Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Kiều bào cần tiếp cận thông tin đúng

TT - Ðó là ý kiến của ông Michael Bùi - thành viên trong đoàn cán bộ báo chí kiều bào đã đến thăm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với báo Tuổi Trẻ chiều 20-9.
Đoàn báo chí kiều bào tham quan phòng truyền thống của báo Tuổi Trẻ  - Ảnh: Thanh Đạm

Tiếp đoàn báo chí kiều bào đến thăm, ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - bày tỏ niềm vui khi được trao đổi thông tin, nghiệp vụ với những lãnh đạo báo chí Việt kiều. Ðại diện báo Tuổi Trẻ đã giới thiệu với đoàn về quá trình phát triển cũng như những hoạt động sau mặt báo của báo Tuổi Trẻ trong thời gian qua.
Tổng biên tập báo TreOnline (Mỹ) - ông Michael Bùi quan tâm tới số lượng phát hành của Tuổi Trẻ có giảm so với thời điểm hoàng kim của những năm trước và đặt câu hỏi đây có phải nguyên nhân do cạnh tranh với một số tờ báo nước ngoài không. Ngoài ra, ông Michael Bùi cũng cho biết mình thường đọc và đặc biệt quan tâm đến những phóng sự, ký sự, những bài điều tra thể hiện nét riêng của Tuổi Trẻ. “Ví dụ với loạt bài Phận kiều nữ, các phóng viên phải thâm nhập vào thế giới này có được phía chính quyền tham gia ủng hộ?” - ông hỏi.
Hợp tác để giữ gìn tiếng Việt
Ông Michael Bùi - Ảnh: T.Đạm
Ông Michael Bùi: “Tôi nghĩ báo chí trong nước cần tích cực đưa thông tin, chính sách của Nhà nước hơn nữa để các kiều bào có cơ hội tiếp cận thông tin đúng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần sự hợp tác để đào tạo, giáo dục cho giới trẻ - thế hệ người Việt thứ 2, 3, 4... ở nước ngoài trong việc học tiếng Việt để giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc tốt hơn”.
Trả lời thắc mắc này, ông Tăng Hữu Phong cho rằng trong xu hướng chung, báo in gặp nhiều thách thức do giá giấy tăng, công in tăng, báo mạng phát triển..., doanh thu của Tuổi Trẻ không giảm nhưng lợi nhuận vì vậy thấp hơn so với trước. Với loạt bài Phận kiều nữ, tác nghiệp của các phóng viên là độc lập và không chịu bất cứ sự chi phối nào của chính quyền. “Tôi lấy ví dụ như vụ mãi lộ gần đây, phóng viên cũng làm điều tra độc lập và đưa ra được tất cả tư liệu, chứng cứ. Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ Công an đến làm việc và đang có hướng xử lý kỷ luật các cán bộ sai phạm. Chúng tôi làm việc độc lập nhưng cũng phải tuân theo quy trình, quy định hoạt động của Luật báo chí” - ông Tăng Hữu Phong chia sẻ.
Trả lời một số câu hỏi về câu chuyện làm báo ở Việt Nam, ông Tăng Hữu Phong nhấn mạnh: “Mục tiêu tối thượng của chúng tôi - người làm báo - là phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân và chúng tôi phải đi cùng với mục tiêu của quốc gia, của dân tộc. Chúng tôi vẫn phản ánh những mặt trái của xã hội, những chính sách chưa hoàn chỉnh... nhằm xây dựng và đưa đất nước phát triển”.
Ông Michael Bùi chia sẻ thêm: “Qua lần tham quan, tìm hiểu một số tòa soạn báo chí tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các nhà báo đang hoạt động rất chuyên nghiệp, độc lập và tự do trong nghề nghiệp của mình. Ðây cũng là dịp để chúng tôi, những người làm báo ở hải ngoại, hiểu rõ hơn về báo chí trong nước. Ngoài hoạt động nghề nghiệp, các tờ báo tại Việt Nam còn hoạt động sau mặt báo, làm từ thiện rất nhiều. Chúng tôi còn phải học hỏi nhiều từ các bạn. Sau chuyến đi này, tôi muốn gửi gắm đến các độc giả trẻ của báo tôi và những bà con Việt kiều rằng xã hội, đất nước Việt Nam giờ đây rất phát triển. Truyền thông tại Việt Nam cũng phát triển cao và tôi rất ấn tượng về điều này”.
Cuối buổi gặp gỡ, ông Ðặng Trần Phong - phó vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) - bày tỏ những tác động tích cực khi kiều bào được tiếp cận nhiều thông tin hơn qua những buổi gặp gỡ thế này, tạo điều kiện để kiều bào thêm gắn bó, hướng về Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước.   
ĐỨC TUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét