Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Vài suy nghĩ rời về Thư Ngỏ của nhóm Trí Thức hải ngoại gửi Nhà Nước VN

Trần Phong Vũ

Đôi lời thưa trước:
Lá Thư Ngỏ của một nhóm trí thức hải ngoại gửi giới lãnh đạo trong nước hiện đang được phổ biến rộng rãi ở trong cũng như ngoài nước qua các mạng lưới điện toán. Mấy ngày gần đây, cá nhân chúng tôi cũng nhận được một bản trong hộp thư.
Nhiều ý kiến thuận nghịch đã được tung ra tạo nên một cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa các công dân mạng. Người ta vừa được đọc bằng mắt trên các trang web, vừa được nghe những lời tán thưởng, hoặc bài bác trên các “Rooms” của hệ thống Paltalk, một dạng thái truyền thông hiện đại, khá phổ biến trong tập thể người Việt hải ngoại mấy năm gần đây.
Qua Email và điện thoại, khá nhiều bằng hữu tỏ ý muốn tôi bày tỏ quan điểm về Thư Ngỏ này. Nhưng tôi đã từ chối. Không phải vì tôi không có ý kiến riêng. Nhưng xét thấy đây là một vấn đề hệ trọng, không thể trả lời “Yes” hay “No” qua mấy câu trao đổi trên điện thoại hoặc ít giòng ngắn ngủi trên điện thư. Thêm nữa, nhìn vào danh tính 34 vị trí thức khoa bảng, trong số có những khuôn mặt đáng kính như Giáo sư Vũ Quốc Thúc, nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc sĩ, tôi ngại sẽ bị coi là khiếm lễ nếu câu trả lời quá giản lược dễ gây hiểu lầm!
Đấy là lý do thúc đẩy tôi viết bài này. Nếu không nói hết thì ít nhất cũng bày tỏ được phần nào những suy nghĩ chân thật và thành khẩn của tôi trong tinh thần tương kính và xây dựng.
I.- Nội dung Thư Ngỏ:
Sau khi bày tỏ thái độ “ủng hộ bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” “hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung,…”, các vị ký tên trong Thư Ngỏ tóm tắt một số những nhận định bổ túc, gồm những vấn đề sau đây: * Hiểm Họa ngoại bang. * Sức mạnh dân tộc. * Vị thế chính quyền. * Những việc cần làm
Trong “Những việc cần làm”, Thư Ngỏ nêu lên 4 điểm: 1- Đối với Trung Quốc. 2- Đối với ASEAN và các nước khác. 3. Đối với nhân dân trong nước. 4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
II.- Đối tượng Thư Ngỏ:
Thư Ngỏ được gừi tới “các nhà lãnh đạo Việt Nam” trong đó bao gồm”\
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam[1]
III.- Vài suy nghĩ của người viết
Trước hết về nội dung, chúng tôi đồng thuận một số quan điểm của các thức giả được trình bày trong Thư Ngỏ. Từ sự đồng tình ủng hộ bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25-6-2011 của 25 nhân sĩ, trí thức trong nước, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”…“hưởng ứng bản ‘Kiến nghị’ ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung,…” …tới nhận định vể hiểm họa Trung Cộng từng được báo Sự Thật công khai xác nhận ý đồ xâm lược của Bắc kinh qua câu: “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính”. Những phân tích về sức mạnh dân tộc trong đó bao gồm tiềm năng và triển vọng của khối 3 triệu người Việt hải ngoại và những lời phê phán về sự “lúng túng, mâu thuẫn” trong chính sách đối nội, đối ngoại của giới cầm quyền trong nước dẫn tới hệ quả tai hại là “hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc”… cũng phản ánh được phần nào quan điểm chung của tập thể tị nạn, trong đó có cá nhân người viết những giòng này.
Đi sâu vào khía cạnh ngôn từ, cung cách đạo đạt ý kiến, quan điểm trong “Những việc cần làm” gói ghém vào bốn chủ điểm: “Đối với Trung Quốc”; “Đối với Asean và các nước khác”; “Đối với nhân dân trong nước”; “Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, nhất là khi đọc lại địa chỉ để nhận ra đối tượng Thư Ngỏ, quả thật chúng tôi không khỏi bận tâm.
Về đối tượng Thư Ngỏ:
Phía trên tiêu đề Thư Ngỏ ghi: THƯ NGỎ GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM. Sau đó liệt kê chức danh của hầu hết những thành phần chóp bu của chế độ như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Thủ tướng chính phủ đi kèm với danh xưng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Đáng chú ý hơn cả là đối tượng sau chót được Thư Ngỏ gửi tới: Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam[2]
Đọc qua những trao đổi của công luận, nhất là các nhân sĩ, trí thức trên các điện thư, các diễn đàn Paltalk cũng như những lời tâm sự qua điện thoại liên quan tới Thư Ngỏ, tôi thấy nhiều ý kiến tỏ ra hết sức bất bình, nếu không muốn nói là bất mãn –bất mãn đến độ phải thốt ra những lời lẽ được coi là nặng nề! Theo nhận định của riêng chúng tôi, điều bất bình lớn và quan trọng nhất của công luận đối với Thư Ngỏ là sự lựa chọn đối tượng.
Có hai căn do biểu thị cho sự bất bình này:
1.- Phần đông, nếu không là tất cả 34 nhân sĩ, trí thức minh danh ký tên trong Thư Ngỏ đều là những người “tị nạn chính trị”. Cũng như hơn 3 triệu đồng bào,kẻ trước người sau quý vị đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do vì không thể sống dưới chế độ cộng sản. (Trường hợp có vị nào không thuộc thành phần tị nạn chính trị xin minh danh cho biết để người viết có lời xin lỗi). Như thế cậu hỏi do công luận đặt ra là quý vị đã đứng trên cơ sở, vị trí nào để gửi thư cho những tay đầu sỏ trong dảng và nhà nước CSVN? Phải chăng đây là một cách của những người sớm quên căn cước “tị nạn chính trị” của mình để công khai nhìn nhận tính chính đáng của một thứ nhà nước đang bị toàn dân coi là “bè lũ cướp ngày”?!
2.- Căn do thứ hai được gói vào những câu hỏi: * thực chất cái gọi là “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” sau hơn 36 năm thử nghiệm trên toàn đất nước là gì? * Cung cách lì lợm, ngao mạn (Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ gọi là thói “Kiêu ngạo cộng sản”) mà chế độ này đối xử với các nhân sĩ trí thức trong nước ra sao? * Số phận của những loại “Kiến Nghị”, “Thỉnh Nguyện Thư”, “Thư Ngỏ” kể cả những “Góp Ý Xây Dựng” trong những kỳ bầu cử Quốc hội, Đại hội Đảng như thế nào? Câu trả lời xét thấy không cần nhắc lại vì mọi người đều đã biết.
Quả thật, dù nể nang, e ngại đụng chạm, hoặc vì muốn tránh né, cá nhân chúng tôi không thể không chia sẻ những bất bình này.
Là một tín hữu Công giáo, từ lâu chúng tôi không ngần ngại lên tiếng phê phán chủ trương gọi là “hợp tác”, “đối thoại” với chế độ của một vài vị trong hàng Giáo phẩm của chúng tôi ở trong nước. Chúng tôi quen gọi chủ trương “hợp tác”, “đối thoại” ấy là kiểu “hợp tác”, “đối thoại’, một chiếu! bất cân xứng!
Tại sao gọi là “Hợp tác một chiều, bất cân xứng”? Vì chỉ có một bên, -mà vì thiện chí, vì tình bác ái-, lăn xả vào xin hợp tác với kẻ có quyền, có thế để mong xoa dịu phần nào những vết thương lở lói trong xã hội, trong khi bên kia (nói rtrắng là đảng và nhà nước CSVN) chỉ biết lợi dụng để trốn trách nhiệm, để tiếp tục làm “kẻ cướp ngày” mà hệ quả là ngày càng làm cho vết thương xã hội thối rữa thêm. Chỉ cần nhìn vào lãnh vực giáo dục, vốn là lãnh vực GHCG có thẩm quyền nhất, thế mà cho đến nay khi nhân loại đã bước qua thập niên đầu của thiên niên thứ ba, các nhà giáo dục chân chính của Giáo hội Công giáo Việt nam “thời cộng sản” mới chỉ chính thức mon men tới cấp mẫu giáo!!! Thế thì đâu là kết quả của chủ trương “hợp tác”?
Còn “đối thoại”? “Đối thoại” với ai? Người ta có muốn nghe hay không mà “đối thoại”?
Cho nên, tôi không thể không cảm thông với một thức giả nào đó trong nước đã mệnh danh những cuộc “đối thoại” giữa cá nhân hoặc nhóm này nhóm khác với các ông trong đảng và nhà nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” hiện nay là những cuộc “đối thoại với những người điếc”!
Cũng với tư cách một tín hữu đang trực tiếp làm công tác truyền thông, văn hóa Công giáo Việt Nam ở hải ngoại, chúng tôi xin chia sẻ thêm với quý độc giả rằng: chúng tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn xuyên qua những thiện chí và nỗ lực để “đối thoại” với đảng và nhà nước CSVN.
Xin nhớ lại những lời đối thoại thẳng thắn đầy tinh thần xây dựng của Đức cha Ngô Quang Kiệt, nguyên TGM Hànội cách đây vài năm và những hệ quả khốc hại xảy đến cho ngài, nói chung cho GHCGVN hiện nay ra sao, quý độc giả sẽ hiểu được điều tôi muốn gửi gấm.
Trong thư, 34 trí thức có đề cập bản ‘Tuyên cáo’ ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức và  bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ trí thức khác. Quý vị cũng nhắc tới danh xưng của “Viện Nghiên cứu Phát triển IDS” do TS Nguyễn Quang A đứng đầu. Hơn ai hết, hẳn các tác giả Thư Ngỏ cũng đã rõ về số phần của những thứ gọi là “tuyên cáo”, “Kiến nghị” và “Viện Nghiên cứu  Phát triển IDS” ra sao rồi!
Người viết những giòng này cũng chưa quên cuộc “đi đêm” giữa thứ trưởng ngoại giáo CSVN Hồ Xuân Sơn với các đồng nhiệm Trung cộng của ông ta ngày 25-6-11. Khi về nước, trong khi HXS và bộ Ngoại giao im tiếng thì chính TTX Trung cộng công khai cho biết về những cam kết “nhục nhã” của Hànội với Bắc Kinh, không ngoài ý đồ dấn sâu vào con đường bán nước! Và trí thức trong nước đã tức thời phản ứng. Ngày 02-7-2011, 18 vị trong số có những khuôn mặt quen thuộc như TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi, cựu tướng Lê Trọng Vĩnh v.v… đã viết một Kiến nghị (lại Kiến nghị!) đòi Bộ Ngoại Giao phải bạch hóa chuyến đi đêm của Hồ Xuân Sơn. Kết quả của thiện chí này đã bị Bộ Ngoại Giao cư xử “đẹp” ra sao, mời độc giả tìm đọc bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi tựa đề “Chúng Tôi Đi Gặp Bộ Ngoại Giao” trên các trang mạng hoặc trên các báo Việt ngữ trong cộng đồng Việt tị nạn ở hải ngoại, gần đây. Riêng nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, bài viết của GS Chi đã được đăng tải trên số 117 phát hành tháng 8-2011 trang 37. Hơn ai hết, chắc chắn 34 vị trí thức ký tên trong Thư Ngỏ đã rõ.
Vài mẩu chuyện thời sự
Những thực chứng rất thời sự đang diễn ra từng ngày từng giờ ngay lúc này trên đất nước cũng là những bằng cớ cụ thể cho người viết những giòng này cảm thông với tâm trạng bất bình của công luận trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại khi đọc Thư Ngỏ của một nhóm trí thức Việt Nam hải ngoại gửi các lãnh đạo CSVN.
Mẩu chuyện thứ nhất:
Sáng Thứ Năm 31-8-2011, tôi đọc được trên mạng basamnews on 31.08.2011 lá Thư Ngỏ của nhà văn Nguyễn Ngọc với nội dung nguyên văn như sau:
Thư của Nhà văn Nguyên Ngọc gửi Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị
Posted by basamnews on 31.08.2011
Đây là bức thư của tôi gửi ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chiều 25-8-2011.
Định là thư ngỏ, nhưng tôi chưa công bố ngay, mà gửi trước cho vài người bạn qua email để tham khảo ý kiến.
Không biết qua đường nào, ông Phạm Quang Nghị đã biết được thư này và tối 25-8 đã đến nhà tôi, trong khi tôi đi vắng. Sáng 26-8 ông ấy đã gọi điện thoại cho tôi, nói rằng có thể Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội “đã non nớt” trong khi phát phóng sự (về những người biểu tình).
Từ đó đến nay, tôi chưa công bố bức thư này để chờ xem Đài PT-TH Hà Nội trả lời ra sao về việc làm sai trái của họ.
Nay đã có trả lời phủi tay và vô liêm sỉ của ông Trần Gia Thái, tôi quyết định đưa bức thư ra trước công luận.
Nguyên Ngọc
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ngày 25-8-2011

Kính gửi ông Phạm Quang Nghị,
Bí thư Thành ủy Đảng Cộng Sản Việt Nam thành phố Hà Nội,
Tôi viết thư này cho ông vì ông là Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam của thành phố Hà Nội, là người lãnh đạo cao nhất của thành phố này, đương nhiên chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các tổ chức và cơ quan dưới quyền lãnh đạo của ông, không chỉ là tổ chức Đảng mà cả tổ chức và cơ quan chính quyền theo cơ chế ở nước ta hiện nay.
Tối ngày 22 tháng 8 năm 2011, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, trong chương trình thời sự hằng ngày của mình từ 18 giờ 30 đến 19 giờ, đã cho phát một phóng sự về những cuộc biểu tình và những người biểu tình ở Hà Nội trong thời gian vừa qua, mà chính ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố, đã trịnh trọng tuyên bố trong một cuộc họp báo trước đó là biểu tình yêu nước chống Trung Quốc gây hấn, đe dọa nghiêm trọng nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Vậy mà đến tối 22 tháng 8, đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã quay ngược hoàn toàn, coi các cuộc biểu tình và những người biểu tình ấy là phản động, và trong khi nói như vậy đã đồng thời đưa rõ hình ảnh ba người là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và tôi.
Thưa ông,
Tôi năm nay đã 80 tuổi. Cho đến nay, trong suốt cuộc đời 80 năm qua của tôi, chưa có ai dám vu khống và xúc phạm tôi nặng nề như đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, một cơ quan đặt dưới dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông. Ở nước ta, như chắc chắn ông biết, gọi một người là phản động cũng tức là kết tội người ấy là một tên phản quốc. Đối với tôi, đây là một sự lăng nhục cực kỳ nghiêm trọng, nhất quyết không thể tha thứ.
Đài này còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể ông cũng từng được biết, vào thời cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là đại biểu của “quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và Chính quyền Hà Nội.
Tôi xin hỏi:
1 – Thành ủy Hà Nội, đứng đầu là ông, có chủ trương và chỉ đạo việc thực hiện chương trình sai pháp luật và cực kỳ vô văn hóa này của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội không?
2 – Nếu không có chủ trương và chỉ đạo đó, mà đây chỉ là hành động “tự phát” của đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, thì ai chịu trách nhiệm về việc làm sai trái nghiêm trọng này?
Thành ủy Hà Nội sẽ xử lý những người đó như thế nào?
Bởi vì sự xúc phạm của đài Hà Nội là công khai, với toàn dân, với cả nước, cả thế giới, nên bức thư này của tôi là thư ngỏ, và tôi yêu cầu câu trả lời của ông cũng phải công khai.
Tôi và tất cả những người có lương tri yêu cầu và chờ đợi câu trả lời đó.
Trân trọng,
Nguyên Ngọc
Mẩu chuyện thứ hai:
Cũng trên mạng basamnews trước đó một ngày, nhà văn Nguyên Ngọc đã công bố bài viết ngắn sau đây:
Thôi nhé, hiểu rõ quá rồi!
Xin đọc một mẩu văn chương thánh thót của nữ nhà văn Hoàng Thu Vân trên báo Hà Nội Mới * ngày 29-8-2011 sau đây:
“Sáng chủ nhật 28-8, Hà Nội thật thanh bình, yên ả. Chớm thu, nắng và gió nhè nhẹ trải quanh hồ Hoàn Kiếm. Không còn những cuộc tuần hành, biểu tình tự phát, không còn những đám người tụ tập gây huyên náo…
 Người già chậm rãi thả bước dạo quanh hồ, trẻ em tung tăng nô đùa ở sân trước tượng đài Lý Thái Tổ, còn những đôi uyên ương thì tranh thủ chụp hình ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ bên Hồ Gươm khi mùa cưới đã về. Hơn hai tháng qua, nhiều người dân ở khu vực này nói riêng và hơn 7 triệu người Hà Nội cùng gần 90 triệu người dân Việt Nam nói chung luôn mong muốn được chứng kiến những hình ảnh bình dị như vậy về một thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, đại diện cho sự phát triển ổn định của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ…”
Rồi hôm nay, 30-8-2011, đọc mẩu tin này trích từ bài viết về việc tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa sang hội đàm với tướng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên **:
“Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”.
À ra là vậy, ông tướng Vịnh vất vả lặn lội sang tận Bắc Kinh, trịnh trọng hứa với ông tướng Tàu “sẽ kiên quyết” (tất nhiên là với nhân dân của mình) chỉ là để cho “Hà Nội thật thanh bình, yên ả. Chớm thu, nắng và gió nhè nhẹ trải quanh hồ Hoàn Kiếm …” thôi mà!
Có vậy mà các vị nhân sĩ trí thức ta cứ phản đối, kiến nghị này nọ um sùm. Thật là chẳng hiểu biết gì cả!
Thôi nhé, nay thì đã hiểu rõ quá rồi!
Nguyên Ngoc


Suy nghĩ chót:
Cũng sáng nay (Thứ Năm 31-8-11) tôi đọc được trong bài phỏng vấn của đài RFA những câu trả lời của giáo sư Lê Xuân Khoa, một trong những vị ký tên trong Thư Ngỏ. Tôi không có điều gì để thưa với GS Khoa. Chỉ xin GS và mọi người đọc kỹ lại lá thư gửi Phạm Quang Nghị và bài viết ngắn trên đây của nhà văn, nhà báo Nguyên Ngọc.
Xin lưu ý GS một chi tiết đáng suy nghĩ về nội dung lời “đoan hứa” của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng CSVN sau cuộc mật đàm với tướng Mã Hiểu Thiên của Trung cộng được nhà văn Nguyên Ngọc trích trong bài viết của ông. Lời “đoan hứa” không phải công bố năm trước hay tháng trước. Nó còn nóng hổi vì mới được công bố hôm qua, 30-8-2011.
Sau khi lập lại chi tiết này, nhà văn Nguyên Ngọc đã phát hiện điều gì khác lạ đánh động ông khi cay đắng kết thúc bài viết:
“Có vậy mà các vị nhân sĩ trí thức ta cứ phản đối, kiến nghị này nọ um sùm. Thật là chẳng hiểu biết gì cả!
Thôi nhé, nay thì đã hiểu rõ quá rồi!”
Bây giờ đến lượt những người Việt “tị nạn chính trị” chúng ta ở hải ngoại, dĩ nhiên bao gồm cả 34 tác giả Thư Ngỏ gửi lãnh đạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Liệu chúng ta có cần xét lại xem mình đã thật sự sáng mắt, sáng lòng để nhận chân được những sự thật trên quê hương chưa?
IV.- Một gợi ý chợt đến
Sau khi bài viết được gửi đi để chia sẻ với vài người bạn, một suy tư bất chợt đến với tôi qua câu hỏi: liệu các nhân sĩ, trí thức Việt Nam ở hải ngoại có cần phải có một bản Bản Lên Tiếng chính thức về tình hình đất nước trong lúc này không? Nếu cần thì nội dung và đối tượng của văn kiện này sẽ ra sao?
Thiết nghĩ sự kiện 34 nhân sĩ, trí thức vừa công bố Thư Ngỏ là một dấu chỉ cụ thể cho thấy đây quả là một nhu cầu cấp bách khi mà hiểm họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc ngày càng trở nên rõ rệt, đòi buộc mọi người, mọi giới phải quan tâm. Như thế vấn đề còn lại là xác định đối tượng và nội dung cho Bản Lên Tiếng.
Đối tượng:
Theo thiển kiến, đối tượng của Bản Lên Tiếng sẽ là toàn thể đồng bào trong và ngoài đất nước, bao gồm tất cả mọi thành phần trẻ, già, trai, gái, giàu nghèo, thuộc mọi giai tầng xã hội, kề cả đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Nội dung
Trình bày cô đọng nhưng đầy đủ và trung thực, không thiên kiến về tình hình đất nước hiện nay trên cả hai mặt nội trị (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội) và ngoại giao. Đặc biêt nhấn mạnh tới những hình thái xâm lược tinh vi và sâu độc của Trung quốc nhắm vào Việt Nam gần đây. Đưa ra những gợi ý cụ thể về những biện pháp cấp thời phải có cùng với hướng nhìn vào tương lai… giúp mở ra một vận hội mới cho dân tộc (Hẳn sẽ có thắc mắc đặt ra khi đối tượng Bản Lên Tiếng mở rộng cho cả đảng và nhà nước CSVN. Tôi thành thực nghĩ rằng vấn nạn này sẽ được giải tỏa qua nội dung văn kiện này).
Câu hỏi chót được đặt ra:
Ai, tập thể nào sẽ đứng ra đảm nhiệm việc phác thảo nội dung Bản Lên Tiếng? Về điểm này, tôi chân thành chờ đợi những đóng góp ý kiến rộng rãi của các thức giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cà những vị đã có thiện ý ký tên trong Thư Ngỏ vừa qua.

Nam California, Thứ Tư ngày cuối cùng tháng 8 –hoàn chỉnh ngày 01-9- 2011.
Trần Phong Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét