Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Cú sốc của một người làm giáo dục cả đời

TTCT - Sau khi tham gia hoàn tất một đề tài nghiên cứu về xây dựng mô hình xã hội học tập giai đoạn hội nhập được đánh giá xuất sắc, TS Hồ Thiệu Hùng “thú nhận” với TTCT: “Chúng tôi muốn truyền tải lại cho đông đảo người đọc “cú sốc” của chúng tôi - những người làm giáo dục gần như cả đời bây giờ mới nhận thức ra được - sau khi nghiên cứu về xã hội học tập”.
TS Hồ Thiệu Hùng - Ảnh: Q.T.
Thiếu giáo dục kỹ năng
* Nhóm nghiên cứu cũng như bản thân ông đứng trước những bất ngờ gì sau khi nghiên cứu kết thúc?
Khi thực trạng về xã hội học tập lộ rõ thành phần công nhân ít có điều kiện học nhất thì có ý kiến trao đổi nên đặt vấn đề này ra sao:  nhìn thẳng vào sự thật để nói thật hay chỉ nên nói xa nói gần? Trao đổi lại, tôi nói thẳng làm khoa học mà ăn theo, nói leo, nói minh họa thì thôi đừng làm khoa học nữa.
Khoa học phải giúp người ta nhận thức được thêm cái gì đó của thực tiễn, dù đó là một “sự thật đau lòng” hay “sự thật mất lòng”. Không nên sốc trước những con số không được “đẹp mắt, vui lòng”, trước việc không có “một thực trạng hồng như ý”, phải nghe tiếng nói của thực tiễn. Phải có một thái độ thật sự cầu thị và chỉ có như vậy mới tiến lên được. 
- TS Hồ Thiệu Hùng: Quan niệm của tôi về giáo dục đã thay đổi sau khi kết thúc nghiên cứu này, dù trước đây tôi từng dạy học, làm giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP, làm công tác khoa giáo của Đảng. Đó là điều ngạc nhiên nhất.
Từ trước đến nay mình cứ nghĩ làm giáo dục là lo cho 1/4 dân số đến trường, vậy là bỏ quên việc học, bồi dưỡng kiến thức cho số đông (3/4 dân số) còn lại đã rời khỏi ghế nhà trường. Hay nói cách khác, lo việc học hành cho người lớn từ trước đến nay mình coi đó là việc nếu làm được thì tốt, còn chưa làm được cũng không phải là “tội”.
Bây giờ nhìn lại tôi thấy đây là một sai lầm chung cho cả hệ thống giáo dục. Hồi nào tới giờ cứ chăm bẳm cho số người đang đi học tại trường, cụ thể là số trẻ và chủ yếu là hình thức chính quy. Toàn bộ sức lực dồn vào đây. Nếu xét theo tiêu chí xã hội học tập, ai cũng phải học và học suốt đời, ai cũng phải lo cho người khác học thì đây là thiếu sót rất lớn.
Chúng tôi muốn truyền tải lại cho đông đảo người đọc “cú sốc” này của chúng tôi, của chính những người làm giáo dục gần như cả đời bây giờ mới nhận thức ra được sau khi nghiên cứu về xã hội học tập.
* Nhưng không ít ý kiến nói rằng những người đã có học vị tiến sĩ như ông thì cần gì phải học nữa?
- Càng biết nhiều càng thấy mình ngu. Nhà triết học Socrates đã nói một câu nổi tiếng “Tôi biết là tôi chẳng biết gì” (I know that I know nothing). Cũng chính vì có cách nghĩ đã là tiến sĩ  rồi, đã là ông cử bà cử rồi thì học chi nữa nên qua quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài, chúng tôi phát hiện cứ năm người có trình độ từ thạc sĩ trở lên ở TP.HCM thì hai người nói không cần học nữa. Đấy là một điều rất đau lòng.
* Lâu nay, cứ đụng tới những bức xúc xã hội như giao thông hỗn độn, xả rác bừa bãi… là đổ cho ý thức người dân kém. Như vậy việc chưa lo chuyện học hành cho 3/4 dân số đã rời khỏi ghế nhà trường như đề tài kết luận có phải là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên?
- Tôi hiểu logic của cách đặt vấn đề này. Điều thường thấy là những vấn đề gì xấu, nảy sinh trong xã hội tức thì đổ tại ý thức kém, còn ý thức kém vì không được học, không được giáo dục. Trong sâu xa, tôi cho rằng điều này có liên quan đến quan niệm từ thời xưa là học để kiếm “bồ chữ” (kiến thức). Như thế là một quan niệm hẹp, mà ở đây rất cần học kỹ năng, trong đó có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử xã hội, kỹ năng làm người…
Rất tiếc nhà trường chưa làm nhiều, làm tốt giáo dục kỹ năng và đây là lỗi của ngành giáo dục. Có những người học hành đạt văn bằng rất cao nhưng ứng xử vẫn không đúng như xã hội trông chờ ở họ. Nhiều người có văn bằng cao, “nhiều chữ” vẫn có thể vượt đèn đỏ, khạc nhổ ra đường…
Không nên tự khen nhau
“Xã hội học tập đòi hỏi tính hiếu học cao, trong khi dân lại chưa thật hiếu học”. Có người hỏi tôi nhận định như thế có ngược với câu nói lâu nay “dân ta vốn hiếu học”? Chúng tôi nói rằng đấy là câu nói lâu nay mang tính tự khen.
Nghiên cứu của chúng tôi độc lập với một nghiên cứu khác, nhưng cũng phát hiện con số tương đồng: trong đề tài chúng tôi phát hiện 22% người được hỏi nói rằng không cần học nữa thì Báo cáo đánh giá giàu nghèo đô thị TP.HCM và Hà Nội đưa ra con số 22,3% trả lời không cần và không quan tâm chuyện học. Nếu mình nói mình không bệnh để khỏi phải trị thì mình sẽ bệnh nặng hơn.
* Như ông khẳng định, đề tài đã chỉ ra được thực trạng khác xa so với những gì xã hội biết đến giáo dục lâu nay. Vậy nhóm nghiên cứu có hi vọng quan niệm về xã hội học tập hay cách dạy và học sẽ được thay đổi, ít nhất ở TP.HCM?
- Trong kết luận của đề tài, chúng tôi phát hiện mười nghịch lý về xã hội học tập, trong đó có nghịch lý “đông nhạc công nhưng không có nhạc trưởng”. Khi đề tài được nghiệm thu vào tháng 8-2010, thường trực Thành ủy TP có mời nhóm đến báo cáo.
Trong mười nghịch lý cơ bản về xây dựng xã hội học tập thì giải quyết được nghịch lý thứ nhất - thay đổi nhận thức còn quá nông cạn về xã hội học tập - sẽ gỡ  được “nút chai”,  từ đó toàn xã hội từ trẻ đến già cùng nhau xây dựng xã hội học tập, xã hội mà ai cũng học, học suốt đời, lấy tự học làm gốc và ai cũng có trách nhiệm lo cho người khác học.
Nhớ lại những năm 1980, 1990, khi bị kêu ca nhiều về ý thức của học trò thì giáo dục cứ cố gắng dạy sao cho hay hơn, hi vọng học trò tiếp thu tốt hơn để có ý thức cao hơn… Nhưng nhìn lại bây giờ cố gắng làm như vậy cũng không giải quyết được vấn đề mà theo tôi, điều cần nhất phải cấu trúc chương trình giáo dục làm sao để phần “hành” của người học được thiết thực hơn, có thể hành ngay trong nhà trường và bên ngoài xã hội.
* Giáo dục luôn gây bức xúc xã hội trên nhiều khía cạnh: chất lượng, cách dạy, chương trình… Phải chăng đất nước ta đang thiếu một chủ thuyết giáo dục hay một triết lý giáo dục? Và phải chăng xã hội mong muốn một đằng trong khi các nhà “kiến trúc giáo dục” đặt ra mục tiêu một nẻo?
- Đại hội XI của Đảng đã thấy hết các bức xúc này nên mới có yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”, chứng tỏ giáo dục đang gặp vấn đề rất lớn, mà gặp ngay từ việc xác định mục tiêu của giáo dục. Ai học? Học kiểu nào? Học cái gì? Đạt kết quả tới đâu? Tất cả đang còn nghiên cứu. Rõ ràng chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục trong hoàn cảnh mới của đất nước, hay nói cách khác triết lý giáo dục lâu nay có rồi nhưng cần xác định lại trong hoàn cảnh mới này, nhất là ở giai đoạn hội nhập.
Nâng "chất" công nhân - nói chưa đi đôi với làm
* Xin trở lại một nội dung đáng phải suy ngẫm từ kết quả đề tài. Ông có thể nói rõ hơn về nhận định của nhóm nghiên cứu: “trong các thành phần cần đi học thì công nhân là thành phần ít có điều kiện đi học nhất…”?
- Chúng tôi đi điều tra thực tế, hỏi công nhân, hỏi những nhà quản lý các xí nghiệp rồi mới đi đến nhận định trên. Công nhân làm việc căng thẳng, quá mệt mỏi. Sau giờ làm việc, ăn xong là lăn ra ngủ, cùng lắm chỉ còn ít thời gian xem tivi. Tuy nhiên, vẫn có một thiểu số công nhân ham học và có điều kiện học thì chỗ học tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lại thiếu. Một số trường đại học, cơ sở đào tạo mở lớp bổ túc tại các khu công nghiệp là rất hay. Khi được hỏi về nhu cầu học, công nhân luôn nói mong muốn được nâng cao tay nghề, bổ túc văn hóa, cũng có người muốn học để thoát lao động chân tay. Nhưng cũng có giám đốc nói không muốn cho công nhân đi học vì sợ họ học rồi nhảy việc sang nơi khác.
* Thưa ông, “công nhân ít có điều kiện đi học nhất…” là do bản thân họ không muốn học hay họ có nhu cầu học nhưng không có điều kiện để đi học, cả về thời gian, tiền bạc lẫn sức khỏe?
- Chúng tôi chưa điều tra tách phần liên quan đến công nhân riêng mà điều tra chung, kết quả thấy rõ nhất là họ nói thiếu thời gian, thiếu tiền, cũng có nguyên nhân bỏ học lâu nên ngại quay lại trường lớp, một số khác thì ý chí tiến thủ không còn. Chúng ta luôn nói phải quan tâm đặc biệt đến nhóm người này nhưng để hiện trạng như hiện nay thì quả là nói chưa đi đôi với làm.
Tuy là số liệu điều tra của năm 2008-2009 nhưng tình trạng nói trên đến nay chỉ cải thiện chút ít, không có cải thiện cơ bản. Lo cho công nhân đi học là một điều cực kỳ khó khăn, phải được sự đồng tình của giới chủ. Trong những khu công nhân bố trí các điều kiện học hành, đi lại, trường lớp như thế nào… cũng chưa có lời giải hợp lý. Tình trạng trên sẽ chỉ được cải thiện theo tốc độ phát triển của nền kinh tế và tốc độ thay đổi nhận thức của những người có trách nhiệm, nhất là ở những ông chủ. Nếu có chính sách tốt hơn thì tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn.
Trước mắt, tôi đề nghị nhân mô hình đem trường lớp đến với công nhân mà một số cơ sở đào tạo, đại học đã thực hiện, phối hợp mở lớp theo ca, phù hợp giờ giấc làm ca của công nhân. Mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm sinh hoạt cộng đồng kết hợp thư viện. Cải thiện năng suất lao động và điều kiện sống của công nhân cũng là điều kiện cần phải có.
QUỐC THANH thực hiện

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Giáo sư Lân Dũng miệt mài viết sách ở tuổi 73

Trong căn biệt thự tĩnh lặng có riêng hai tầng dùng để chứa sách, vị giáo sư già mang bệnh tim mạch đang đua với thời gian, bởi ông còn "một núi công việc phải hoàn thành".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sinh ra trong gia đình thật đặc biệt. Nhà ông có đến 8 người đều là giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ, là con của cố giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu của gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.
"Nghị lực và lửa yêu nghề của bố tôi đã truyền lại cho chúng tôi", giáo sư Lân Dũng nói về cha, người có tầm ảnh hưởng nhất đối với ông.
"Tôi còn nhớ trong thời kỳ khó khăn, mỗi tối, anh em chúng tôi ngồi học với cây đèn dầu tự tạo bằng hộp kem đánh răng đã dùng hết. Gian khổ lắm nhưng ai cũng tự giác, hăng hái học tập".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, 73 tuổi, nói ông luôn giữ tinh thần sao cho vui vẻ lạc quan.
Nhìn giáo sư Nguyễn Lân Dũng, không ai nghĩ rằng ông đang mang hai ống thép (stent) trong động mạch nuôi tim, bởi ông luôn tươi cười. Ông nói căn bệnh có thể khiến ông bị đột quỵ bất cứ lúc nào nên thời gian còn lại là quá ngắn để ông hoàn thành cả núi công việc đang chờ.
Căn nhà rộng rãi nhưng ông và vợ chỉ tập trung sinh hoạt ở tầng một, còn hai tầng trở thành thư viện sách. Phần lớn diện tích tầng một cũng là chỗ làm việc.
Sau nhiều kỳ làm đại biểu quốc hội, nay giáo sư Nguyễn Lân Dũng tập trung nghiên cứu khoa học. Nhiều người biết đến ông với tư cách đại biểu của dân hơn là nhà sinh học, bởi mỗi lần lên nghị trường ông đều phát biểu những điều rút ra được từ tiếp xúc với dân chúng.
Là chuyên gia sinh học, nhưng ông được biết đến rộn rãi hơn khi là người đại biểu nhân dân. Trước mỗi lần lên nghị trường, ông đều nêu ra 6 điều bức xúc để nói, ngắn gọn và hợp với lòng dân.
Giáo sư Lân Dũng kể ông rất vui vì được dân yêu. Có lần ông đi nói chuyện với sinh viên, các bạn trẻ nhất định đòi chụp ảnh riêng với ông chứ không chụp chung cả đoàn. Đứng "làm mẫu" mãi vẫn chưa hết số người muốn chụp ảnh cùng.
“Tôi đâu phải là ngôi sao bóng đá hay danh ca", ông Dũng mỉm cười nói, "nhưng thấy vui vì được nhiều người tín nhiệm".
Giáo sư cho biết cũng có những người nói với ông rằng nên chú tâm làm khoa học. "Tôi nói cái gọi là người của công chúng và nhà khoa học không có gì đối chọi nhau đâu, bởi khi được bà con biết đến, thì việc phổ biến kiến thức khoa học sẽ hiệu quả hơn nhiều".
Ông quan niệm cứ sống tự nhiên và trong sáng thì không lo người khác hiểu nhầm. "Thật khó có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng thế mới là đời sống, mới là sự đa dạng của xã hội", giáo sư nói.
Hiện giáo sư Nguyễn Lân Dũng đang tham gia đều đặn cho chương trình trên truyền hình như Chương trình Hỏi đáp FAQ ở VTV2, làm cố vấn cho Chương trình Ai là triệu phú. Ngoài ra mỗi tuần còn phải có 4.000 từ cho báo Nông nghiệp Việt Nam ở chuyên mục Hỏi gì đáp nấy.
Trong những lần trả lời câu hỏi, giáo sư rất vui với những câu hỏi của các cháu nhỏ. Ông còn nhớ có em bé hỏi rằng: "Tại sao cháu đánh răng hằng ngày mà răng vẫn đen và rất yếu. Con chó ăn rất bẩn sao răng nó lại trắng và khỏe thế?".
Hiện giáo sư dành phần lớn thời gian để hoàn thành cuốn Từ điển Vi sinh vật học Anh-Việt khoảng 30 nghìn từ. Ông còn biên soạn cuốn “Từ ngữ tiếng Anh tối thiểu” với trên 1.000 từ , mỗi từ có 5-10 ví dụ với các nghĩa khác nhau.
"Tôi không có ngày nào rỗi cả. Bữa ăn là lúc duy nhất tôi dành thời gian cho gia đình. Tôi ngủ ít, bởi công việc còn nhiều quá", giáo sư Lân Dũng tâm sự.
Dù yếu và bận, giáo sư không bao giờ từ chối khi các địa phương mời đi nói chuyện khoa học. "Chuyện gì mà nhiều người không biết, còn mình có điều kiện biết hơn thì mình phải giúp. Tôi thấy càng làm việc càng khỏe ra".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là chuyên gia sinh học hàng đầu Việt Nam.
Ông không giấu niềm tự hào về gia đình. Với ông, bố mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất suốt cả cuộc đời.
Giáo sư vẫn luôn theo cách của bố mẹ trước đây để giáo dục các con của ông. Ông không bao giờ đánh hoặc mắng các con, mà chỉ khuyên bảo và động viên, cố gắng tạo điều kiện cho các con học tốt. Con trai giáo sư là Nguyễn Lân Hiếu theo nghề bác sĩ tim mạch; con gái Nữ Thảo học nước ngoài cũng sắp về Việt Nam.
Được hỏi liệu sự thành công của các thành viên trong đại gia đình có phải nhờ di truyền không, giáo sư Lân Dũng cười nói đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của mỗi người, cũng như cách dạy dỗ trong gia đình.
“Tôi vẫn nhớ như in lời ba tôi dạy, rằng gia đình mình không giàu có về tiền, nên các con phải học", ông tâm sự. "Ba mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố học mà thành tài”.
Hương Thu  (VNE)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Từ một cây cầu…

1. Ngày 20-9, lần thứ hai trong vòng ba tháng, bà Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp, Tổng Giám đốc Công ty Cầu Rồng lại thuyết trình ý tưởng thực hiện dự án cải tạo cầu Long Biên. Dự án này sẽ biến Long Biên từ cây cầu giao thông trở thành cây cầu văn hóa. Một dự án quy mô với số tiền cần có để biến ý tưởng thành hiện thực dự kiến lên tới gần năm nghìn tỷ đồng. Cầu Long Biên có tuổi đời hơn một thế kỷ, là niềm tự hào của Thủ đô sẽ thành một bảo tàng sống, một "phố" đi bộ với hệ thống dịch vụ đi kèm - điều mà có người vội lo quá lên là có thể khiến cây cầu lịch sử mang dáng dấp của một "đại siêu thị"…

Khoan hãy nói đến chi phí đầu tư, bởi những người trong cuộc đã cam kết rằng dự án được thực hiện bởi nguồn vốn xã hội hóa và khoản viện trợ của Chính phủ Pháp dù chưa có tiếng nói chính thức về khoản viện trợ này. Vấn đề được quan tâm là ý tưởng tốt đẹp cần phải được thể hiện thông qua những mục tiêu không thể và không có gì khác hơn là góp phần nâng cao giá trị cầu Long Biên. Một vấn đề khác có thể đặt ra, là ý tưởng về "phố" đi bộ - cầu Long Biên có kết nối được với những ý tưởng khác, như gần đây là xây dựng tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận? Những gói dịch vụ ẩm thực, du lịch "ăn theo" bảo tàng - cây cầu đi bộ sẽ là thế nào để không trở thành một khu ẩm thực Tống Duy Tân thứ hai (một khu dịch vụ ăn uống nhạt nhòa nét ẩm thực Hà thành, bán những thứ "ở hè phố nào cũng có" dù mục tiêu ban đầu mang hồn cốt Thăng Long - Hà Nội và bao mỹ từ xuất hiện, cổ vũ cho cái phố ẩm thực ấy)?...


Với cầu Long Biên, mang ý nghĩa không thể chối cãi của một di sản văn hóa đích thực trong lòng người Hà Nội dù chưa có văn bản nào chính thức cụ thể hóa điều đó, hệ thống dịch vụ, nhà hàng trên cây cầu này liệu có phù hợp với tiêu chí bảo tồn hay không? Những người theo quan điểm bảo tồn nguyên gốc có lý do để đặt câu hỏi trước ý tưởng nâng cao cây cầu thêm 3m và ốp kính quanh những nhịp cầu, bởi đơn giản là điều đó sẽ làm cây cầu biến dạng.


2. Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên có lẽ là ví dụ mới nhất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo phương thức xã hội hóa, gợi suy nghĩ về việc triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa mà ở đó, trong nhiều trường hợp, tính liên ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn như với ý tưởng nói trên, những giải pháp thực hiện nội dung chính, về dịch vụ, về ẩm thực và về phố đi bộ cần có sự tham gia của chuyên gia kiến trúc, bảo tàng, môi trường, giao thông, du lịch, quản lý đô thị…


Bài học thực tiễn chỉ ra rằng, hiệu quả liên kết là đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những ý tưởng đầu tư quy mô lớn, được cho là khá lãng mạn như trường hợp cầu Long Biên. Ý tưởng đưa nghệ thuật truyền thống vào du lịch đã vào đời sống bao năm, nay vẫn chưa rõ hiệu quả bởi mối liên kết văn hóa và du lịch còn lỏng lẻo. Phố hoa Hà Nội gặp sự cố là do sự phối hợp giữa nhà tổ chức và chính quyền cơ sở chưa đủ mức. Festival "Ký ức cầu Long Biên" năm 2009 diễn ra không như quảng cáo trước đó là bởi một số nhà tài trợ không thực hiện đúng cam kết…


Ý tưởng đẹp hóa thành hiện thực hay nếu người thực hiện thấu rõ mọi bề, bảo đảm những nguyên tắc chung và đặt nó đúng vị trí trong mối quan hệ với tổng thể.

Dục Tú (HNM)

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Kiều bào cần tiếp cận thông tin đúng

TT - Ðó là ý kiến của ông Michael Bùi - thành viên trong đoàn cán bộ báo chí kiều bào đã đến thăm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với báo Tuổi Trẻ chiều 20-9.
Đoàn báo chí kiều bào tham quan phòng truyền thống của báo Tuổi Trẻ  - Ảnh: Thanh Đạm

Tiếp đoàn báo chí kiều bào đến thăm, ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - bày tỏ niềm vui khi được trao đổi thông tin, nghiệp vụ với những lãnh đạo báo chí Việt kiều. Ðại diện báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu với đoàn về quá trình phát triển cũng như những hoạt động sau mặt báo của báo Tuổi Trẻ trong thời gian qua.
Tổng biên tập báo TreOnline (Mỹ) - ông Michael Bùi quan tâm tới số lượng phát hành của Tuổi Trẻ có giảm so với thời điểm hoàng kim của những năm trước và đặt câu hỏi đây có phải nguyên nhân do cạnh tranh với một số tờ báo nước ngoài không. Ngoài ra, ông Michael Bùi cũng cho biết mình thường đọc và đặc biệt quan tâm đến những phóng sự, ký sự, những bài điều tra thể hiện nét riêng của Tuổi Trẻ. “Ví dụ với loạt bài Phận kiều nữ, các phóng viên phải thâm nhập vào thế giới này có được phía chính quyền tham gia ủng hộ?” - ông hỏi.
Hợp tác để giữ gìn tiếng Việt
Ông Michael Bùi - Ảnh: T.Đạm
Ông Michael Bùi: “Tôi nghĩ báo chí trong nước cần tích cực đưa thông tin, chính sách của Nhà nước hơn nữa để các kiều bào có cơ hội tiếp cận thông tin đúng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần sự hợp tác để đào tạo, giáo dục cho giới trẻ - thế hệ người Việt thứ 2, 3, 4... ở nước ngoài trong việc học tiếng Việt để giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc tốt hơn”.
Trả lời thắc mắc này, ông Tăng Hữu Phong cho rằng trong xu hướng chung, báo in gặp nhiều thách thức do giá giấy tăng, công in tăng, báo mạng phát triển..., doanh thu của Tuổi Trẻ không giảm nhưng lợi nhuận vì vậy thấp hơn so với trước. Với loạt bài Phận kiều nữ, tác nghiệp của các phóng viên là độc lập và không chịu bất cứ sự chi phối nào của chính quyền. “Tôi lấy ví dụ như vụ mãi lộ gần đây, phóng viên cũng làm điều tra độc lập và đưa ra được tất cả tư liệu, chứng cứ. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Công an đến làm việc và đang có hướng xử lý kỷ luật các cán bộ sai phạm. Chúng tôi làm việc độc lập nhưng cũng phải tuân theo quy trình, quy định hoạt động của Luật báo chí” - ông Tăng Hữu Phong chia sẻ.
Trả lời một số câu hỏi về câu chuyện làm báo ở Việt Nam, ông Tăng Hữu Phong nhấn mạnh: “Mục tiêu tối thượng của chúng tôi - người làm báo - là phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân và chúng tôi phải đi cùng với mục tiêu của quốc gia, của dân tộc. Chúng tôi vẫn phản ánh những mặt trái của xã hội, những chính sách chưa hoàn chỉnh... nhằm xây dựng và đưa đất nước phát triển”.
Ông Michael Bùi chia sẻ thêm: “Qua lần tham quan, tìm hiểu một số tòa soạn báo chí tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các nhà báo đang hoạt động rất chuyên nghiệp, độc lập và tự do trong nghề nghiệp của mình. Ðây cũng là dịp để chúng tôi, những người làm báo ở hải ngoại, hiểu rõ hơn về báo chí trong nước. Ngoài hoạt động nghề nghiệp, các tờ báo tại Việt Nam còn hoạt động sau mặt báo, làm từ thiện rất nhiều. Chúng tôi còn phải học hỏi nhiều từ các bạn. Sau chuyến đi này, tôi muốn gửi gắm đến các độc giả trẻ của báo tôi và những bà con Việt kiều rằng xã hội, đất nước Việt Nam giờ đây rất phát triển. Truyền thông tại Việt Nam cũng phát triển cao và tôi rất ấn tượng về điều này”.
Cuối buổi gặp gỡ, ông Ðặng Trần Phong - phó vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) - bày tỏ những tác động tích cực khi kiều bào được tiếp cận nhiều thông tin hơn qua những buổi gặp gỡ thế này, tạo điều kiện để kiều bào thêm gắn bó, hướng về Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước.   
ĐỨC TUYÊN

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Cô gái Việt được ba trường trải thảm

TT - Hồ Ngọc Phương Uyên (một học sinh lớp 11 nhận học bổng 85.400 USD, Tuổi Trẻ ngày 15-8-2009) vừa cùng lúc được ba trường đại học tại Anh, Úc, Hong Kong trao các suất học bổng toàn phần. Đây là điều hiếm hoi.
Phương Uyên cùng ba mẹ xem một bài báo ở nước Anh viết về mình trong chuyến về thăm nhà - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hai năm trước Phương Uyên học lớp 11A7 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), xuất sắc vượt qua 50 học sinh tại Việt Nam giành suất học bổng toàn phần duy nhất học tú tài quốc tế tại Trường trung học Cobham Hall (Anh). Phương Uyên vừa đạt thành tích học tập ưu tú trong kỳ thi tú tài năm 2011 tại Anh với điểm tú tài quốc tế (International Baccalaureate) IB 40/45.
17 tuổi lên đường sang Anh
Nhà Uyên bây giờ là một căn trọ 12m2 ở con hẻm quanh co trên đường Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh). Dân cư ở đây ai cũng biết rõ về hoàn cảnh gia đình và nghị lực vượt khó phi thường của Uyên.
Giải ba “... nếu là thủ tướng nước Anh”
Năm 2010, Trường trung học Cobham Hall (Anh) tổ chức cuộc thi “Tôi sẽ làm gì nếu là thủ tướng nước Anh”, Hồ Ngọc Phương Uyên đã xuất sắc vượt qua hàng trăm học sinh của trường để đi tiếp vào vòng trong. Uyên cho biết tại đêm thi chung kết, Uyên đã trình bày nhiều chính sách kinh tế để giảm nợ công, tăng lãi suất, tạo thêm việc làm... được ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao vì khả năng áp dụng vào thực tế. Dù chỉ đoạt giải ba nhưng Uyên xem đây là nền tảng ban đầu để Uyên nuôi dưỡng trở thành một nhà lãnh đạo trong tương lai.
Bố lái xe tải, mẹ thợ may. Mặc dù nhà nghèo nhưng bố mẹ Uyên luôn khuyến khích con học hành. 11 năm học tại Việt Nam, Uyên luôn là học sinh giỏi với điểm tổng kết luôn trên 9,0, đoạt giải nhì môn hóa lớp 8 giải Hoàng gia Úc, giải nhì lớp 9 môn lý cấp thành phố, giải 3 thi vượt cấp môn lý lớp 11 lên 12 cấp thành phố.
Về suất học bổng học trung học tại Anh, Uyên bảo đó là điều hạnh phúc nhưng cũng khiến Uyên lo lắng nhất. Uyên thổ lộ: “Một lần nghe cô giáo nói về một chương trình học bổng tú tài tại Anh, mặc dù tự tin về năng lực học tập và vốn tiếng Anh nhưng mình vẫn không dám nộp hồ sơ vì sợ trượt và một lý do khác, nhà nghèo quá, tiền đâu mà làm visa, mua vé máy bay... Nhưng khi nghe bố mẹ bảo hãy thực hiện ước mơ của con, mình đã quyết định nộp đơn và giành được suất học bổng này”.
Ngày nhận được quyết định trao học bổng của hiệu trưởng Trường trung học Cobham Hall, Uyên và bố mẹ phải trải qua những ngày mất ngủ vì học bổng chỉ được cấp khi bắt đầu năm học đầu tiên tại Anh, còn chi phí làm visa, thủ tục, vé máy bay phải tự lo. Ba mẹ Uyên đã chạy ngược chạy xuôi vay mượn nhưng không tìm đâu ra khoản tiền 40-50 triệu đồng. Uyên nhớ lại: “Đúng lúc gia đình đang lo lắng nhất, mình được một mạnh thường quân đài thọ toàn bộ chi phí làm thủ tục, visa, mua vé máy bay và thêm một khoản tiền cho việc lên đường”. Khi đó Uyên vừa bước sang tuổi 17.
Cố gắng chi tiêu ở mức hạn chế nhất vì khoản sinh hoạt phí trường cấp rất ít và gia đình không thể hỗ trợ thêm, nên Uyên phải tranh thủ những ngày nghỉ đi làm thêm để trang trải. Dù thiếu thốn, không có bố mẹ, người thân ở bên nhưng Uyên vẫn “thu hoạch” được nhiều giấy khen, chứng nhận xuất sắc từ các cuộc thi. Ngoài ra, Uyên còn là một trong 5% học sinh toàn nước Anh đạt mức điểm IB 40/45 trong kỳ thi tốt nghiệp, đạt thành tích học tập ưu tú nhất trong kỳ thi tú tài năm 2011 tại Anh.
Sẽ là chuyên gia kinh tế
Thầy cô ở Trường trung học Cobham Hall nắm được năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình nên đã hỗ trợ Uyên làm giấy giới thiệu, chuẩn bị hồ sơ gửi đến nhiều trường đại học tại nhiều quốc gia để xin học bổng. Đến sát ngày hết hạn visa, Uyên cùng lúc nhận được quyết định cấp học bổng toàn phần của Trường ĐH Reading (Anh), Trường ĐH S.P Jain Center of Management (Úc) và Trường ĐH Kỹ thuật Hong Kong (PolyU). Bất ngờ vì một học sinh người Việt là một trong hai học sinh quốc tế nhận được suất học bổng toàn phần của Trường ĐH Reading, nhiều tờ báo tại Anh đã đưa thành tích của Uyên ra trang nhất.
Nhận xét về Uyên qua email, thầy Antony Pinchin, quản lý học sinh quốc tế Trường trung học Cobham Hall, đánh giá: “Uyên là du học sinh người Việt duy nhất tại trường, thể hiện được năng lực học tập thật hiếm có. Sau hai năm học, Uyên có bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Tôi nhìn thấy sự nổi bật của Uyên về nhiều lĩnh vực, cứ giữ vững khả năng ấy, trong tương lai Uyên sẽ thành công”.
Chia sẻ về dự định tương lai, Uyên nói sẽ chọn học ngành kinh tế tại Trường ĐH Reading, phấn đấu trở thành một chuyên gia về lĩnh vực kinh tế. Sau khi hoàn tất chương trình đại học, Uyên tiếp tục xin học bổng để học lên thạc sĩ. Khi hoàn tất các chương trình sẽ về Việt Nam để phát triển sự nghiệp. “Tuy nhiên, để việc học bên Anh được suôn sẻ, việc đầu tiên khi sang Anh là phải đi kiếm việc làm thêm để trang trải. Phía trước tôi là muôn vàn cơ hội, chỉ cần tôi không bỏ cuộc thì hành trình du học sẽ thành công”, Uyên nói.
Ngày 27-9 Uyên sẽ lên đường trở lại Anh du học nhưng với những khó khăn trước mắt, không biết Uyên và gia đình sẽ xoay xở như thế nào? Uyên thổ lộ: “Những ngày này tôi và gia đình đang nỗ lực hết sức để kiếm thêm tiền, hi vọng tới ngày lên đường tôi sẽ có được khoản chi phí cần thiết”.
Từ Anh về nhà vẫn tranh thủ dạy thêm
Gom góp tiền tiết kiệm, Uyên mua vé máy bay về Việt Nam để làm visa chuẩn bị nhập học đại học. “Một số hàng xóm biết mình về Việt Nam làm visa nên đến nhờ dạy phụ đạo cho con. Một tuần mình đi dạy từ thứ hai đến thứ bảy, các môn toán, lý, hóa và tiếng Anh cho các em học lớp 10, 12. Ngoài đi dạy, mình phụ mẹ may vá thêm quần áo. Từ bữa đi làm đến giờ mình có được khoản tiền đủ lo chi phí visa, làm các thủ tục cần thiết. Nhưng điều mình lo nhất là tiền vé máy bay và khoản tiền chi phí ban đầu khi sang Anh, bố mẹ và chị gái để dành cả năm nay nhưng mới được hơn 10 triệu đồng”, Uyên bày tỏ.
TRƯỜNG GIANG

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Định hướng công tác kiều bào trong tình hình mới

QĐND - Thứ Hai, 12/09/2011
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 4,5 triệu kiều bào ta đang sinh sống, lao động, học tập tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển ổn định và ngày càng hòa nhập vào xã hội sở tại, tiềm lực tri thức và kinh tế ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, thành đạt trong các lĩnh vực KHCN, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế và xã hội. Một số người gốc Việt đã tham gia vào chính phủ, nghị viện và chính quyền địa phương ở các nước.
Mang trong mình dòng máu Việt, dù ra đi ra trong bất cứ hoàn cảnh nào và sinh sống bất cứ nơi đâu trên thế giới, bà con kiều bào đều có ý thức tự tôn dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, quê hương, mong muốn đất nước hòa bình, phát triển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. (Nguồn: Internet).
Trong nhiều năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước đột phá tích cực. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đặc biệt từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai đi vào cuộc sống, đã tạo thuận lợi, mở ra những cơ hội thu hút bà con kiều bào về nước thăm thân nhân, du lịch, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học... với trong nước. Trung bình hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở trình độ đại học và trên đại học, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đến nay có hơn 3.200 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn khoảng 5,7 tỷ USD, trong đó khoảng 60% dự án được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm, từ mức 3 tỷ USD năm 2004 tăng lên 7,4 tỷ USD năm 2008, 6,8 tỷ USD năm 2009 và 8,4 tỷ USD năm 2010. Kiều bào ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo hướng về quê hương, giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những năm tới cộng đồng NVNONN sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và mở địa bàn cư trú đến nơi có điều kiện làm ăn thuận lợi hơn. Số người mới sang theo diện lao động, kinh doanh, nghiên cứu, du học, du lịch, con nuôi, đoàn tụ, kết hôn với người nước ngoài... sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cộng đồng hiện tại đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Ở mức độ khác nhau tại một số địa bàn khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi, một bộ phận cộng đồng còn tiếp tục gặp khó khăn về địa vị pháp lý và quy chế cư trú, làm ăn, kinh doanh. Trình độ học vấn chung của cộng đồng sẽ cao hơn, xuất hiện một số nhà khoa học, văn hóa, chính trị có vị trí ảnh hưởng nhất định tại quốc gia sở tại, trong cộng đồng và mối quan hệ với đất nước. Địa vị kinh tế của kiều bào được nâng cao nhưng vẫn ở mức trung bình; quy mô các doanh nghiệp kiều bào ở mức vừa và nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh mạnh ở thị trường quốc tế và có xu hướng đầu tư về nước nhiều hơn. Lớp người cao tuổi, trong đó có chuyên gia, trí thức có nhu cầu về nước sinh sống, tham gia đóng góp chất xám và mong muốn tiếp tục được hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế của nước sở tại một cách thuận lợi khi về Việt Nam. Trong xu hướng chung của cộng đồng hướng về quê hương, vẫn còn một bộ phận cực đoan, dù ngày càng bị cô lập, thu hẹp và suy yếu nhưng vẫn tiếp tục chống phá quyết liệt.
Nhận thức đúng đắn vai trò ngày càng lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước; tiếp tục quán triệt các quan điểm của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị được khẳng định lại trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước”. Tích cực thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - một trong những trọng tâm công tác quan trọng của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới sẽ được triển khai toàn diện, mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước theo hướng:
Một là, tăng cường tính chủ động trong công tác bảo hộ lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương (trong đó có Hiệp định Kiều dân) và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý lao động và du học sinh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động, trong vấn đề nhận con nuôi và kết hôn với người nước ngoài... vi phạm pháp luật Việt Nam và các nước. 
Hai là, tập trung đột phá về nghiên cứu chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như triển khai xây dựng “Pháp lệnh về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” nhằm luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp, cơ chế đặc biệt nhằm tìm kiếm, vận động, thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, các nhà đầu tư tiềm năng... đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà.
Ba là, đẩy mạnh toàn diện công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
- Vận động cộng đồng thành lập các hội đoàn; hỗ trợ sự liên kết giữa các hội đoàn người Việt Nam, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết kiều bào. Thường xuyên động viên, khen thưởng những người có thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp phát triển đất nước.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại hướng tới kiều bào và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Thúc đẩy sớm đưa VTV4 vào internet và hệ thống truyền hình cáp ở Mỹ, Úc và các nước khác, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình khác (VTC, HTV...) vươn ra ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Tăng cường đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng và các thư viện sở tại nhằm nhu cầu thông tin văn hóa của kiều bào.
- Đẩy mạnh công tác tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng. Đặc biệt ưu tiên cho những địa bàn chiến lược còn khó khăn như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiều bào và mở các lớp học tiếng Việt.
Thường xuyên tổ chức cho kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp cho kiều bào hiểu hơn lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, sự phát triển của đất nước; hạn chế sự phá hoại của các thế lực thù địch. Phát triển các hình thức giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm Việt Nam... ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chú ý phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp, phong tục, tập quán dân tộc và sở tại.
Thứ tư, tiếp tục kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến kiều bào. Đơn giản hóa các thủ tục về nhập xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương…; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, cấp Giấy xác nhận gốc Việt Nam, tham gia hội tại Việt Nam hoặc tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam…
Thứ năm, các cơ quan đại diện cần mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.
Cuối cùng và cũng rất quan trọng, để nhanh chóng đưa Nghị quyết đại hội Đảng lần thú XI đi vào cuộc sống, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả trong và ngoài nước, sự kết hợp giữa công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng với việc ban hành và thực thi hữu hiệu các chính sách tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với lợi ích chung của đất nước, phát huy vai trò, tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển đất nước; làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
TS Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

ÁO DÀI VÀ CA KHÚC CỘNG ÐỒNG TRONG BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC TẠI MÜNCHEN

[Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Đề nghị phụ nữ và các cháu gái mặc trang phục áo dài truyền thống, cũng như cùng đồng ca những bài hát cộng đồng nêu cao tinh thần dân tộc là một số hướng dẫn mà Ban tổ chức (BTC) cuộc biểu tình tại München vừa đưa ra trong thông báo mới nhất ngày 9-9-2011 qua.

Biểu tình yêu nước của giới thanh niên, trí thức và nhân sĩ tại Việt Nam


Như NCTG đã đưa tin, vào thứ Bảy 17-9-2011 sắp tới, cộng đồng Việt Nam và các bạn hữu, đồng nghiệp người Đức tại München và vùng phụ cận sẽ tổ chức một cuộc biểu tình phản đối hành vi bành trướng của Trung Nam Hải. Tiếp theo “Thư ngỏ” ngày 25-8, mới đây, BTC đã tiếp tục gửi tới các cơ quan báo chí, truyền thông và các đồng hương một thông báo kèm các hướng dẫn cho việc tham gia biểu tình.

Theo nhấn mạnh của BTC, cuộc biểu tình này “
hoàn toàn mang tính cách độc lập và xuất phát từ lòng mong muốn của mỗi một cá nhân những người khởi xướng, tuyệt đối không theo sự chỉ đạo hay chịu ảnh hưởng của bất kỳ một tổ chức hay đoàn thể, đảng phái nào dù trong hay ngoài nước”. Bên cạnh đó, những người khởi xướng cho biết họ “hoàn toàn chịu trách nhiệm về pháp lý và tổ chức cho cuộc biểu tình”.

BTC cho biết: để có thể chia sẻ một cách hiệu quả niềm ưu tư của cộng đồng Việt Nam tại München và vùng phụ cận về tình hình biển Đông nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung với người dân sở tại, và cùng lúc có thể tạo thiện cảm và sự đoàn kết của họ đối với đất nước Việt Nam, về mặt nội dung, cuộc biểu tình sẽ “
tập trung vào việc vạch trần và phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc trong ý đồ và động thái bá quyền xâm lược”.

Về hình thức, biểu tình sẽ diễn ra một cách “
đoàn kết và ôn hòa, một mặt để biểu thị sự đoàn kết vững mạnh của cộng đồng người Việt tại München và các vùng phụ cận, mặt khác để nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”, do đó, những khẩu hiệu, biểu ngữ mang tính cách đả kích sẽ không được sử dụng, “hầu thể hiện tính cách ôn hòa của cuộc biểu tình, tương thích với bản sắc văn hóa Việt Nam”.

Những ca khúc cộng đồng được BTC đề xuất gồm
“Việt Nam, Việt Nam” (chung khúc nổi tiếng rút từ trường ca “Mẹ Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy), “Nối vòng tay lớn” (Trịnh Công Sơn), “Ðáp lời sông núi” (Trúc Hồ), “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” (Nguyễn Đức Quang) và “Bạch Ðằng Giang” (Lưu Hữu Phước). Ðặc biệt, một danh sách những biểu ngữ tiếng Anh và Ðức sẽ dùng trong buổi biểu tình cũng được công bố.

Một lần nữa, BTC tuyên bố, họ chủ trương “
hoàn toàn không sử dụng bất kỳ lá cờ nào dưới mọi hình thức (cờ, mũ, áo, khăn quàng, cà-vạt, huy hiệu, v.v...) mà chỉ dùng bản đồ Việt Nam làm biểu tượng đất nước trong suốt thời gian biểu tình”. Ðây cũng là sự tuân thủ tinh thần “vì mục đích chung bảo vệ tổ quốc Việt Nam, gác lại mọi hiềm khích, dị biệt, cùng nhau một lòng đoàn kết xuống đường” mà BTC đã nhiều lần khẳng định.

Trong một diễn biến có liên quan, người Việt ở Ðức cũng vận động ký tên vào bản kiến nghị
“Stop Chinese Expansionism” phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc, sẽ được gửi đến bà Thủ tướng CHLB Đức, TS Angela Merkel.
Trần Lê

Vài suy nghĩ rời về Thư Ngỏ của nhóm Trí Thức hải ngoại gửi Nhà Nước VN

Trần Phong Vũ

Đôi lời thưa trước:
Lá Thư Ngỏ của một nhóm trí thức hải ngoại gửi giới lãnh đạo trong nước hiện đang được phổ biến rộng rãi ở trong cũng như ngoài nước qua các mạng lưới điện toán. Mấy ngày gần đây, cá nhân chúng tôi cũng nhận được một bản trong hộp thư.
Nhiều ý kiến thuận nghịch đã được tung ra tạo nên một cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa các công dân mạng. Người ta vừa được đọc bằng mắt trên các trang web, vừa được nghe những lời tán thưởng, hoặc bài bác trên các “Rooms” của hệ thống Paltalk, một dạng thái truyền thông hiện đại, khá phổ biến trong tập thể người Việt hải ngoại mấy năm gần đây.
Qua Email và điện thoại, khá nhiều bằng hữu tỏ ý muốn tôi bày tỏ quan điểm về Thư Ngỏ này. Nhưng tôi đã từ chối. Không phải vì tôi không có ý kiến riêng. Nhưng xét thấy đây là một vấn đề hệ trọng, không thể trả lời “Yes” hay “No” qua mấy câu trao đổi trên điện thoại hoặc ít giòng ngắn ngủi trên điện thư. Thêm nữa, nhìn vào danh tính 34 vị trí thức khoa bảng, trong số có những khuôn mặt đáng kính như Giáo sư Vũ Quốc Thúc, nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc sĩ, tôi ngại sẽ bị coi là khiếm lễ nếu câu trả lời quá giản lược dễ gây hiểu lầm!
Đấy là lý do thúc đẩy tôi viết bài này. Nếu không nói hết thì ít nhất cũng bày tỏ được phần nào những suy nghĩ chân thật và thành khẩn của tôi trong tinh thần tương kính và xây dựng.
I.- Nội dung Thư Ngỏ:
Sau khi bày tỏ thái độ “ủng hộ bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” “hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung,…”, các vị ký tên trong Thư Ngỏ tóm tắt một số những nhận định bổ túc, gồm những vấn đề sau đây: * Hiểm Họa ngoại bang. * Sức mạnh dân tộc. * Vị thế chính quyền. * Những việc cần làm
Trong “Những việc cần làm”, Thư Ngỏ nêu lên 4 điểm: 1- Đối với Trung Quốc. 2- Đối với ASEAN và các nước khác. 3. Đối với nhân dân trong nước. 4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
II.- Đối tượng Thư Ngỏ:
Thư Ngỏ được gừi tới “các nhà lãnh đạo Việt Nam” trong đó bao gồm”\
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam[1]
III.- Vài suy nghĩ của người viết
Trước hết về nội dung, chúng tôi đồng thuận một số quan điểm của các thức giả được trình bày trong Thư Ngỏ. Từ sự đồng tình ủng hộ bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25-6-2011 của 25 nhân sĩ, trí thức trong nước, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”…“hưởng ứng bản ‘Kiến nghị’ ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung,…” …tới nhận định vể hiểm họa Trung Cộng từng được báo Sự Thật công khai xác nhận ý đồ xâm lược của Bắc kinh qua câu: “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính”. Những phân tích về sức mạnh dân tộc trong đó bao gồm tiềm năng và triển vọng của khối 3 triệu người Việt hải ngoại và những lời phê phán về sự “lúng túng, mâu thuẫn” trong chính sách đối nội, đối ngoại của giới cầm quyền trong nước dẫn tới hệ quả tai hại là “hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc”… cũng phản ánh được phần nào quan điểm chung của tập thể tị nạn, trong đó có cá nhân người viết những giòng này.
Đi sâu vào khía cạnh ngôn từ, cung cách đạo đạt ý kiến, quan điểm trong “Những việc cần làm” gói ghém vào bốn chủ điểm: “Đối với Trung Quốc”; “Đối với Asean và các nước khác”; “Đối với nhân dân trong nước”; “Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, nhất là khi đọc lại địa chỉ để nhận ra đối tượng Thư Ngỏ, quả thật chúng tôi không khỏi bận tâm.
Về đối tượng Thư Ngỏ:
Phía trên tiêu đề Thư Ngỏ ghi: THƯ NGỎ GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM. Sau đó liệt kê chức danh của hầu hết những thành phần chóp bu của chế độ như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Thủ tướng chính phủ đi kèm với danh xưng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Đáng chú ý hơn cả là đối tượng sau chót được Thư Ngỏ gửi tới: Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam[2]
Đọc qua những trao đổi của công luận, nhất là các nhân sĩ, trí thức trên các điện thư, các diễn đàn Paltalk cũng như những lời tâm sự qua điện thoại liên quan tới Thư Ngỏ, tôi thấy nhiều ý kiến tỏ ra hết sức bất bình, nếu không muốn nói là bất mãn –bất mãn đến độ phải thốt ra những lời lẽ được coi là nặng nề! Theo nhận định của riêng chúng tôi, điều bất bình lớn và quan trọng nhất của công luận đối với Thư Ngỏ là sự lựa chọn đối tượng.
Có hai căn do biểu thị cho sự bất bình này:
1.- Phần đông, nếu không là tất cả 34 nhân sĩ, trí thức minh danh ký tên trong Thư Ngỏ đều là những người “tị nạn chính trị”. Cũng như hơn 3 triệu đồng bào,kẻ trước người sau quý vị đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do vì không thể sống dưới chế độ cộng sản. (Trường hợp có vị nào không thuộc thành phần tị nạn chính trị xin minh danh cho biết để người viết có lời xin lỗi). Như thế cậu hỏi do công luận đặt ra là quý vị đã đứng trên cơ sở, vị trí nào để gửi thư cho những tay đầu sỏ trong dảng và nhà nước CSVN? Phải chăng đây là một cách của những người sớm quên căn cước “tị nạn chính trị” của mình để công khai nhìn nhận tính chính đáng của một thứ nhà nước đang bị toàn dân coi là “bè lũ cướp ngày”?!
2.- Căn do thứ hai được gói vào những câu hỏi: * thực chất cái gọi là “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” sau hơn 36 năm thử nghiệm trên toàn đất nước là gì? * Cung cách lì lợm, ngao mạn (Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ gọi là thói “Kiêu ngạo cộng sản”) mà chế độ này đối xử với các nhân sĩ trí thức trong nước ra sao? * Số phận của những loại “Kiến Nghị”, “Thỉnh Nguyện Thư”, “Thư Ngỏ” kể cả những “Góp Ý Xây Dựng” trong những kỳ bầu cử Quốc hội, Đại hội Đảng như thế nào? Câu trả lời xét thấy không cần nhắc lại vì mọi người đều đã biết.
Quả thật, dù nể nang, e ngại đụng chạm, hoặc vì muốn tránh né, cá nhân chúng tôi không thể không chia sẻ những bất bình này.
Là một tín hữu Công giáo, từ lâu chúng tôi không ngần ngại lên tiếng phê phán chủ trương gọi là “hợp tác”, “đối thoại” với chế độ của một vài vị trong hàng Giáo phẩm của chúng tôi ở trong nước. Chúng tôi quen gọi chủ trương “hợp tác”, “đối thoại” ấy là kiểu “hợp tác”, “đối thoại’, một chiếu! bất cân xứng!
Tại sao gọi là “Hợp tác một chiều, bất cân xứng”? Vì chỉ có một bên, -mà vì thiện chí, vì tình bác ái-, lăn xả vào xin hợp tác với kẻ có quyền, có thế để mong xoa dịu phần nào những vết thương lở lói trong xã hội, trong khi bên kia (nói rtrắng là đảng và nhà nước CSVN) chỉ biết lợi dụng để trốn trách nhiệm, để tiếp tục làm “kẻ cướp ngày” mà hệ quả là ngày càng làm cho vết thương xã hội thối rữa thêm. Chỉ cần nhìn vào lãnh vực giáo dục, vốn là lãnh vực GHCG có thẩm quyền nhất, thế mà cho đến nay khi nhân loại đã bước qua thập niên đầu của thiên niên thứ ba, các nhà giáo dục chân chính của Giáo hội Công giáo Việt nam “thời cộng sản” mới chỉ chính thức mon men tới cấp mẫu giáo!!! Thế thì đâu là kết quả của chủ trương “hợp tác”?
Còn “đối thoại”? “Đối thoại” với ai? Người ta có muốn nghe hay không mà “đối thoại”?
Cho nên, tôi không thể không cảm thông với một thức giả nào đó trong nước đã mệnh danh những cuộc “đối thoại” giữa cá nhân hoặc nhóm này nhóm khác với các ông trong đảng và nhà nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hiện nay là những cuộc “đối thoại với những người điếc”!
Cũng với tư cách một tín hữu đang trực tiếp làm công tác truyền thông, văn hóa Công giáo Việt Nam ở hải ngoại, chúng tôi xin chia sẻ thêm với quý độc giả rằng: chúng tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn xuyên qua những thiện chí và nỗ lực để “đối thoại” với đảng và nhà nước CSVN.
Xin nhớ lại những lời đối thoại thẳng thắn đầy tinh thần xây dựng của Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên TGM Hànội cách đây vài năm và những hệ quả khốc hại xảy đến cho ngài, nói chung cho GHCGVN hiện nay ra sao, quý độc giả sẽ hiểu được điều tôi muốn gửi gấm.
Trong thư, 34 trí thức có đề cập bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức và  bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ trí thức khác. Quý vị cũng nhắc tới danh xưng của “Viện Nghiên cứu Phát triển IDS” do TS Nguyễn Quang A đứng đầu. Hơn ai hết, hẳn các tác giả Thư Ngỏ cũng đã rõ về số phần của những thứ gọi là “tuyên cáo”, “Kiến nghị” và “Viện Nghiên cứu  Phát triển IDS” ra sao rồi!
Người viết những giòng này cũng chưa quên cuộc “đi đêm” giữa thứ trưởng ngoại giáo CSVN Hồ Xuân Sơn với các đồng nhiệm Trung cộng của ông ta ngày 25-6-11. Khi về nước, trong khi HXS và bộ Ngoại giao im tiếng thì chính TTX Trung cộng công khai cho biết về những cam kết “nhục nhã” của Hànội với Bắc Kinh, không ngoài ý đồ dấn sâu vào con đường bán nước! Và trí thức trong nước đã tức thời phản ứng. Ngày 02-7-2011, 18 vị trong số có những khuôn mặt quen thuộc như TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi, cựu tướng Lê Trọng Vĩnh v.v… đã viết một Kiến nghị (lại Kiến nghị!) đòi Bộ Ngoại Giao phải bạch hóa chuyến đi đêm của Hồ Xuân Sơn. Kết quả của thiện chí này đã bị Bộ Ngoại Giao cư xử “đẹp” ra sao, mời độc giả tìm đọc bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi tựa đề “Chúng Tôi Đi Gặp Bộ Ngoại Giao” trên các trang mạng hoặc trên các báo Việt ngữ trong cộng đồng Việt tị nạn ở hải ngoại, gần đây. Riêng nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, bài viết của GS Chi đã được đăng tải trên số 117 phát hành tháng 8-2011 trang 37. Hơn ai hết, chắc chắn 34 vị trí thức ký tên trong Thư Ngỏ đã rõ.
Vài mẩu chuyện thời sự
Những thực chứng rất thời sự đang diễn ra từng ngày từng giờ ngay lúc này trên đất nước cũng là những bằng cớ cụ thể cho người viết những giòng này cảm thông với tâm trạng bất bình của công luận trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại khi đọc Thư Ngỏ của một nhóm trí thức Việt Nam hải ngoại gửi các lãnh đạo CSVN.
Mẩu chuyện thứ nhất:
Sáng Thứ Năm 31-8-2011, tôi đọc được trên mạng basamnews on 31.08.2011 lá Thư Ngỏ của nhà văn Nguyễn Ngọc với nội dung nguyên văn như sau:
Thư của Nhà văn Nguyên Ngọc gửi Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị
Posted by basamnews on 31.08.2011
Đây là bức thư của tôi gửi ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chiều 25-8-2011.
Định là thư ngỏ, nhưng tôi chưa công bố ngay, mà gửi trước cho vài người bạn qua email để tham khảo ý kiến.
Không biết qua đường nào, ông Phạm Quang Nghị đã biết được thư này và tối 25-8 đã đến nhà tôi, trong khi tôi đi vắng. Sáng 26-8 ông ấy đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng có thể Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội “đã non nớt” trong khi phát phóng sự (về những người biểu tình).
Từ đó đến nay, tôi chưa công bố bức thư này để chờ xem Đài PT-TH Hà Nội trả lời ra sao về việc làm sai trái của họ.
Nay đã có trả lời phủi tay và vô liêm sỉ của ông Trần Gia Thái, tôi quyết định đưa bức thư ra trước công luận.
Nguyên Ngọc
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ngày 25-8-2011

Kính gửi ông Phạm Quang Nghị,
Bí thư Thành ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam thành phố Hà Nội,
Tôi viết thư này cho ông vì ông là Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam của thành phố Hà Nội, là người lãnh đạo cao nhất của thành phố này, đương nhiên chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các tổ chức và cơ quan dưới quyền lãnh đạo của ông, không chỉ là tổ chức Đảng mà cả tổ chức và cơ quan chính quyền theo cơ chế ở nước ta hiện nay.
Tối ngày 22 tháng 8 năm 2011, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, trong chương trình thời sự hằng ngày của mình từ 18 giờ 30 đến 19 giờ, đã cho phát một phóng sự về những cuộc biểu tình và những người biểu tình ở Hà Nội trong thời gian vừa qua, mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố, đã trịnh trọng tuyên bố trong một cuộc họp báo trước đó là biểu tình yêu nước chống Trung Quốc gây hấn, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Vậy mà đến tối 22 tháng 8, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã quay ngược hoàn toàn, coi các cuộc biểu tình và những người biểu tình ấy là phản động, và trong khi nói như vậy đã đồng thời đưa rõ hình ảnh ba người là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và tôi.
Thưa ông,
Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, một cơ quan đặt dưới dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông. Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.
Đài này còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể ông cũng từng được biết, vào thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội.
Tôi xin hỏi:
1 – Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông, có chủ trương và chỉ đạo việc thực hiện chương trình sai pháp luật và cực kỳ vô văn hóa này của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội không?
2 – Nếu không có chủ trương và chỉ đạo đó, mà đây chỉ là hành động “tự phát” của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, thì ai chịu trách nhiệm về việc làm sai trái nghiêm trọng này?
Thành ủy Hà Nội sẽ xử lý những người đó như thế nào?
Bởi vì sự xúc phạm của đài Hà Nội là công khai, với toàn dân, với cả nước, cả thế giới, nên bức thư này của tôi là thư ngỏ, và tôi yêu cầu câu trả lời của ông cũng phải công khai.
Tôi và tất cả những người có lương tri yêu cầu và chờ đợi câu trả lời đó.
Trân trọng,
Nguyên Ngọc
Mẩu chuyện thứ hai:
Cũng trên mạng basamnews trước đó một ngày, nhà văn Nguyên Ngọc đã công bố bài viết ngắn sau đây:
Thôi nhé, hiểu rõ quá rồi!
Xin đọc một mẩu văn chương thánh thót của nữ nhà văn Hoàng Thu Vân trên báo Hà Nội Mới * ngày 29-8-2011 sau đây:
“Sáng chủ nhật 28-8, Hà Nội thật thanh bình, yên ả. Chớm thu, nắng và gió nhè nhẹ trải quanh hồ Hoàn Kiếm. Không còn những cuộc tuần hành, biểu tình tự phát, không còn những đám người tụ tập gây huyên náo…
 Người già chậm rãi thả bước dạo quanh hồ, trẻ em tung tăng nô đùa ở sân trước tượng đài Lý Thái Tổ, còn những đôi uyên ương thì tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ bên Hồ Gươm khi mùa cưới đã về. Hơn hai tháng qua, nhiều người dân ở khu vực này nói riêng và hơn 7 triệu người Hà Nội cùng gần 90 triệu người dân Việt Nam nói chung luôn mong muốn được chứng kiến những hình ảnh bình dị như vậy về một thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, đại diện cho sự phát triển ổn định của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ…”
Rồi hôm nay, 30-8-2011, đọc mẩu tin này trích từ bài viết về việc tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa sang hội đàm với tướng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên **:
“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”.
À ra là vậy, ông tướng Vịnh vất vả lặn lội sang tận Bắc Kinh, trịnh trọng hứa với ông tướng Tàu “sẽ kiên quyết” (tất nhiên là với nhân dân của mình) chỉ là để cho “Hà Nội thật thanh bình, yên ả. Chớm thu, nắng và gió nhè nhẹ trải quanh hồ Hoàn Kiếm …” thôi mà!
Có vậy mà các vị nhân sĩ trí thức ta cứ phản đối, kiến nghị này nọ um sùm. Thật là chẳng hiểu biết gì cả!
Thôi nhé, nay thì đã hiểu rõ quá rồi!
Nguyên Ngoc


Suy nghĩ chót:
Cũng sáng nay (Thứ Năm 31-8-11) tôi đọc được trong bài phỏng vấn của đài RFA những câu trả lời của giáo sư Lê Xuân Khoa, một trong những vị ký tên trong Thư Ngỏ. Tôi không có điều gì để thưa với GS Khoa. Chỉ xin GS và mọi người đọc kỹ lại lá thư gửi Phạm Quang Nghị và bài viết ngắn trên đây của nhà văn, nhà báo Nguyên Ngọc.
Xin lưu ý GS một chi tiết đáng suy nghĩ về nội dung lời “đoan hứa” của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng CSVN sau cuộc mật đàm với tướng Mã Hiểu Thiên của Trung cộng được nhà văn Nguyên Ngọc trích trong bài viết của ông. Lời “đoan hứa” không phải công bố năm trước hay tháng trước. Nó còn nóng hổi vì mới được công bố hôm qua, 30-8-2011.
Sau khi lập lại chi tiết này, nhà văn Nguyên Ngọc đã phát hiện điều gì khác lạ đánh động ông khi cay đắng kết thúc bài viết:
“Có vậy mà các vị nhân sĩ trí thức ta cứ phản đối, kiến nghị này nọ um sùm. Thật là chẳng hiểu biết gì cả!
Thôi nhé, nay thì đã hiểu rõ quá rồi!”
Bây giờ đến lượt những người Việt “tị nạn chính trị” chúng ta ở hải ngoại, dĩ nhiên bao gồm cả 34 tác giả Thư Ngỏ gửi lãnh đạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Liệu chúng ta có cần xét lại xem mình đã thật sự sáng mắt, sáng lòng để nhận chân được những sự thật trên quê hương chưa?
IV.- Một gợi ý chợt đến
Sau khi bài viết được gửi đi để chia sẻ với vài người bạn, một suy tư bất chợt đến với tôi qua câu hỏi: liệu các nhân sĩ, trí thức Việt Nam ở hải ngoại có cần phải có một bản Bản Lên Tiếng chính thức về tình hình đất nước trong lúc này không? Nếu cần thì nội dung và đối tượng của văn kiện này sẽ ra sao?
Thiết nghĩ sự kiện 34 nhân sĩ, trí thức vừa công bố Thư Ngỏ là một dấu chỉ cụ thể cho thấy đây quả là một nhu cầu cấp bách khi mà hiểm họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc ngày càng trở nên rõ rệt, đòi buộc mọi người, mọi giới phải quan tâm. Như thế vấn đề còn lại là xác định đối tượng và nội dung cho Bản Lên Tiếng.
Đối tượng:
Theo thiển kiến, đối tượng của Bản Lên Tiếng sẽ là toàn thể đồng bào trong và ngoài đất nước, bao gồm tất cả mọi thành phần trẻ, già, trai, gái, giàu nghèo, thuộc mọi giai tầng xã hội, kề cả đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Nội dung
Trình bày cô đọng nhưng đầy đủ và trung thực, không thiên kiến về tình hình đất nước hiện nay trên cả hai mặt nội trị (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội) và ngoại giao. Đặc biêt nhấn mạnh tới những hình thái xâm lược tinh vi và sâu độc của Trung quốc nhắm vào Việt Nam gần đây. Đưa ra những gợi ý cụ thể về những biện pháp cấp thời phải có cùng với hướng nhìn vào tương lai… giúp mở ra một vận hội mới cho dân tộc (Hẳn sẽ có thắc mắc đặt ra khi đối tượng Bản Lên Tiếng mở rộng cho cả đảng và nhà nước CSVN. Tôi thành thực nghĩ rằng vấn nạn này sẽ được giải tỏa qua nội dung văn kiện này).
Câu hỏi chót được đặt ra:
Ai, tập thể nào sẽ đứng ra đảm nhiệm việc phác thảo nội dung Bản Lên Tiếng? Về điểm này, tôi chân thành chờ đợi những đóng góp ý kiến rộng rãi của các thức giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cà những vị đã có thiện ý ký tên trong Thư Ngỏ vừa qua.

Nam California, Thứ Tư ngày cuối cùng tháng 8 –hoàn chỉnh ngày 01-9- 2011.
Trần Phong Vũ