|
Lê Anh Dũng |
Dũng chọn toán học lý thuyết để theo đuổi và thần tượng của em là GS Ngô Bảo Châu – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Fields.
Vốn là cựu học sinh THCS chuyên Hà Nội Amsterdam, Dũng rời Việt Nam để theo học tại Séc vào năm 2006. Kế hoạch tham dự Olympic Toán quốc tế đã được Dũng "lên giây cót" từ trước đó 2-3 năm.
“Việc chinh phục” mỗi bài toán khó đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Em đang cố gắng rèn luyện tính kiên trì hơn nữa, vì càng học lên cao, mức độ khó càng tăng. Em nghĩ rằng sự nỗ lực, chủ động vươn lên trong học tập là nhân tố quyết định thành công” – Dũng kể.
Khi gặp những bài toán khó, Dũng thường phải bỏ nhiều thời gian để suy nghĩ, thậm chí việc theo đuổi một bài toán khó có khi khiến tâm trạng Dũng bứt rứt khôn nguôi, bất cứ lúc nào bài toán cũng ẩn hiện trong đầu em: lúc ăn cơm, đi siêu thị, trên đường đi học…
Thời gian học của Lê Anh Dũng chiếm khoảng 70% thời gian trong ngày, chủ yếu là tự tìm sách để đọc và học.
Bảng thành tích của Lê Anh Dũng: Huy chương bạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 52 tại Hà Lan (12/7 – 24/7/2011); giải nhất kỳ thi Olympic Toán lần thứ 60 tại CH Séc (27/3 – 30/3/2011). |
Trong 10 lần tham gia trại Toán học, Dũng được tiếp cận những bài giảng về Toán do nhiều GS đầu ngành về Toán giảng.
Tính đến nay, Lê Anh Dũng là học sinh gốc Việt thứ hai mang Huy chương Olympic Toán quốc tế về cho Cộng hòa Séc. Trước khi trở về Việt Nam, Tòa thị chính thành phố Tachov đã tổ chức lễ chào mừng thành tích của Lê Anh Dũng.
Ông Ladislav Macák, Thị trưởng thành phố Tachov, Cộng hòa Séc cho rằng, đây là thành tích cao nhất mà một học sinh ở Tachov đã từng giành được.
Năm năm sau khi rời Việt Nam, lần trở về này đối với Lê Anh Dũng (học sinh trường chuyên Gymnazium Tachov, CH Séc) thật khó quên.
Chia sẻ về kết quả đạt được, Dũng luôn nhắc tới bà nội, người đã chăm sóc em từ tấm bé. “Em rất vui vì đã mang lại niềm tự hào cho gia đình, đặc biệt là bà nội em ở quê, người đã chăm sóc em từ khi còn nhỏ” – Dũng cho hay.
Dũng cho biết: “Ở Việt Nam, các bạn còn tập trung nhiều vào mục tiêu thi đỗ đại học hơn là vào đội tuyển thi Olympic quốc tế. Qua báo chí, em cũng biết thành tích của đội Olympic Toán Việt Nam đi xuống. Là một người yêu Toán em mong muốn môi trường học toán ở Việt Nam, tiến tới là môi trường nghiên cứu về Toán sẽ phát triển tới mức có thể giúp những người theo đuổi lĩnh vực này có thể sống bằng đồng lương, không phải chuyển sang làm kinh tế. Bằng cách này hay cách khác, em vẫn luôn hướng về quê nhà”.
Theo báo Tin tức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét