Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Từ một cây cầu…

1. Ngày 20-9, lần thứ hai trong vòng ba tháng, bà Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp, Tổng Giám đốc Công ty Cầu Rồng lại thuyết trình ý tưởng thực hiện dự án cải tạo cầu Long Biên. Dự án này sẽ biến Long Biên từ cây cầu giao thông trở thành cây cầu văn hóa. Một dự án quy mô với số tiền cần có để biến ý tưởng thành hiện thực dự kiến lên tới gần năm nghìn tỷ đồng. Cầu Long Biên có tuổi đời hơn một thế kỷ, là niềm tự hào của Thủ đô sẽ thành một bảo tàng sống, một "phố" đi bộ với hệ thống dịch vụ đi kèm - điều mà có người vội lo quá lên là có thể khiến cây cầu lịch sử mang dáng dấp của một "đại siêu thị"…

Khoan hãy nói đến chi phí đầu tư, bởi những người trong cuộc đã cam kết rằng dự án được thực hiện bởi nguồn vốn xã hội hóa và khoản viện trợ của Chính phủ Pháp dù chưa có tiếng nói chính thức về khoản viện trợ này. Vấn đề được quan tâm là ý tưởng tốt đẹp cần phải được thể hiện thông qua những mục tiêu không thể và không có gì khác hơn là góp phần nâng cao giá trị cầu Long Biên. Một vấn đề khác có thể đặt ra, là ý tưởng về "phố" đi bộ - cầu Long Biên có kết nối được với những ý tưởng khác, như gần đây là xây dựng tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận? Những gói dịch vụ ẩm thực, du lịch "ăn theo" bảo tàng - cây cầu đi bộ sẽ là thế nào để không trở thành một khu ẩm thực Tống Duy Tân thứ hai (một khu dịch vụ ăn uống nhạt nhòa nét ẩm thực Hà thành, bán những thứ "ở hè phố nào cũng có" dù mục tiêu ban đầu mang hồn cốt Thăng Long - Hà Nội và bao mỹ từ xuất hiện, cổ vũ cho cái phố ẩm thực ấy)?...


Với cầu Long Biên, mang ý nghĩa không thể chối cãi của một di sản văn hóa đích thực trong lòng người Hà Nội dù chưa có văn bản nào chính thức cụ thể hóa điều đó, hệ thống dịch vụ, nhà hàng trên cây cầu này liệu có phù hợp với tiêu chí bảo tồn hay không? Những người theo quan điểm bảo tồn nguyên gốc có lý do để đặt câu hỏi trước ý tưởng nâng cao cây cầu thêm 3m và ốp kính quanh những nhịp cầu, bởi đơn giản là điều đó sẽ làm cây cầu biến dạng.


2. Ý tưởng cải tạo cầu Long Biên có lẽ là ví dụ mới nhất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo phương thức xã hội hóa, gợi suy nghĩ về việc triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa mà ở đó, trong nhiều trường hợp, tính liên ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn như với ý tưởng nói trên, những giải pháp thực hiện nội dung chính, về dịch vụ, về ẩm thực và về phố đi bộ cần có sự tham gia của chuyên gia kiến trúc, bảo tàng, môi trường, giao thông, du lịch, quản lý đô thị…


Bài học thực tiễn chỉ ra rằng, hiệu quả liên kết là đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những ý tưởng đầu tư quy mô lớn, được cho là khá lãng mạn như trường hợp cầu Long Biên. Ý tưởng đưa nghệ thuật truyền thống vào du lịch đã vào đời sống bao năm, nay vẫn chưa rõ hiệu quả bởi mối liên kết văn hóa và du lịch còn lỏng lẻo. Phố hoa Hà Nội gặp sự cố là do sự phối hợp giữa nhà tổ chức và chính quyền cơ sở chưa đủ mức. Festival "Ký ức cầu Long Biên" năm 2009 diễn ra không như quảng cáo trước đó là bởi một số nhà tài trợ không thực hiện đúng cam kết…


Ý tưởng đẹp hóa thành hiện thực hay nếu người thực hiện thấu rõ mọi bề, bảo đảm những nguyên tắc chung và đặt nó đúng vị trí trong mối quan hệ với tổng thể.

Dục Tú (HNM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét