Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Định hướng công tác kiều bào trong tình hình mới

QĐND - Thứ Hai, 12/09/2011
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 4,5 triệu kiều bào ta đang sinh sống, lao động, học tập tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển ổn định và ngày càng hòa nhập vào xã hội sở tại, tiềm lực tri thức và kinh tế ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, thành đạt trong các lĩnh vực KHCN, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế và xã hội. Một số người gốc Việt đã tham gia vào chính phủ, nghị viện và chính quyền địa phương ở các nước.
Mang trong mình dòng máu Việt, dù ra đi ra trong bất cứ hoàn cảnh nào và sinh sống bất cứ nơi đâu trên thế giới, bà con kiều bào đều có ý thức tự tôn dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, quê hương, mong muốn đất nước hòa bình, phát triển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. (Nguồn: Internet).
Trong nhiều năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước đột phá tích cực. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước cùng với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đặc biệt từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai đi vào cuộc sống, đã tạo thuận lợi, mở ra những cơ hội thu hút bà con kiều bào về nước thăm thân nhân, du lịch, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học... với trong nước. Trung bình hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở trình độ đại học và trên đại học, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hàng nghìn người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đến nay có hơn 3.200 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn khoảng 5,7 tỷ USD, trong đó khoảng 60% dự án được đánh giá là hoạt động có hiệu quả. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15% năm, từ mức 3 tỷ USD năm 2004 tăng lên 7,4 tỷ USD năm 2008, 6,8 tỷ USD năm 2009 và 8,4 tỷ USD năm 2010. Kiều bào ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo hướng về quê hương, giúp đỡ đồng bào trong nước có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những năm tới cộng đồng NVNONN sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và mở địa bàn cư trú đến nơi có điều kiện làm ăn thuận lợi hơn. Số người mới sang theo diện lao động, kinh doanh, nghiên cứu, du học, du lịch, con nuôi, đoàn tụ, kết hôn với người nước ngoài... sẽ chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cộng đồng hiện tại đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Ở mức độ khác nhau tại một số địa bàn khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi, một bộ phận cộng đồng còn tiếp tục gặp khó khăn về địa vị pháp lý và quy chế cư trú, làm ăn, kinh doanh. Trình độ học vấn chung của cộng đồng sẽ cao hơn, xuất hiện một số nhà khoa học, văn hóa, chính trị có vị trí ảnh hưởng nhất định tại quốc gia sở tại, trong cộng đồng và mối quan hệ với đất nước. Địa vị kinh tế của kiều bào được nâng cao nhưng vẫn ở mức trung bình; quy mô các doanh nghiệp kiều bào ở mức vừa và nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh mạnh ở thị trường quốc tế và có xu hướng đầu tư về nước nhiều hơn. Lớp người cao tuổi, trong đó có chuyên gia, trí thức có nhu cầu về nước sinh sống, tham gia đóng góp chất xám và mong muốn tiếp tục được hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế của nước sở tại một cách thuận lợi khi về Việt Nam. Trong xu hướng chung của cộng đồng hướng về quê hương, vẫn còn một bộ phận cực đoan, dù ngày càng bị cô lập, thu hẹp và suy yếu nhưng vẫn tiếp tục chống phá quyết liệt.
Nhận thức đúng đắn vai trò ngày càng lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước; tiếp tục quán triệt các quan điểm của Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị được khẳng định lại trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước”. Tích cực thực hiện đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - một trong những trọng tâm công tác quan trọng của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới sẽ được triển khai toàn diện, mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước theo hướng:
Một là, tăng cường tính chủ động trong công tác bảo hộ lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định và thỏa thuận song phương, đa phương (trong đó có Hiệp định Kiều dân) và tác động ở cấp cao trong quan hệ với các nước có đông người Việt nhằm hỗ trợ bà con có vị trí pháp lý ổn định, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý lao động và du học sinh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo trong xuất khẩu lao động, trong vấn đề nhận con nuôi và kết hôn với người nước ngoài... vi phạm pháp luật Việt Nam và các nước. 
Hai là, tập trung đột phá về nghiên cứu chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như triển khai xây dựng “Pháp lệnh về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước” nhằm luật hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp, cơ chế đặc biệt nhằm tìm kiếm, vận động, thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, các nhà đầu tư tiềm năng... đóng góp vào sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà.
Ba là, đẩy mạnh toàn diện công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
- Vận động cộng đồng thành lập các hội đoàn; hỗ trợ sự liên kết giữa các hội đoàn người Việt Nam, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết kiều bào. Thường xuyên động viên, khen thưởng những người có thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp phát triển đất nước.
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại hướng tới kiều bào và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Thúc đẩy sớm đưa VTV4 vào internet và hệ thống truyền hình cáp ở Mỹ, Úc và các nước khác, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình khác (VTC, HTV...) vươn ra ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Tăng cường đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng và các thư viện sở tại nhằm nhu cầu thông tin văn hóa của kiều bào.
- Đẩy mạnh công tác tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng. Đặc biệt ưu tiên cho những địa bàn chiến lược còn khó khăn như Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiều bào và mở các lớp học tiếng Việt.
Thường xuyên tổ chức cho kiều bào tham gia vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp cho kiều bào hiểu hơn lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, sự phát triển của đất nước; hạn chế sự phá hoại của các thế lực thù địch. Phát triển các hình thức giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm Việt Nam... ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chú ý phối hợp giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng trên cơ sở phù hợp luật pháp, phong tục, tập quán dân tộc và sở tại.
Thứ tư, tiếp tục kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến kiều bào. Đơn giản hóa các thủ tục về nhập xuất cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương…; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, cấp Giấy xác nhận gốc Việt Nam, tham gia hội tại Việt Nam hoặc tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về thường trú tại Việt Nam…
Thứ năm, các cơ quan đại diện cần mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.
Cuối cùng và cũng rất quan trọng, để nhanh chóng đưa Nghị quyết đại hội Đảng lần thú XI đi vào cuộc sống, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cả trong và ngoài nước, sự kết hợp giữa công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng với việc ban hành và thực thi hữu hiệu các chính sách tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với lợi ích chung của đất nước, phát huy vai trò, tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển đất nước; làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
TS Nguyễn Thanh Sơn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét