi danh cử tri hoặc là đã có thẻ cử tri rồi nhưng muốn đi bầu khiếm diện.”

Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt tổ chức “Ngày tiếng nói của người Mỹ gốc Á châu Virginia” tại Trung tâm hành chánh Quận Fairfax, với sự tham dự của các hội đoàn người Mỹ gốc Á châu và sự hiện diện của các viên chức chính quyền địa phương, tiểu bang và trung ương để giải thích hoặc thảo luận về một số vấn đề bao gồm quốc tịch, y tế, việc làm, an ninh địa phương, an ninh toàn cầu trong đó có vấn đề biển Đông và bảo vệ môi trường với những vấn đề liên quan đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cô Ngọc Giao nói:

“Hôm đó có bà quận trưởng Sharon Bulova quận Fairfax, cũng như nhiều nghị sĩ và dân biểu của bang Virginia đến lắng nghe trình bày của nhiều hội đoàn người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương trong đó có văn phòng thương mại của người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương. Mục đích của chúng tôi là để các giới chức chính quyền Mỹ thấy người Mỹ gốc Việt chúng ta sinh hoạt với rất nhiều hội đoàn khác và chúng ta sẵn sàng đóng góp trở lại cho xã hội này. Có một điểm đặc biệt là chúng tôi có đưa ra một lập trường chung của cộng đồng người Mỹ gốc Á châu-Thái Bình Dương do anh Takahiro Nakamura người Mỹ gốc Nhật đệ trình.”

Kể từ khi được thành lập cho đến nay, hàng năm hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt đều có trao một học bổng về lãnh đạo chỉ huy cho những bạn trẻ có khả năng trong lãnh vực này. Cô Ngọc Giao giải thích:

“Mỗi năm tôi có trao một học bổng nhỏ cho các em tập sự đi tham dự một khóa 3 ngày gọi là ‘khóa huấn luyện những người lãnh đạo trẻ’. Khóa 3 ngày đó cho họ những căn bản về lãnh đạo nhưng đồng thời mang họ tiếp xúc với chính quyền địa phương, Quốc hội Mỹ và có năm vào Tòa Bạch Ốc để nghe thuyết trình nữa.”

Để phổ biến chủ trương của Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, hàng tuần vào ngày thứ Hai từ 4 đến 5 giờ chiều hội có một chương trình phát thanh trên đài Việt Nam Hải ngoại và vào lúc 9 giờ tối ngày thứ Tư, hội cũng có một giờ phát thanh trên đài Việt Nam Washington D.C. Cô Ngọc Giao nói về nội dung của hai chương trình phát thanh này.

“Mỗi giờ phát thanh, chúng tôi chia làm hai phần, nửa phần đầu nói về tin tức, chú trọng đến những tin tức xảy ra ở Quốc hội, ở mức lập pháp và hành pháp tại liên bang và tiểu bang. Còn nửa tiếng sau là phỏng vấn. Trong phỏng vấn, chúng tôi phỏng vấn rất nhiều người, kể cả những người làm nails. Lúc trước chúng tôi có phỏng vấn cô Tiến sĩ Thu Quách, chuyên nghiên cứu những độc hại trong ngành nails. Cuộc phỏng vấn rất cảm động vì mẹ cô Thu Quách làm nghề nails và nuôi cô học lấy bằng Tiến sĩ và mẹ cô bị chết vì ung thư. Do đó cô Thu Quách tìm hiểu và đang viết về những chất độc trong ngành nails.”

Qua kinh nghiệm của việc tổ chức những diễn đàn, những buổi hội thảo trong những năm qua, Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt nhận thấy cần thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của cộng đồng Việt Nam thuộc mọi tầng lớp, tuổi tác và tôn giáo vào các hoạt động dân sự để tiếng nói của người Việt tại Washington D.C và vùng phụ cận không thua kém những cộng đồng thiểu số khác.

Nguyễn Thu Mây giành giải á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia


TTO - Nguyễn Thu Mây (tên nước ngoài là Daniela NguyenNova) đã giành được danh hiệu á hậu 3 cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Miss Supranational 2011 vừa diễn ra tối qua (26-8, giờ địa phương) tại Ba Lan.

Top 5 người đẹp của cuộc thi (từ trái qua): Krystelle Khoury (Mỹ), Valery Velez (Puerto Rico), Monika Lewczuk (Ba Lan), Nguyễn Thu Mây (Việt Nam) và Liudmila Yakimovich (Belarus) - Ảnh: Globalbeauties 
Người đẹp Nguyễn Thu Mây - Ảnh: Globalbeauties
Nguyễn Thu Mây, 22 tuổi, cao 1,68m, có cha là người Việt, mẹ là người Czech, từng nhận được giải Hoa hậu người Việt khu vực châu Âu trong cuộcc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010. Cô cũng đã vào top 15 thí sinh vào chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 và giành được giải người đẹp có gương mặt khả ái nhất.
Hoa hậu Siêu quốc gia 2011 Monika Lewczuk - Ảnh: Globalbeauties
Người đẹp nước chủ nhà Ba Lan Monika Lewczuk đã đăng quang ngôi vị hoa hậu của cuộc thi này. Với sự trình diễn ấn tượng cùng vẻ đẹp quyến rũ, chiến thắng của người đẹp tóc vàng Monika Lewczuk không gây ngạc nhiên cho khán giả theo dõi cuộc thi.
Monika Lewczuk, 23 tuổi, cao 1,77m, là người mẫu chuyên nghiệp, từng giành giải á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Hoàn cầu năm 2009. Gương mặt cô được nhiều người nhận xét giống gương mặt nữ hoàng nhạc pop Madonna khi còn trẻ.
Á hậu 1 thuộc về người đẹp Liudmila Yakimovich đến từ Belarus, á hậu 2 được trao cho người đẹp Valery Velez của Puerto Rico, á hậu 4 là người đẹp Krystelle Khoury đến từ Mỹ.
Miss Supranational là cuộc thi sắc đẹp được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2009. Năm nay có 70 thí sinh tham dự cuộc thi này.
N.X. (Theo Globalbeauties)

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Về bài “Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách”

(thư gửi nhà báo từ một người không phải là nhà báo)

Kính gửi nhà báo Nguyễn Việt!
Nhân đọc bài viết Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách” của nhà báo, tôi xin phép được trao đổi với nhà báo vài suy nghĩ và tâm sự của một người không phải là nhà báo.
Thưa nhà báo!
Tôi thấy bài Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách phản ánh một tư tưởng của thời tập trung quan liêu, bao cấp rất rõ nét- một quan điểm và phương pháp mà Đảng và nhà nước đã phê phán và kiên quyết từ bỏ. Theo lối tư duy thô thiển và thủ cựu đó, nhà báo muốn bày tỏ rằng, mọi lối suy nghĩ, tình cảm và hành động của người dân phải chờ nhà nước ra chỉ thị hoặc chỉ đạo mới được làm. Có phải vậy không?
Nguyễn Việt ơi, tôi muốn nhắc nhà báo rằng, Đảng và nhà nước ta đang chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Đã dân chủ thì người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình dưới nhiều hình thức, đặc biệt là chính kiến bày tỏ lòng yêu nước trong bối cảnh hiện nay. Đã Văn minh thì trước những biểu hiện văn minh như hành vi của những người tham gia biểu tình thì đại diện cho nhà nước phải có những hành động văn minh để đáp lại chứ?
Tôi đồng ý với nhà báo rằng “Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước và tôi thấy những người tham gia biểu tình đã bày tỏ tấm lòng của họ muốn cùng chính quyền bào vệ tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ đó thôi. Vậy mà suốt thời gian cả mười cuộc biểu tình ở Hà Nội và rất nhiều cuộc biểu tình ở Sài Gòn và các địa phương khác đã diễn ra mà không có một nhà báo nào dám đưa bất cứ một thông tin nào về họ. Có phải họ vẫn chờ lãnh đạo chỉ đạo một cách bao cấp không? Vậy mà khi nhận được cái thông báo cấm biểu tình không hợp lệ thì hàng loạt báo chính thống lại đăng ngay. Đăng vậy rồi mới mâu thuẫn chứ: người thì bảo biểu tình là biểu hiện lòng yêu nước nên nhà nước không chủ trương đàn áp, không phải người (vì cái thông báo chẳng ai ký cả) thì bảo cấm, nếu vi phạm thì “xử lý”. Cứ “sắc sắc, không không” thế này thì dân biết đằng nào mà lần. Thử hỏi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ở đâu? Nếu chính quyền và các nhà báo thấy những biểu hiện yêu nước đó là không đúng sao không đối thoại với họ một cách bình đẳng, hợp hiến, “dân chủ và văn minh”?
Tôi đồng ý với nhà báo rằng, chúng ta “cần phải sử dụng dư luận quốc tế đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc gia”. Vậy tôi đã thấy những người biểu tình yêu nước đang cùng với nhà nước bày tỏ cho quốc tế thấy được lòng dân và ý nguyện quốc gia đang hòa vào một để kêu gọi sự hậu thuẫn từ phía họ. Còn việc nâng cao nhận thức của của người dân, thì…nói thật. Người dân có biết gì đâu? Các thông tin có được thông báo đầy đủ đâu? Những người bị hại chỉ biết âm thầm chịu đựng, đến lúc không chịu được thì…nói thật, ai thương họ, ai thấu hiểu cho họ thì họ bày tỏ thôi. Cái này cũng là một thiếu sót về tác nghiệp và đạo đức của người làm báo đấy. Niềm tin của người dân mất dần đi vì lẽ đó đấy.
Anh nói: “Nhưng lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách”. Hãy định nghĩa thế nào là đúng cách? Những dòng này của anh làm tôi nhớ lại hồi tôi còn nhỏ, vào những năm 60 của thế kỷ trước, tôi vẫn theo mẹ tôi đi biểu tình quanh Bờ hồ. Thấy mẹ mặc áo dài, tay cầm lá cờ nhỏ, tôi hỏi mẹ: đi biểu tình làm gì hả mẹ? Mẹ nói, “mình là công dân, biểu tình để thể hiện trách nhiệm với đất nước con ạ, để bày tỏ lòng yêu nước và cũng cho thế giới biết nước mình đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn đồng lòng xây dựng đất nước!”. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời mẹ giải thích, tôi cũng chẳng hiểu mình thể hiện lòng yêu nước đúng cách hay không, nhưng thấy được gọi là người yêu nước, tôi tự hào lắm. Sau đó, tôi còn theo mẹ đi biểu tình ủng hộ đồng bào AnGiêry, ủng hộ nhân dân Cu Ba nữa. Tôi còn cùng các bạn đi nhặt giấy vụn làm kế hoạch nhỏ để làm nghĩa vụ quốc tế nữa. Về sau, lớn hơn tôi đã hiểu, biểu tình là một cách bày tỏ chính kiến của công dân, một trong những chính kiến đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình.
Câu nói của anh “lòng yêu nước cần phải thể hiện đúng cách” cũng lại làm cho tôi nhớ lại một câu chuyện khác, khi tôi đã được học nhiều hơn, có chính kiến rõ ràng hơn. Đó là lúc chúng tôi đang học dự bị ở CHLB Nga, Liên xô (cũ) đang chuẩn bị đón tổng thống Mỹ sang thăm. Lúc bấy giờ đang là thời kỳ chiến tranh lạnh, hẳn là tình hình chính trị thời đó rất nhạy cảm. Trong chương trình liên hoan văn nghệ nhân dịp kỷ niệm ngày lễ gì đó, tôi không còn nhớ nữa, lớp tôi có tiết mục múa “cô gái vót chông”, trong đó có cảnh lính Mỹ bị dính chông, chết thảm hại. Một người trong ban tổ chức, khi duyệt đã buộc chúng tôi bỏ cảnh có lính Mỹ đi, nếu không thì không được múa điệu đó nữa. Họ lập luận, “chiến tranh đã qua rồi, nhắc lại làm gì nữa”. Chúng tôi đã phản đối rằng, vậy tại sao từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, biết bao nhiêu năm trôi qua rồi mà hiện nay, đến năm 1973, ngoài rạp vẫn đang chiếu phim “và bình minh nơi đây yên lặng”, một bộ phim rất hay, được nhiều người hưởng ứng nói về sự khốc liệt của chiến tranh? Rằng nếu không cho diễn điệu múa đó, chúng tôi sẽ không tham gia bất cứ tiết mục nào khác nữa. Lúc bấy giờ, tất cả các bạn từ các nước khác học chung trường như: Đức, Ba Lan, Hung, Ấn Độ, Công Gô, các bạn thuộc các nước Nam Mỹ đều đồng loạt biểu tình, đòi phải cho sinh viên Việt Nam múa bài đó, nếu không họ cũng bỏ hội diễn, không tham gia luôn. Cuối cùng, Ban tổ chức phải nhượng bộ. Tôi không biết, lúc đó chúng tôi có “bày tỏ lòng yêu nước đúng cách” không, nhưng chúng tôi đã có dịp cho các bạn quốc tế biết rằng nhân dân ta yêu hòa bình nhưng nếu ai muốn xâm lược, chúng sẽ phải trả giá đắt. Hành động tự phát đó đã được bạn bè sinh viên quốc tế ủng hộ, được các bà giáo càng hiểu và yêu chúng tôi hơn. Lúc đó, chẳng ai chỉ đạo tụi tôi cả, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã mách bảo đấy thôi.
Bây giờ, mặc dù không có dịp tham gia nhưng khi theo dõi những người đi biểu tình, tôi nhớ lại những cảm giác đó và lòng tràn ngập lòng tự hào như mình cũng đang cùng kề vai sát cách với họ vậy. Mỗi lần bạn tôi đi biểu tình, thấy số điện thoại của tôi hiện lên, cô ta chẳng “A lô!” gì sất, nói luôn: này, nghe nhé! Và tôi đã nghe được âm thanh hào hùng của cuộc biểu tình.
Anh nói hoàn toàn đúng, “Ngay lúc này đây, chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để bảo vệ, xây dựng đất nước. Những người đại diện cho dân, những công công bộc của dân, những người mà dân tin tưởng trao những đồng tiền thuế mà họ khó nhọc lắm mới kiếm được cần phải nhận ra điều đó. Họ cần phải đồng lòng với dân, phải tiếp nhận sự chia sẻ trách nhiệm từ người dân để bảo vệ và xây dựng đất nước chứ? Người dân đã mở lòng đến như vậy, sao những người đại diện cho dân lại đối mặt với họ đến thế? Có lẽ đó chính là lý do vì sao “thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng có mặtvà đúng là nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống hành động sai trái này của Trung Quốc là giúp ích cho Nhà nước, cho đất nước. Tôi cho rằng họ đã đúng và thực tế chứng minh là họ đã đúng. Cái gì logich thì sẽ tồn tại!
Anh, nhà báo Nguyễn Việt ơi, anh có bao giờ đặt câu hỏi vì sao người dân lại cùng các nhân sỹ trí thức tham gia biểu tình đông như thế, trật tự và ôn hòa như thế (dù nhiều người, vì nhiều nỗi niềm đã rất muốn nổi loạn) không? Tại vì người ta đã nhìn vào nhân cách và những sự đóng góp cho đất nước của những con người đang kính đó. Tại vì tự bản thân họ đã muốn làm như thế từ lâu rồi, nay có những người mà họ tin tưởng thì họ hưởng ứng thôi. Họ tham gia để bày tỏ chính kiến của mình đấy, chẳng phải họ ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy đủ hay bị ai xúi dục hay lợi dụng đâu. Tôi không phải là họ (không được dịp tham gia như họ) mà nghe câu đó cũng thấy bị xúc phạm lắm lắm! Tôi cũng lại hỏi anh, anh có biết là khi những người yêu nước đi biểu tình, có hàng chục triệu người, trong và ngoài nước, trong đó có tôi luôn dõi theo và cám ơn họ vì đã thay mình bày tỏ lòng yêu nước không? Cái nhạy cảm nghề nghiệp của anh bỏ đi đâu rồi mà không thấy? Hay anh phải chờ cấp trên chỉ đạo?
Trong số những người đi biểu tình, tôi không biết những khuôn mặt quen thuộc từng bị pháp luật xử lý về âm mưu tuyên truyền chống phá sự ổn định của đất nước, chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là ai, nhưng tôi thấy rất nhiều người được nhà nước và dân vinh danh, nhiều người là bạn bè tôi- những người đã và đang cống hiến hết sức mình cho đất nước, có một số người không phải là bạn tôi nhưng là những người tôi biết rất có nhân cách mà không ai có quyền xúc phạm. Có thể trong số đó cũng có những người đã từng “vi phạm pháp luật” vì lí do này hay khác, lúc này hay lúc khác, mà ở đây chưa bàn về cái đúng cái sai được (có đầy rẫy những điều, thể hiện sớm quá bị cho là sai, về sau lại cho là đúng. Các điều luật được hình thành từ thực tế mà!) Hãy cứ nghĩ lại coi, nhiều người đại diện cho dân, nắm luật ở trong tay mà còn bao nhiêu kẻ táng tận lương tâm cố tình làm sai luật, làm hại cho dân mà (bằng chứng sờ sờ ra đó, trên các phương tiện PTĐC kìa). Có vậy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới gọi được là “bầy sâu” chứ. Nhưng nói vậy chứ, lãnh đạo không phải ai cũng xấu, ai cũng là sâu, mà sâu thì cũng sâu to sâu bé, người tốt nhiều, người xấu ít thôi. Vậy luận ra, nếu trong số những người biểu tình yêu nước, có ai đó đã lỡ vi phạm pháp luật thì nhà báo nỡ lòng nào và có lý nào lại cho tất cả họ đều là xấu và lúc nào họ cũng xấu sao?
Vậy, bây giờ chúng ta trao đổi tiếp. Đã đến lúc cần phải nhận rõ những người khởi xướng và tổ chức các cuộc tụ tập đông người này. Động cơ của họ là gì?(câu này của anh đấy)
Anh nói động cơ thứ nhất của họ lợi dụng việc biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân”. Lần này tôi không đồng ý với anh. Chẳng ai ngu gì mà lại đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách như vậy cả. Anh có dám đánh bóng tên tuổi bằng cách chống đối lại thủ trưởng mình không? Cái tuồng của anh thì không rồi. Những người biểu tình cũng sợ lắm, chẳng qua vì không có cách khác tốt hơn nên người ta phải mạo hiểm mà làm vậy thôi. Những nhân sỹ trí thức ấy cũng muốn được nghỉ ngơi, được hưởng thụ sau một thời gian dài đóng góp cho đất nước chứ, những người dân thường khác họ cũng phải lo làm ăn trong thời buổi khó khăn này chứ?. Hãy mở to mắt ra mà nhìn họ kìa: những người cao tuổi, những người phụ nữ, những cô gái trẻ trung xinh đẹp, những em nhỏ còn quàng khăn đỏ…họ có chức có quyền gì đâu, họ có mưu lợi hay kiếm ăn gì được ở chỗ biểu tình mà đánh bóng tên tuổi?
Mà này, ý tưởng bày tỏ lòng yêu nước để đánh bóng cá nhân cũng lại làm cho tôi nhớ tới câu chuyện của bố tôi (tôi cứ hay nhớ tới bố mẹ vì các cụ đã khuất rồi, mà các cụ lại là những tấm gương để tôi noi theo, mong anh thông cảm). Bố tôi là con của gia đình thuộc “thành phần trung lưu”, được học hành tới nơi tới chốn nhưng lại tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội-một tổ chức tiền thân của Đảng nên bị đày ra Côn Đảo. Chắc lúc đó bố tôi và những đồng chí của ông không nghĩ rằng mình đang đánh bóng tên tuổi đâu anh ạ. Tội nghiệp cụ, còn bị nhốt vào hầm xay lúa nữa đấy! xuýt chết mấy lần. Tên tuổi thì thay đổi xoành xạch để hoạt động cách mạng thôi. Có giữ cái nào lâu đâu mà đánh bóng?
Cái anh nhà báo này, thật là khiếm khuyết trong cách ví von!
Tiếp nhé, anh bảo: Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập những nhóm đông người vào ngày chủ nhật còn thâm độc hơn nhiều. Đó là hành vi lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người.
Rõ thật là, ai lại cố tình vi phạm pháp luật bằng cách lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước? Còn mệnh đề “tạo tiền đề cho các cuộc gây rối đông người” và “Đã có những ý kiến cho rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành “tiền đề cách mạng đường phố”. Tôi xin phép được giơ tay nêu câu hỏi: vì sao người ta lại sợ như vậy? Sao nhà báo lại tiên đoán đó là “tiền đề cách mạng đường phố”.
Hành văn cho cẩn thận, nếu không sẽ bị “chụp mũ” đấy.
Xin kính chào. Chúc nhà báo thật nhiều sức khỏe và tìm hiểu về lòng yêu nước và những người biểu tình cho rõ hơn!
Irina.



THÔNG ĐIỆP CỦA GIÁO SƯ CHU HẢO

THÔNG ĐIỆP KHẨN

Thưa các anh chị,
Xin mời các anh chị xem lại đoạn băng của Đài truyền hình Hà Nội về cuộc biểu tình ôn hòa  phản đối dã tâm xâm lược của bè lũ bá quyền cực đoanTrung Quốc, của những người yêu nước mà họ gọi là các phần tử phản động, những kẻ xấu, kể cả những người như anh Nguyên Ngọc cùng một số anh em khác mà chúng ta biết rõ và trân trọng.
Nếu đây cũng là quan  điểm chính thức của Đảng và Nhà nước thì Chế độ này không phải là của Nhân dân ta nữa rồi!
Chúng ta cần phải làm gì, thưa các anh chị? Nên chăng bước đầu đến thẳng trụ sở Thành ủy Hà Nội chất vấn trực tiếp Bí thư Phạm Quang Nghị ?
Kính thư!
Chu Hảo

Nhà văn Nguyên Ngọc và GS Chu Hảo

Họp báo Bộ Ngoại giao chiều 25-8 tại Hà Nội



Phóng viên nước ngoài: Xin bà cho biết về phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước việc ĐSQ Hoa Kỳ phát biểu bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ 50 người biểu tình chống Trung Quốc tại Hồ Gươm hôm chủ nhật 21-8 vừa qua?
Bà Nguyễn Phương Nga: Về câu hỏi này, tôi xin trả lời như sau:
Đây là phát biểu sai trái, không phù hợp. Cần khẳng định rằng ở Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của công dân đều được quy định rõ trong Hiến pháp, trong các quy định của pháp luật, và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Cũng như tất cả các nhà nước pháp quyền khác trên thế giới, việc thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 19, Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xử lý những người có hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng. Việc làm này là theo đúng các quy định của pháp luật để bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
AFP: Xin bà làm rõ thông tin là hiện vẫn còn ba người bị tạm giữ?
Bà Nguyễn Phương Nga: Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ cơ quan công an thành phố, thì ngày 21-8-2011, đã có khoảng trên 50 người có cái hành động tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nơi đang diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Lực lượng làm nhiệm vụ đã kiên trì vận động, giải thích, yêu cầu mọi người thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng theo tinh thần Nghị định 38/2005 NĐ-CP, ngày 18-03-2005, quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và nội dung thông báo của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên những người nói trên đã không chấp hành, có lời lẽ lăng mạ, gây mất trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Để thiết lập và bảo đảm trật tự an ninh tại khu vực bảo vệ, lực lượng làm nhiệm vụ đã áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2005 NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ, đưa những người này về trụ sở tiếp dân tại Thành phố. Tại đây thì những người trên tiếp tục có hành vi hò hét gây mất trật tự an ninh, buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải tiếp tục đưa về CA quận Từ Liêm để phân loại, xử lý. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số trường hợp và đã cho một số trường hợp về ngay trong ngày 21-8-2011.
Đối với ba đối tượng có hành vi quá khích, lăng mạ, gây rối trật tự công cộng, cơ quan cảnh sát điều tra CA quận Hoàn Kiếm tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trong thời gian xử lý, những người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật tại đồn CA Mỹ Đình, CA huyện Từ Liêm đã tạm giữ ba đối tượng tới trụ sở CA, có hành vi gây rối an ninh trật tự, lăng mạ, chống người thi hành công vụ.
Theo thông tin mới nhất mà tôi mới nhận được từ GĐ Công an thành phố Hà Nội thì chiều nay sẽ tạm thời cho các đối tượng này được tại ngoại và xem xét xử lý sau.
SGTT: Xin hỏi hai câu. Thứ nhất, có phải Lào sẽ thuê Thụy Sĩ thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động môi trường với thủy điện Xayaburi? Thứ hai, có tin tàu cá ở Quảng Bình bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc 6.000 USD, bà có thể cho biết rõ hơn?
Bà Nguyễn Phương Nga: Với câu hỏi thứ nhất, liên quan đến thủy điện Xayaburi, chúng tôi đã có nhiều lần nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. Việt Nam hoan nghênh quyết định của Chính phủ Lào dừng dự án xây dựng đập thủy điện Xayaburi. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 18 tại Jakarta (Indonesia), hai thủ tướng Việt Nam và Lào đã thống nhất chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai bên tiến hành phối hợp nghiên cứu chung, thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy hội Sông Mekong về tác động của các công trình thủy điện với dòng Mekong để có cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo.
Còn về câu hỏi thứ hai, liên quan đến trường hợp tàu cá của Quảng Bình và 5 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ, tôi xin trả lời như sau: Theo thông tin do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Sở Ngoại vụ UBND Tỉnh Quảng Bình cung cấp, ngày 8-8-2011, tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB1825-TS cùng 5 ngư dân đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ tại khu vực có tọa độ 17 độ 40 phút Bắc và 109 độ 20 phút Đông, thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Hải Nam 35 hải lý và cách Đà Nẵng 109 hải lý. Ngay sau khi nhận thông tin, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã liên hệ với ĐSQ Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc xem xét sớm trả tự do cho ngư dân và tàu cá Việt Nam trên tinh thần hữu nghị và nhân đạo, phù hợp với quan hệ giữa hai nước.
Financial Times: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự sụp đổ mới đây của chính quyền Gaddafi?
Việt Nam rất quan tâm theo dõi tình hình Lybia. Chúng tôi tôn trọng mọi quyết định của nhân dân Lybia và mong muốn tình hình Lybia sớm trở lại ổn định để nhân dân Lybia có điều kiện khôi phục và phát triển đất nước.
AP: Tôi có 2 câu hỏi liên quan tới cuộc biểu tình ngày chủ nhật vừa qua. Đầu tiên là các cuộc biểu tình lúc đầu thì được cho phép, sau lại không được cho phép nữa. Vì sao lại như vậy? Câu hỏi thứ hai là liệu Việt Nam có tiếp tục bắt giữ người nếu lại có biểu tình nữa không?
Bà Nguyễn Phương Nga: Về câu hỏi thứ nhất thì tôi khuyên bạn nghiên cứu kỹ thông báo của UBND TP Hà Nội. Thông báo này đã nêu rất rõ chủ trương của Thành phố.
Về câu hỏi thứ hai, chủ trương của TP Hà Nội và các cơ quan chức năng là kiên trì vận động, giải thích để người dân hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Như tôi đã nói, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Cũng như các nhà nước pháp quyền khác trên thế giới, các hành vi tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo đúng quy định của pháp luật, ngày 18-3-2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 38/2005 NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Bộ Công an cũng đã có Thông tư số 09/2005 TT-BCA ngày 5-9-2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 38CP. Nếu bạn chưa có các văn bản pháp luật này thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các bạn.
AP (bực tức): Tôi muốn hỏi câu hỏi cuối, nếu các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, tại sao lại trấn áp?
Bà Nguyễn Phương Nga: Lý do tại sao chúng tôi đã giải thích rất rõ trong thông báo của UBND TP Hà Nội. Tôi khuyên bạn nên nghiên cứu kỹ văn bản này. Văn bản này thể hiện rất rõ quan điểm, lập trường của Hà Nội.
AP (đỏ mắt vì tức): Cảm ơn bà.

Reuteurs: Nếu tôi không nhớ không nhầm thì văn bản ấy có nêu là các cuộc biểu tình đó làm hại quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Vậy xin bà cho biết nó đã ảnh hưởng như thế nào?
Bà Nguyễn Phương Nga: Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thì chúng tôi đã có nhiều lần nói rõ, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị truyền thống, hai bên đang nỗ lực phát triển quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.
(Nhắc lại) Quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.
Giữa hai nước còn có vài bất đồng, trong đó có bất đồng liên quan tới Biển Đông. Việt Nam chủ trương là giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982. Liên quan tới hoạt động của một số người tụ tập trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng thì cơ quan chức năng phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Trợ lý văn phòng AP tại Hà Nội: Xin có một câu hỏi, tháng 7-2010, tổ chức The Returning Casuality có trụ sở tại Mỹ có phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức khai quật một số mộ được cho là của một số cựu sĩ quan quân nhân của chính quyền Sài Gòn bị chết trong quá trình cải tạo tại một trại ở Yên Bái, và cho đến nay đã xác định được hai trường hợp cựu quân nhân viên chức tại Sài Gòn đã chết trong trại đó. Xin bà cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao về vấn đề này và liệu  Việt Nam có tiếp tục phối hợp với các tổ chức để tìm kiếm hài cốt của những người đã chết trong quá trình hay không?
Bà Nguyễn Phương Nga: Tôi chưa nhận được thông báo chính thức về việc này. Tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này. Đây cũng là một vấn đề nhân đạo.
DPA: Xin cho biết phản ứng về lá thư của gia đình 10 nhà hoạt động Công giáo mà người thân của họ đề nghị được cung cấp thông tin sau quá trình họ bị bắt giữ (từ ngày 30-7 đến ngày 16-8-2011).
Tôi đã chuyển quan tâm của bạn tới các cơ quan chức năng, và các cơ quan chức năng hứa là sẽ xác minh và sớm có trả lời cho bạn.
(Nguồn: BASAM)

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Nhịp cầu với người xa quê

(VOV) - Đã 30 năm nay, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc là diễn đàn chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào với quê hương, đất nước.  
Sáng 25/8, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc (Hệ Đối ngoại VOV5 - Đài TNVN) tổ chức gặp gỡ, giao lưu nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
Dự cuộc gặp gỡ có ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN; ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các ban biên tập trong Đài cùng đại diện Việt kiều các nước: Nga, Pháp, Mỹ, Ba Lan, Đức…
Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc nhận bằng khen của Tổng giám đốc Đài TNVN.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: “Trong suốt 30 năm qua, phòng Việt kiều đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, là cầu nối giữa bà con trong nước với kiều bào khắp năm châu. Cùng với những thay đổi của đất nước, Đài TNVN nói chung và phòng Việt kiều nói riêng đã truyền tải các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân và kiều bào ở nước ngoài”.
Ông Đặng Thế Hùng nêu rõ: Những năm gần đây, sự phối hợp giữa Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Đài TNVN ngày càng khăng khít, hiệu quả, đặc biệt sau khi hai bên ký thoả thuận phối hợp công tác vào năm 2009. Không chỉ truyền tải thông tin ra thế giới, Đài TNVN còn phản ánh chân thực đời sống của kiều bào, giới thiệu những gương mặt tiêu biểu, kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam…
Ông Đặng Thế Hùng mong muốn thời gian tới, Đài TNVN nói chung và phòng Việt kiều nói riêng sẽ tiếp tục hợp tác để bà con kiều bào gần với quê hương hơn, trở về đóng góp tích cực hơn cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đồng thời, Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả trong mặt trận chống lại giọng điệu xuyên tạc của các thế lực phản động và dần dần cảm hoá những lực lượng thiểu số còn đi ngược lại với lợi ích của dân tộc.

Cách đây 30 năm, ngày 16/8/1981, Bộ biên tập Đài TNVN quyết định thành lập Chương trình Phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc (còn gọi là phòng Việt kiều) trên cơ sở của chương trình thời sự lúc 0h được phát sóng từ năm 1973 với nhiệm vụ chính đưa những thông tin nhanh về tình hình chiến sự ở trong nước phục vụ trực tiếp cho phái đoàn Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Paris và kiều bào ta ở nước ngoài.
30 năm qua, vượt lên rất nhiều khó khăn, cán bộ, phóng viên của phòng Việt kiều đã có mặt trên khắp các nẻo đường đất nước. Những thông tin mới nhất về sự phát triển của đất nước được chuyển tải đến đồng bào qua hơn 20 chuyên đề, tiết mục như: Tin tức, Thời sự chính trị, Bình luận quốc tế, Câu chuyện với người xa quê, Tiếng quê hương với người xa xứ, Những tấm lòng vì Việt Nam…
Hiện nay, phòng Việt kiều thực hiện 2 chương trình phát thanh: Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc với thời lượng 60 phút, phát sóng ngắn 8 lần/ngày ra nước ngoài theo các múi giờ khác nhau và Chương trình người Việt ở nước ngoài với quê hương có thời lượng 10 phút, phát 2 buổi/tuần trên sóng Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp VOV1. Đặc biệt, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc còn được phát sóng trực tuyến hàng ngày trên Báo điện tử VOVNEWS ở địa chỉ: www.vov.vn.
Cán bộ, phóng viên Hệ Đối ngoại VOV5 - Đài TNVN chụp ảnh lưu niệm.
Với cách nói, viết sinh động, uyển chuyển, nhẹ nhàng, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đã bắc một nhịp cầu âm thanh, nối những khúc ruột nơi xa về với quê cha, đất Tổ.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Cuộc gặp gỡ của nhân sĩ trí thức với sinh viên Việt Nam tại Singapore

Gia Minh, biên tập viên
2011-08-22
Cuộc gặp gỡ trao đổi giữa một số những trí thức có tiếng trong và ngòai nước cùng những sinh viên, thanh niên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Singapore diễn ra vào chiều chủ nhật ngày 21 tháng 8 ở Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu.
Gia Minh tường thuật một số ý chính tại cuộc trao đổi và ghi nhận phản hồi của một vài thành viên trẻ
tham dự cuộc gặp gỡ đó.

Chia sẻ tình hình thực tiễn về kinh tế chính trị

Chừng 100 bạn trẻ hiện là sinh viên Việt Nam hiện đang theo học các chuyên ngành khác nhau tại các phân khoa Đại học quốc gia Singapore, cùng những thanh niên trẻ Việt Nam đã tốt nghiệp và làm việc tại xứ sở này đã đến với sinh họat được chính một số các bạn thừa nhận là trải nghiệm lần đầu tiên trong đời.
Cụ thể đây là lần thứ nhất họ được gặp gỡ và nói chuyện cùng một lúc với nhiều vị trí thức khá nổi tiếng cả trong và ngòai nuớc. Đó là những vị nhân sĩ trí thức từ trong nước đến như các bà Phạm Chi Lan, Minh Hạnh, bà Bùi Trân Phượng- hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen…, các ông Nguyên Ngọc, ông tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Trung…. Rồi các vị trí thức đến từ các nước như Mỹ là ông Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Ngô Vĩnh Long, từ Nhật là tiến sĩ Trần Văn Thọ, từ Pháp như ông Trần Lưu Cường…, từ Australia như Phạm Hữu Tài….
Cuộc gặp gỡ, trao đổi kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ truớc hết bắt đầu với những câu hỏi về nhận định vai trò của Việt Nam trong một thế kỷ được nhiều người cho là thế kỷ của châu Á
Cuộc gặp gỡ, trao đổi kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ truớc hết bắt đầu với những câu hỏi về nhận định vai trò của Việt Nam trong một thế kỷ được nhiều người cho là thế kỷ của châu Á, mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc nhất là đề tài nóng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông… Trước những cơ hội và thách thức đang hiện hữu Việt Nam cần phải làm gì. Các bạn trẻ cũng được các vị trí thức lớn tuổi chia xẻ kinh nghiệm về chuyện ở lại nước ngòai làm việc hay trở về trong nước mới có thể đóng góp tích cực hơn. Thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và việc các bạn có thể tiếp cận ra sao… Rồi những bài học thực tiễn tại Việt Nam và việc các bạn trẻ cần tự có những quyết định cho hướng đi và họat động hiện nay.
Một điều cũng được các vị trí thức lớn tuổi đề cập đến là vấn đề tự do- dân chủ cần thiết để giúp hóa giải những bế tắc hiện nay. Những quyền tự do căn bản đó là quyền tự thân của con người không phải xin đâu cà và cũng cần phải đấu tranh để có được…

Nhiều kinh nghiệm hữu ích cho giớ trẻ

Sau cuộc gặp gỡ, hai bạn trẻ chia xẻ về những điều mà các bạn có được sau cuộc giao lưu trao đổi đó.
Bạn thứ nhất là sinh viên đang học năm thứ ba tin học cho biết bạn thấy mình tự tin hơn khi được nghe những trình bày của các vị nhân sĩ, trí thức cũng như doanh nghiệp lớn tuổi đáng bậc cha chú và anh của mình vừa đưa ra:
Bình thường nói chuyện với các bạn sinh viên khác, em thấy chuyện tìm kiếm việc làm như là một mục tiêu trong cuộc sống. Hầu như tất cà mọi người đều muốn làm chủ. Tuy nhiên đó không phải là con đường dễ dàng, cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng khi chọn con đường khó đó phải có một cách đúng đắn hơn. Quan điểm của em là sau khi học xong, tạo dựng doanh nghiệp riêng của mình để có thể giúp được nhiều người hơn.
Sau buổi hôm nay, niềm tin đó của em được nâng lên một tầm cao mới. Em tin tưởng hơn về những việc em đang làm. Có một anh doanh nhân kể chuyện từng thất bại hai lần qua ba doanh nghiệp. Thất bại là kinh nghiệm cho việc duy trì doanh nghiệp thứ ba được năm năm rồi
Một sinh viên tin học
Sau buổi hôm nay, niềm tin đó của em được nâng lên một tầm cao mới. Em tin tưởng hơn về những việc em đang làm. Có một anh doanh nhân kể chuyện từng thất bại hai lần qua ba doanh nghiệp. Thất bại là kinh nghiệm cho việc duy trì doanh nghiệp thứ ba được năm năm rồi.
Một bạn trẻ khác vừa sang Singapore làm việc được một năm cũng có những chia xẻ như sau:
Trước khi đến đây em khá bi quan, và hy vọng đến với cuộc gặp sẽ thấy một bức tranh sáng sủa hơn. Nhưng khi đến đây mới thấy mọi người có cùng một suy nghĩ về tất cả những vấn đề kinh tế, xả hội trong nước, vấn đề Trung Quốc mà qua một ví dụ rất dí dỏm như chuyện ‘vợ- chồng’ ( nếu vợ bị chồng đánh mà ngừời ngòai muốn giúp nhưng vợ cho rằng chồng ‘đánh yêu’ mình, thì không ai giúp cả) rất hợp với suy nghĩ của  mình lâu nay.
Em tin tưởng họ là những thế hệ đi trước đã trải qua cách mạng, trải qua chiến tranh nhưng đến thời điểm hiện tại họ có suy nghĩ cũng không khác gì mình cả. Em vẫn có niềm hy vọng là thế hệ lãnh đạo tại Việt Nam cùng tuổi đó với cùng học thức và nhận định như thế trong họ cũng có những suy nghĩ tương tự như mình nhưng không có cơ hội để thay đổi đất nước thôi. Theo em đó là tín hiệu đáng mừng.
Có một ý tưởng rất hay đó là tình hình Việt Nam và thế giới nay đã ‘tòan cầu hóa’ rồi, em có suy nghĩ có thể làm một công dân tòan cầu. Singapore và một số nước khác cũng rất gần với Việt Nam, từ những nơi đó em khởi nghiệp làm giàu cho bản thân và sau đó về nước cùng với một số bạn khác làm gì đó cho đất nước. Đó là một hướng hay.

Không phải chống đối hay có gì khác biệt mà nhìn ra những nước như Singapore, Philippines… họ có cái nhìn khác về chính trị nên họ có nền kinh tế vững mạnh và con người mạnh lên.
Một bạn trẻ
Tuy nhiên thật sự từ đáy lòng em thấy với cách quản lý như hiện tại và với một chính phủ như hiện tại từ một cho đến bảy năm nữa Việt Nam vẫn thực sự sẽ rất khó khăn; em không mấy tin tưởng.
Nhiều bạn trẻ cùng quan tâm vấn đề chính trị chắc họ cũng thấy điều đó.
Không phải chống đối hay có gì khác biệt mà nhìn ra những nước như Singapore, Philippines… họ có cái nhìn khác về chính trị nên họ có nền kinh tế vững mạnh và con người mạnh lên.
Các bạn trong nước chưa có diễn đàn và sự cởi mở để đóng góp, vì với diễn biển như Việt Nam hiện tại sẽ rất nguy hiểm nếu lên ‘báo, đài’ để góp ý… Vì chán nản nên nhiều bạn không quan tâm nữa.
Nếu nói với các bạn em cũng nói như với chính mình là phải nổ lực bản thân làm giàu cho bản thân, cho gia đình, sau đó đến quê hương đất nước vì chính gia đình, bố mẹ là quê hương của mình.

Đối thọai lâu nay được cho rằng là một cách thức để đạt được sự cảm thông từ những phía còn nhiều cách biệt. Sinh họat gặp gỡ giữa những vị nhân sĩ trí thức thuộc thế hệ đi trước với những thanh niên, sinh viên của thế hệ hiện nay như vừa nói chứng minh điều đó một cách rõ nét qua nhận định của hai bạn trẻ vừa rồi.