Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

"Gặp nhau cuối năm" Berlin 2010

Nhân dịp Lễ Giáng Sinh 2010 và đón mừng Xuân Tân Mão, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam, trường Âm nhạc KH Musikschule Berlin, Công ty tổ chức sự kiện iFriends
phối hợp cùng Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã tổ chức tại Berlin một chương trình Live Show Hài đặc biệt “Gặp nhau cuối năm - Berlin 2010”.

Tối ngày 25.12 tại nhà hát Admiralspalast, chương trình Gặp Nhau Cuối Năm đã ra mắt kiều bào Việt Nam lần đầu tiên tại Berlin. “Gặp nhau cuối năm” của VTV là một chương trình hài đặc biệt, một món ăn tinh thần không thể thiếu tại Việt Nam và cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Gặp nhau cuối năm từ lâu đã là một thương hiệu với sự tham gia của các danh hài nổi tiếng trong nước, mang lại tiếng cười vui tươi sảng khoái nhưng rất sâu sắc cho mọi người.

Đến với chương trình này ngoài sự góp mặt của vợ chồng Chí Trung – Ngọc Huyền, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung còn có cả sự góp mặt của Quốc Khánh, Quang Thắng, ca sỹ Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Mỹ Dung và Hoàng Hải. Ban tổ chức của chương trình cho biết việc mời những nghệ sỹ nổi tiếng này qua Berlin biểu diễn không hề đơn giản chút nào, bởi vì hiện nay các công ty chuyên tổ chức sự kiện lớn tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn khi “săn” diễn viên hài để phục vụ các chương trình cuối năm, nhưng rồi mọi thứ vẫn „thuận buồm xuôi gió“ để phục vụ cho bà con kiều bào ở Berlin. Theo thông báo của ban tổ chức thì vé bán cho buổi biểu diễn tối nay đã bị „cháy“, với số lượng 1700 vé đã không thể đáp ứng được hết nhu cầu của hơn 2000 người mua, điều đó chứng tỏ được sự thành công của chương trình.

Gặp nhau cuối năm – Berlin 2010 không đơn thuần là một buổi biểu diễn hài bình thường đem lại cho khán giả những nụ cười, đây là chương trình được xem là đặc biệt và công phu nhất từ trước đến nay bởi quá trình chuẩn bị rất cầu kì vì đây là chương trình chính thức của Đài truyền hình Việt Nam nên được tổ chức rất chu đáo và nghiêm túc, đúng với các quy định của Nhà nước Việt Nam và nước sở tại. Gặp Nhau Cuối Năm – Berlin 2010 là một kịch bản riêng được dành riêng cho cộng đồng người Việt sống ở Đức, ngoài việc miêu tả lại thành công những nỗi khó khăn và vất vả của người Việt ở bên này, các nghệ sỹ cũng đã dàn dựng được một bức tranh Việt Nam thật đẹp giữa lòng nước Đức khi kể về những phát triển vượt bậc như ở Đức ngày càng có nhiều hội đồng hương Việt Nam với tấm lòng „lá lành đùm lá rách“ đã cùng hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn cuộc sống ở xứ người hay tinh thần học tập của các em học sinh Việt Nam đã vượt mặt người Đức khiến báo chí Đức không tiếc lời viết về „hiện tượng Việt Nam tại Đức“ và khen ngợi trí tuệ của học sinh Việt Nam.

Với thông điệp „hòa nhập nhưng không hòa tan“, Gặp Nhau Cuối Năm – Berlin 2010 đã mang tới cho khán giả những trận cười sảng khoái, những phút giây được „thả lòng“ lòng mình để lắng nghe những bài hát hay về quê hương và những vở hài mang những thông điệp với tính giáo dục cao.

Gặp Nhau Cuối Năm – Berlin 2010 đã trở thành một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa dành cho cộng đồng người Việt tại Berlin nhân mùa lễ Giáng sinh và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của cộng đồng Việt Nam tại Berlin. Có thể nói buổi biểu diễn này đã đánh dấu sự thành công tuyệt đỉnh của „Gặp Nhau Cuối Năm – Berlin 2010“. Khi đêm ca nhạc - hài kết thúc, khán giả ra về với những lời truyền nhau „hay quá“ mà có lẽ bất kì những người làm chương trình nào cũng thấy thật ấm lòng.
  Bài viết: Hoàng Yến Anh, www.tapchihuongviet.de
 Chùm ảnh Gặp nhau cuối năm – Berlin 2010 qua ống kính nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Lê Chương.
    
http://tapchihuongviet.de/web-Bilder/gncn_berlin/tapchihuongviet_gncn_001.jpg
 
http://tapchihuongviet.de/web-Bilder/gncn_berlin/tapchihuongviet_gncn_001.jpg
 
http://tapchihuongviet.de/web-Bilder/gncn_berlin/tapchihuongviet_gncn_001.jpg
 
http://tapchihuongviet.de/web-Bilder/gncn_berlin/tapchihuongviet_gncn_007.jpg
 
http://tapchihuongviet.de/web-Bilder/gncn_berlin/tapchihuongviet_gncn_008.jpg
 
   
 
 
 

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

VIỆT KIỀU THÁI LAN LUÔN GHI NHỚ VÀ THỰC HIỆN LỜI BÁC

VIỆT KIỀU THÁI LAN LUÔN GHI NHỚ VÀ THỰC HIỆN
LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ KÍNH YÊU
(Bài phát biểu của Ông Bùi Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Thành phố Hà Nội)

Kính thưa:
-         Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQVN
-         Các đồng chí lãnh đạo TP. Hải Phòng và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
-         Các quý vị đại biểu và toàn thể bà con kiều bào thân mến

Đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào lần thứ 2. Ngày 21-3-1946, chúng tiến hành cuộc thảm sát đẫm máu hơn 2 ngàn Việt Kiều và nhân dân Lào ở Thị xã Thà Khẹc - Tỉnh Khăm Muộn. Thấm nhuần lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” khoảng 6 vạn Việt Kiều ở Lào đã di chuyển sang Thái Lan, bỏ lại toàn bộ tài sản, nhà cửa, cùng với gần 4 vạn Việt Kiều ở Thái Lan từ trước xây dựng khối đoàn kết, nung nấu lòng căm thù sâu sắc giặc Pháp dã man, tàn bạo, tiếp tục củng cố lực lượng, xây dựng những đơn vị vũ trang sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và 2 nước bạn Lào, Campuchia.
Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Kiều Thái Lan đã tổ chức và đưa về Nam Bộ, sang Lào, Campuchia hơn 6 ngàn cán bộ, chiến sĩ. Riêng về Nam Bộ 4 đơn vị được trang bị vũ khí đầy đủ với tổng quân số là 926 người.
Sau 47 năm, ngày 23-9-1993, nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ của 4 đơn vị này có dịp họp mặt tại TP. Hồ Chí Minh, điểm lại những người còn sống là 125 (13,5%). Từ đó đến nay đã 17 năm trôi qua, liệu còn bao nhiêu người? Việt kiều Thái Lan là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho chiến trường Lào, Campuchia trong kháng chiến chống Pháp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 20-7-1954 Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền. Chính quyền Thái Lan lúc đó muốn cưỡng ép Việt Kiều về miền Nam Việt Nam. Kiều bào đã đoàn kết, đấu tranh đòi về miền Bắc. Chính quyền Thái Lan buộc phải nhượng bộ. Chỉ một thời gian ngắn đã có 70.042 người đăng ký hồi hương về miền Bắc Việt Nam.
Chuyến tàu đầu tiên chở 922 Việt Kiều ở Thái Lan rời Cảng Khoong Tơi - Thái Lan và cập bến Hải Phòng ngày 10-01-1960. Đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên BCHTW Đảng, Trưởng Ban Việt Kiều TW cùng với các đồng chí Dương Bạch Mai - Đại diện UBTƯMTTQ Việt Nam, Nguyễn Văn Thủ - Đại diện Hội Hồng Thập tự Việt Nam, Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBHC Thành phố Hà Nội, Hoàng Hữu Nhân - Đại diện Thành ủy và UBHC Thành phố Hải Phòng, Tô Quang Đẩu - Đại diện Bộ Nội vụ và hơn 1 vạn nhân dân Hải Phòng đã nồng nhiệt đón mừng kiều bào.
Đúng 9 gờ 15 phút, Bác Hồ đã đến. Tiếng hoan hô vang dội. Mọi người đều vui mừng, xúc động, tự hào. Bác đứng nói chuyện với kiều bào:
“…Đã bao năm, kiều bào ta ở đất khách quê người, luôn hướng về Tổ quốc. Ngày nay, kiều bào ta sung sướng trở về xứ sở, Đảng và Chính phủ tin chắc rằng kiều bào sẽ vui vẻ cùng đồng bào cả miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi, xây dựng chủ nghĩa xã hội…”
Những chuyến tàu về sau không được may mắn đó, vì Bác bận nhiều công việc, nhưng tất cả đều được đọc, được nghe lại những lời thăm hỏi, động viên, căn dặn của Bác đối với kiều bào.
Một số kiều bào về chuyến đầu tiên được cư trú ở Hà Nội và Hải Phòng còn có may mắn hơn là Tết Nguyên đán năm 1960 được vào thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Những người hạnh phúc nhất là mẹ con cô Luân và mẹ con cô May, được ngồi gần Bác. (Nay hai cô đã ngoài 80 tuổi).
Trong hồi ký của mình, bà Luân viết: “Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ từng người, bốn cháu nhỏ Bác hỏi từng cháu học lớp mấy”.
Con bà Luân là chị Nguyễn Thị Liên Hiệp, nay là cán bộ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con bà May là anh Lê Bá Đông, cán bộ Bộ Ngoại giao.
Trong thời gian từ đầu năm 1960 đến tháng 8-1964 đã có 75 chuyến tàu đưa 45.536 Việt kiều Thái Lan hồi hương. Sau sự kiện 05-8-1964 đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, dùng máy bay, tàu chiến, thủy lôi phong toả vùng biển nước ta nên việc hồi hương của Việt kiều phải đình hoãn.
Nếu tính cả số người đã về tham gia kháng chiến thì Việt kiều Thái Lan có hơn 5 vạn người. Có hai người nguyên là Ủy viên BCHTW Đảng: Phạm Văn Xô (Lão thành cánh mạng, Huân chương Sao Vàng) và Phan Thu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Trong quân đội, tất cả các quân binh chủng đều có Việt kiều Thái Lan. Hàng chục tướng lĩnh, trong đó có 4 Trung tướng: Nguyễn Chánh, Phan Thu, Dương Cự Tẩm, Nguyễn Như Văn. Sáu người được tuyên dương Anh hùng: Trần Thành, Lê Hồng Kỳ, Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương… và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lãnh. Có gia đình 6 anh em ruột cùng vào quân đội: Bùi Văn Ý, Bùi Khánh Cân, Bùi Trọng Đông, Bùi Văn Thanh, Bùi Văn Tân, Bùi Văn Phương. Trong ngành Công an: có gia đình 4 anh em cùng con trai, con gái, con rể đều tham gia (Đại tá An ninh Vũ Văn Nhân). Ngành Ngoại giao: có nhiều người là Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở các nước (Nguyễn Văn Hồng, Phạm Văn Thuyên, Lê Mai, Nguyễn Song Tùng, Bùi Văn Thanh, Phạm Văn Toàn, Nguyễn Văn Phẩm, Vũ Hữu Bỉnh). Có gia đình 3 thế hệ làm ngoại giao (Ông bà Nguyễn Song Tùng - Hoàng Thị Lam cùng con trai, con gái, con rể, và cháu ngoại).
Ông Lê Đình Long ở 75 Phố Khâm Thiên - Hà Nội đưa cả 11 người con về nước đều tham gia công tác trong các cơ quan của Nhà nước.
Gia đình cụ Phan Hữu Hào (đã mất 1973) và cụ bà Từ Thị Sở, nay đã 109 tuổi, có 9 người con:
1.    Đại tá Phan Hữu Đào - Phó Cục trưởng Cục Quân y
2.    Đại tá Phan Hữu Tiên - Chuyên gia Quân sự VN giúp Lào
3.    Phan Thị Chất - Cán bộ Viện Khoa học Xã hội
4.    Trung tướng Phan Thu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
5.    Đại tá Phan Hữu Hùng - Chuyên gia Quân sự VN giúp Lào
6.    Phan Thị Vi Thuyên - Kỹ sư Viện Hoá học
7.    PGS-TS. Phan Thị Thu Anh - Chủ nhiệm Khoa, Trường Đại học Y Hà Nội
8.    Phan Hữu Cường - Kỹ sư Giao thông
9.    Phan Thị Thu Hương - Vụ trưởng GD-MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Còn nhiều gia đình và cá nhân tiêu biểu chưa có điều kiện thống kê và nêu đầy đủ được, rất mong được sự thông cảm và lượng thứ.
Thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi là những người Việt Nam ở nước ngoài đã về tham gia công cuộc kháng chiến, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, như Bác Hồ hằng mong muốn. Thay mặt toàn thể các thế hệ Việt Kiều đã hồi hương, xin hứa luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ đã căn dặn khi Người ra đón kiều bào hồi hương chuyến đầu tiên tại Cảng Hải Phòng ngày 10-01-1960, để đáp lại công ơn và tình thương yêu của Đảng, của Bác, của Chính phủ và nhân dân cả nước, cũng như nhân dân Thành phố Hải Phòng, nơi mà chúng tôi đặt bước chân đầu tiên khi trở về đất mẹ, đã tạo mọi thuận lợi để chúng tôi làm tròn nghĩa vụ người công dân đối với Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Xin kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn.

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

thongtinkieubao: "Gặp nhau cuối năm” tại WarszawaTrước hết phải côn...

thongtinkieubao: "Gặp nhau cuối năm” tại WarszawaTrước hết phải côn...: "'Gặp nhau cuối năm” tại WarszawaTrước hết phải công nhận, dù với bất cứ mục đích nào thì việc tổ chức đưa đoàn nghệ sĩ thuộc Đài Truyền..."

thongtinkieubao: MỞ NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM GIAO THÔNG TRÊN CỬA...

thongtinkieubao:
MỞ NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM GIAO THÔNG TRÊN CỬA...
: "MỞ NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM GIAO THÔNG TRÊN CỬA KHẨU TRỌNG ĐIỂM CỦA HÀNH LANG PHÍA TÂY TRƯỜNG SƠN (8/1968 - 7/1969)Trong tình thế kh..."

thongtinkieubao: Đoàn nghệ sĩ VN được biên phòng "hâm mộ" giữ lại l...

thongtinkieubao: Đoàn nghệ sĩ VN được biên phòng "hâm mộ" giữ lại l...: "Đoàn nghệ sĩ VN được biên phòng 'hâm mộ' giữ lại làm người ra cuối cùng ở sân bay Warszawa Đại diện Ban tổ chức và các nghệ sĩ tạ..."

"Gặp nhau cuối năm” tại Warszawa

Trước hết phải công nhận, dù với bất cứ mục đích nào thì việc tổ chức đưa đoàn nghệ sĩ thuộc Đài Truyền hình Việt Nam sang Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung biểu diễn nghệ thuật phục vụ kiều bào những ngày cuối năm là điều rất đáng được trân trọng, ghi nhận ý tuởng và công sức của người tổ chức.
Tuy nhiên, nhìn lại đêm biểu diễn ca nhạc và hài kịch của đoàn nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ ưu tú đêm 23/12 vừa qua nhận thấy có nhiều điều mà tất cả mọi người, từ nhà tổ chức, các nghệ sĩ cho đến khán giả đều có thể làm "cuộc cách mạng” nho nhỏ để lần sau, những cuộc vui, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật được trọn vẹn hơn và mang lại ấn tượng đúng tầm hơn.
Photobucket

Gần 20h, các nghệ sĩ hình như vẫn còn luyện tập bên trong nên khán giả chưa được vào
Buổi tối hôm diễn ra buổi ca nhạc và hài kịch do nhiều lí do khác nhau mà bà con Việt kiều ở Ba Lan đi xem biểu diễn rất đông, gần như chật kín cả sala kongresowa rộng lớn, có sức chứa hàng nghìn người. Nhiều người đã từ các thành phố xa xôi cách Warszawa thậm chí đến 600 km cũng phóng xe trong điều kiện đường sá băng tuyết nguy hiểm về thủ đô cũng chỉ vì muốn được trực tiếp nhìn thấy những nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt mà là thần tượng của mình bao lâu trên TV.

Trên vé ghi buổi biểu diễn bắt đầu từ 19h, thế nhưng gần 20h khán giả đứng đông đặc bên ngoài mới được vào khu vực biểu diễn, bởi nghe đâu do phải "cập nhật” thêm các chi tiết liên quan đến đời sống cộng đồng Việt ở Ba Lan vào các tiết mục nên chương trình chưa thể bắt đầu. Phần lớn khán giả ổn định chỗ ngồi rồi nhưng trên sân khấu vốn dĩ thiếu vắng một sự trang trí dù bé nhỏ nhất cho một đêm biểu diễn nghệ thuật trong không khí mùa Giáng sinh, mang tầm quốc gia vẫn im hơi lặng tiếng, vắng vẻ mông lung.
Khoảng 20h30’ mới có tiếng loa từ cõi xa xăm vọng ra yêu cầu khán giả ổn định chỗ ngồi, để chương trình ca nhạc và hài kịch đặc biệt… chuẩn bị bắt đầu. Và đúng 15 phút sau, tức là 20h45’ thì cuối cùng nghệ sĩ đầu tiên Xuân Bắc cũng mới  xuất hiện trong sự chào đón nồng nhiệt và dễ tính của bà con người Việt ở Ba Lan.
Photobucket

Tranh thủ lúc nghỉ, Xuân Bắc "cập nhật" thêm chi tiết ở "hộp đêm"  Sophia?
Không biết có phải do bản chất hài hước nơi Xuân Bắc, hay mặc nhiên nhìn nhận văn hóa  "giờ cao su” của người Việt nói chung và cộng đồng bà con nơi đây nói riêng là điều đương nhiên nên thay bằng đưa ra lời xin lỗi về sự bắt đầu muộn màng thì anh "dọa” sẽ đưa ra những tiết mục diễn xuất cực kì xuất sắc, và nếu khán giả còn vỗ tay thì các nghệ sĩ còn thể hiện.
Cũng phải công nhận các tiết mục biểu diễn, ca hát  sau đó của các nghệ sĩ khá thành công khiến khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng.

Ca sĩ Thanh Thanh Hiền với giọng hát "từng trải” thiết tha gợi lên hình ảnh quê hương đất nước cũng làm nhiều người bồi hồi, những kỉ niệm năm nao chợt ồ ạt tràn về. Với cách xưng hô "em em" trong lúc ca hát,  khán giả dễ liên tưởng nữ ca sĩ đến những vở hài chèo mà chị đóng cùng Xuân Hinh.
Photobucket

Nghệ sĩ đẹp trai, biểu diễn vui nhộn khiến trẻ em đổ xô lên sát  sân khấu chiêm ngưỡng kiểu tóc của anh.
Ca sĩ trẻ Hoàng Hải với chất giọng trẻ, khỏe thể hiện khá thành công những bài hát về chủ đề Giáng sinh, người  mở đầu đêm biểu diễn đã hoàn toàn đánh tan cảm giác đợi chờ sốt ruột của khán giả. Các cháu nhỏ đã đổ xô lên sát sân khấu để chiêm ngưỡng kiểu tóc dựng ngược như thổ dân da đỏ của anh.
Photobucket

Xa xa mờ ảo, nhưng... giọng hát của Mỹ Dung đẹp một cách mê hoặc.
Một ca sĩ khác, ca sĩ trẻ Mỹ Dung với những trang phục khá "nóng” lúc trắng toát, lúc đỏ rực và giọng ca thể hiện qua một loạt bài hát với các cung bậc tình cảm khác nhau vẻ như chinh phục hoàn toàn người xem. Khi chị xuất hiện bất ngờ từ trên đi xuống làm nhiều người "phát cuồng”, đặc biệt là các cháu nhỏ. Chúng bu kín chị, khiến chị phải la ré lên và nhắc các cháu nhỏ không được đụng vào chỗ "nhạy cảm”. Lũ trẻ vẻ như ở trường tiếng Việt Lạc Long Quân - Warszawa chưa được học từ này nên nghệt mặt ra giây lát rồi lại lăn xả vào xin chữ kí.
Tiết mục hài về chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do các nghệ sĩ Chí Trung, Ngọc Huyền và Thành Trung đóng rất đạt, khiến khán giả vỗ tay nồng nhiệt dù cốt chuyện vẻ như không quá sâu sắc. Có chăng kết thúc tiết mục là câu nói của "trưởng thôn” Chí Trung: "Cứ giả mãi có khi đói” vẻ như nhắn gửi điều gì đó.
Photobucket

Quang Thắng và Vân Dung trong vai Táo làm quán và Táo cần sa từ Ba Lan.
Nhưng có lẽ tiết mục hài về các Táo Quân và Ngọc Hoàng với sự tham gia của các nghệ sĩ Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long… sau khi đã lồng nhiều sự kiện, hình ảnh của cộng đồng Việt ở Ba Lan qua vai Táo Cộng đồng do Quang Thắng và Vân Dung đóng được bà con nơi đây phấn khích nhất.
Các nghệ sĩ đã cố gắng khắc họa thành công "rõ nét hình ảnh” cộng đồng Việt ở Ba Lan qua nghề "lắc chảo” và "trồng cỏ” một cách rất tài tình hài hước, dù nhiều người Việt ở Ba Lan cho rằng, điều đó không hoàn toàn thể hiện đúng hình ảnh cộng đồng Việt tại đây.

Thanh Hà (Vietinfo)

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010


MỞ NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM GIAO THÔNG TRÊN CỬA KHẨU TRỌNG ĐIỂM CỦA HÀNH LANG PHÍA TÂY TRƯỜNG SƠN (8/1968 - 7/1969)
Trong tình thế khó khăn của chiến trường sau Tết Mậu Thân, thời điểm cuối 1968 đầu 1969, việc tăng cường lực lượng và vật chất vào chiến trường là một công việc rất quan trọng. Bộ Tổng tham mưu điều 2 trung đoàn, 12 tiểu đoàn, 6 đại đội công binh vào tây nam Quân khu 4 cùng Đoàn 559 mở “đường 20 tháng 7” từ ngã ba Thạch Bàn đến đường 9 và mở thêm nhiều đường vòng tránh. Đồng thời Đoàn 500 thuộc Bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Đôn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông phía nam Quân khu 4, tổ chức đưa hàng vượt cửa khẩu từ đường 12 đến Na Tông, từ đường 20 đến Phu La Nhích (ở phía tây) tạo điều kiện cho Đoàn 559 tập trung vận chuyển vào phía trong.
Ngày 11 tháng 9 năm 1968, Trung đoàn 83 được Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ: chuẩn bị làm đường 8, khôi phục đường 12, bảo đảm giao thông phía bắc tuyến giao thông Bắc – Nam ở phía tây Trường Sơn. Để bảo đảm nhiệm vụ, trên điều tiểu đoàn tân binh có phiên hiệu 3037 gồm 535 đồng chí phối thuộc Trung đoàn 83.
Thường vụ Đảng ủy và ban chỉ huy Trung đoàn quyết định cho bộ đội dừng chân nghỉ ngơi ở Trạm 17B (binh trạm 12, Đoàn 559) từ ngày 12 tháng 9 đến 19 tháng 9 để ổn định tổ chức, cải thiện sức khoẻ cho bộ đội và đón đoàn thu dung của đồng chí Cơ, trước khi bước vào nhiệm vụ mới.
Ngày 17 tháng 9, Trung đoàn trưởng Phạm Việt Cường cùng một số cán bộ và tiểu đoàn 3037 đi trước, chuẩn bị để đón trung đoàn làm nhiệm vụ phía tây Trường Sơn.
Ngày 21 tháng 9, đoàn tiền trạm đến binh trạm 31 (thuộc Đoàn 559) tại bản Na Tông, huyện Lăng Khằng, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Qua tìm hiểu thực tế, bộ phận tiền trạm thấy đường 12A bỏ từ lâu, hỏng nặng, nhiều thổ phỉ hoạt động, không có điều kiện để triển khai toàn trung đoàn, nên quyết định làm đường 12B trước. Do đó, Trung đoàn khần trương tổ chức khảo sát, phát tuyến làm gấp đường gùi thồ để tiểu đoàn 3037 gùi gạo “lót ổ” trên tuyến 12B.
Ngày 27 tháng 9, Trung đoàn triển khai đội hình để thực hiện nhiệm vụ.
Đường 12B nằm trong địa bàn tỉnh Khăm Muộn (Trung Lào). Khăm Muộn trước đây vốn là hang ổ của quân ngụy Lào. Thời tiết nơi đây chia làm hai mùa khá rõ. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trời nắng nóng, nhiều con suối cạn khô. Mùa mưa từ tháng 4 đến cuối năm, mưa liên miên, nước sông Sê Băng Phai dâng tràn các con đường, giao thông bị ách tắc.
Dọc đường 12A, đường 8, máy bay địch thường xuyên tring sát và rải “cây nhiệt đới”, mìn lá, mìn cánh dơi, mìn clôrát-phuy-minát thủy ngân… để theo dõi và hạn chế sự hoạt động của ta. Đồng thời, chúng tung nhiều toán phỉ về quấy rối và do thám. Dân ở đây thưa thớt, nghèo nhưng chất phác, và rất quý bộ đội Việt Nam.
Ngày 30 tháng 9, Trung đoàn khởi công làm đường 12B. Nhờ bước chuẩn bị chu đáo, có lương thực sẵn, khí tài đủ, nên ngày 4 tháng 10, chỉ sau mấy ngày lao động, Trung đoàn đã nâng cấp đường gùi thồ thành con đường tạm cho ô tô một làn có thể chạy qua để chở gạo, hàng.
Ngày 10 tháng 10, đoàn Lằng Khằng – Pha Nốp trên đường 12B, dài 12km được mở rộng theo tiêu chuẩn. Đồng thời Trung đoàn tiến hành khảo sát đường 12A (đoạn Seng Phan – Na Kay). Song song với công việc làm đường, Trung đoàn tiến hành tổng kết giai đoạn làm đường trong chiến dịch Khe Sanh - đường 9, sắp xếp lại biên chế, tăng cường cán bộ sang tiểu đoàn tân binh 3037, lập hậu cứ tăng gia, xây dựng nơi ăn ở đàng hoàng và tiến hành tăng gia, lập trạm xá, quan hệ với địa phương (tỉnh Khăm Muộn)…
Trung đoàn đựơc chính quyền Khăm Muộn ủng hộ. Các bản Lào sẵn sàng di dân đi nơi khác nếu tuyến đường chạy qua mà không đòi hỏi bồi thường. Các bạn Lào nói: cách mạng Việt Nam cũng là cách mạng Lào. Hai nước chung một kẻ thù, nên giúp Việt Nam là nghĩa vụ.
Ngày 14 tháng 10, Trung đoàn chuyển sang làm đường 12A (đoạn Seng Phan – Na Kay). Các tiểu đoàn lợi dụng các động núi đá gần đường để trú quân. Trung đoàn bộ ở động đá Na Xốc.
Ngày 15 tháng 11, đoạn đường Seng Phan – Na Kay dài 93 km hoàn thành. Thời gian này Trung đoàn giữ được bí mật nên trong quá trình làm đường, máy bay địch không đến đánh phá.
Trung đoàn tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Do điều kiện và tổ chức cuộc sống khá, nên sức khoẻ bộ đội tốt. Đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Tờ tin “Sông Mã” ra đều, phát đến từng đại đội, nên anh em rất phấn khởi. Tiểu đoàn nào cũng có lò rèn, tự sửa chữa và sản xuất nhiều công cụ cải tiến.
Sau khi làm xong đường 12A, ngày 25 tháng 11 năm 1968 Trung đoàn chuyển sang làm đường 83A, từ Phồn Mương Soi nối vào đường 12B, dài 21km và ngày 22 tháng 12 hoàn thành.
Ngày 27 tháng 11, Bộ Tổng tham mưu quyết định: Trung đoàn 83 phối thuộc Bộ Tư lệnh 500, nhiệm vụ là mở một số đường mới và bảo đảm giao thông ở trọng điểm vượt khẩu (từ Việt Nam sang Lào), trước mắt là làm đường 83B, đảm bảo phải xong trước mùa mưa. Ngày 8 tháng 1 năm 1969, đường 83B dài 15km hoàn thành.
Làm xong đường 83B ngày 8 tháng 1 năm 1969 Trung đoàn bàn giao tiểu đoàn tân binh 3037 cho binh trạm 28. Như vậy Trung đoàn lại chỉ còn 2 tiểu đoàn.
Ngày 16 tháng 1 năm 1969, Trung đoàn nhận nhiệm vụ làm đường 83C dài 37km. Tuyến đường này bắt đầu từ đường 12A, vượt ngầm Ka Cham, vắt qua ngọn núi Pha Khăm Ken, về Ka Vát.
Ngọn núi Pha Khăm Ken khá cao, toàn đá, do vậy muốn mở đường qua đó, cần nhiều bộc phá. Trung đoàn yêu cầu nhiều lần, nhưng do khó khăn về thuốc nổ nên vẫn không được cấp trên đáp ứng. Trước tình hình đó, Đảng ủy trung đoàn kêu gọi sự quyết tâm của toàn trung đoàn và phát động trí tuệ quần chúng. Nhiều sáng kiến như tạo xẻng có máng (xúc - kéo - hất), tạo ky trượt, làm “cần cẩu bay”, làm băng trượt đá, làm đường goòng bằng gỗ để vận chuyển… được sử dụng. Anh em còn tìm bom chưa nổ, tháo ngòi nổ, moi thuốc làm bộc phá, tính toán cho nổ liên hoàn, hất đá ra đúng chỗ cần (kết hợp hai việc cùng một lúc: hạ thấp và nâng cao, tạo hiệu quả lớn).
Nhờ vậy, ngày 14 tháng 2 năm 1969, Trung đoàn không chỉ làm xong 37 km mà còn vượt thêm 20 km ngoài kế hoạch.
Nhìn con đường có đoạn vắt giữa hai vách núi đá cao, rộng 6 mét, ô tô đi lại thoải mái, đơn vị bạn khi nhận bàn giao, đã không khỏi khâm phục mà thốt lên: Trung đoàn 83 thật sáng tạo!
Trước đây, đến mùa mưa là các đơn vị ở khu vực phía trong Ka Vát phải rút ra ngoài, vì không có đường tiếp tế, nay nhờ con đường 83C nên việc tiếp tế vẫn bảo đảm, bộ đội không phải rút ra khi mùa mưa đến.
Ngày 25 tháng 2 năm 1969, Trung đoàn hoàn thành con đường Phôn Hin Hê - Huội Sa Mai dài 26 km.
Ngày 15 tháng 3, Trung đoàn hoàn thành tiếp con đường Na Kay – Kha Na dài 45 km.
Trong nhiệm vụ làm đường ở giai đoạn này, Trung đoàn có rất nhiều sáng kiến, có sáng kiến giá trị, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ vận chuyển hàng, lương thực cho chiến trường. Sáng kiến làm đường trượt Phu Ắc là một sáng kiến đáng ghi nhớ.
Phu Ắc (còn gọi là Phu AK – có nghĩa là núi AK) là cao nguyên thuộc tỉnh Khăm Muộn, tiếp giáp với huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Đỉnh cao nguyên so với chân cao nguyên cao 600 mét. Đoạn đường từ đỉnh cao nguyên đi xuống có độ dốc dọc, dốc ngang lớn, sườn núi lắm “chân chim”, tạo thành nhiều cua gấp. Nhiều đoạn vách núi dựng trên khe thẳm. Con đường này đã bỏ, bị mưa xói lở và máy bay địch đánh phá, nên hỏng nặng, nhiều đoạn không còn hình thù đường.
Đầu tháng 3 năm 1969, ta đã tập kết được một số lương thực trên đỉnh Phu Ắc; dưới chân núi rất nhiều ô tô chờ lương thực, nhưng rất khó chuyển gạo xuống chân núi.
Tháng 3 năm 1969, Trung đoàn nhận được lệnh khôi phục đoạn đường 8 dọc trên dãy núi Phu Ắc và nối vào đường 12A dưới chân Phu Ắc để chuyển gấp ba nghìn tấn gạo cho chiến trường phía trong.
Trung đoàn nghiên cứu thấy rằng, nếu khôi phục đường cũ, khối lượng lớn, phải mất nhiều bộc phá, thi công khó; khi khôi phục xong, đường lại trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Làm thế nào để tạo được tuyến vận chuyển ngắn, kín, dễ làm, dễ chữa? Trung đoàn tổ chức bàn biện pháp thi hành mệnh lệnh và cuối cùng nảy ra phương án: làm mới một đoạn đường 8 ở địa hình bằng phẳng trên cao nguyên, dẫn đến một đường trượt, rồi cho hàng trượt từ đỉnh núi xuống đường 12A, lấy đoạn đường cũ làm đường nghi binh, tiêu hao bom đạn địch.
Trung đoàn vạch tuyến trên bản đồ, rồi soi tuyến trên thực địa và giao cho trung úy Hoàng Yến Đệ, trợ lý thi công trung đoàn thiết kế đường trượt. Đường trượt là những cây gỗ dài thẳng, đường kính khoảng 15 cm, được ghép lại, đặt nối tiếp nhau và có độ dốc khoảng 25 độ.
Ngày 4 tháng 3 năm 1969, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 khởi công, ngày 17 tháng 3 hoàn thành. Khi thử nghiệm, đặt một bao gạo vào đường trượt, khi trôi, bao gạo bị rách vì ma sát, và do máng gỗ bám cám vào, rất trơn, bao gạo “chạy” quá nhanh, bay ra ngoài máng. Trước tình hình đó, đơn vị đã làm giá đỡ bằng gỗ, buộc bao gạo trên giá, đặt vào lòng máng. Lúc đầu làm “phanh” bằng dây rừng, sau cải tiến “phanh” bằng gỗ. Xe goòng và giá đỡ được giữ sao cho khi trượt, ở một tốc độ vừa phải, vì vậy bao gạo tới vị trí an toàn. Với phương thức vận chuyển này, năng suất vận chuyển đạt 100 tấn mỗi ngày. Đoạn mở mới đường 8 dọc và đường trượt bằng gỗ dài 14 km. Đây là con đường được tính với “giá thành” rất rẻ. Tổng cộng (cả khảo sát, công sự, trực chiến, hậu cần…) là 11.929 công; mỗi km làm chưa đến một ngày, với 852 công. Con đường ngắn hơn tuyến cũ, đặc biệt là kín đáo, bí mật, bất ngờ, an toàn suốt mùa vận chuyển. Trung đoàn 83 và Bộ Tư lệnh 500 gọi đây là “Con đường đặc công” – con đường gỗ rất Việt Nam, hiếm có trên thế giới.
Ngày 11 tháng 3 năm 1969, Trung đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh 500. Vừa bảo đảm vận chuyển gạo ở Phu Ắc, trung đoàn có nhiệm vụ trinh sát, phá đá, khơi thông luồng trên sông Sê Băng Phai từ Nhom Ma Rát đến Tha Pha Chom, dài 140 km, để ca nô và thuyền vận chuyển hàng trong mùa mưa.
Trung đoàn đang tiến hành thực hiện nhiệm vụ trên thì ngày 1 tháng 4 lại có điện của Bộ Tổng Tham mưu: điầu Trung đoàn 83 đang phối thuộc Bộ Tư lệnh 500 trở lại trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để làm con đường15.C (Hà Tĩnh).
Trung đoàn lại vượt Trường Sơn trở về đất Hà Tĩnh. Ngày 12 tháng 7 năm 1969, khi Trung đoàn đang tiến hành làm con đường 15.C thì nhận được lệnh, ngừng việc thi công đường 15.C, toàn Trung đoàn trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngoài nhiệm vụ làm đường, Trung đoàn còn làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Giai đoạn này, nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường, Mỹ tập trung đánh phá các cửa khẩu. Trục đường 12 và 20 phải chịu 75% trong tổng số bom đạn Mỹ thả xuống 5 trục đường vượt khẩu do Bộ Tư lệnh 500 phụ trách. Ác liệt nhất là các trọng điểm Siêng Phan, Ba Na Phào, Péc Pha Năng, mút đường 128, đèo Pha Khăm Ken. Trung đoàn đã bố trí các tiểu đội trên các chốt trọng điểm, rải ra trên toàn tuyến, không những chỉ để bảo đảm giao thông mà còn để cứu người, cứu xe, đánh phỉ…
Khẩu hiệu của Trung đoàn lúc này là: “địch đánh ngày, coi như không đánh; địch đánh đêm, hạn chế tắc giờ”; “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Anh em trên các chốt đã nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, kịp thời phá bom mìn, sửa chữa cầu đường, giành giật từng giây từng phút với chúng để bảo đảm xe qua trọng điểm an toàn. Trên 4 đoạn đường với tổng chiểu dài 123 km do Trung đoàn phụ trách, giao thông luôn thông suốt.
Giai đoạn mở đường phía tây Trường Sơn từ tháng 9 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969, Trung đoàn đã làm mới và khôi phục 10 tuyến (hoặc đoạn) đường với tổng chiều dài 324 km (nếu tính cả giai đoạn làm đường phục vụ chiến dịch Khe Sanh - đường 9, Trung đoàn đã làm 12 con đường, với tổng chiều dài 424 km, số lượng đào đắp: trên 3 triệu mét khối đất đá). Đây là một thành tích lớn.
Chưa đầy một năm (từ 9-1968 đến 7-1969), Trung đoàn đã hành quân sang tây Trường Sơn, trở về đông Trường Sơn lại sang tây Trường Sơn và đã làm được 10 con đường, bảo đảm giao thông 5 đoạn đường. Trong việc thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trung đoàn, cán bộ, chiến sỹ đã hăng say lao động, vượt qua khó khăn, có nhiều sáng tạo, thực hành nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, mang lại hiệu quả cao. Không ỷ lại cấp trên, tự lực để hoàn thành nhiệm vụ là nét nổi bật của Trung đoàn ở giai đoạn này.
Công tác trên đất bạn, Trung đoàn luôn giữ được mối quan hệ mật thiết, đoàn kết gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương, được bạn quý mến và tích cực ủng hộ.
Với những thành tích trên, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, được Bộ Chính trị gửi tặng cam đầu mùa do chính tay Bác Hồ trồng.

Bùi Minh Tâm (sưu tầm)
Trích “Lịch sử Trung đoàn 83 Công binh”, NXB Quân  đội Nhân dân, 8-1998

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Đoàn nghệ sĩ VN được biên phòng "hâm mộ" giữ lại làm người ra cuối cùng ở sân bay Warszawa

Đoàn nghệ sĩ VN được biên phòng
Đại diện Ban tổ chức và các nghệ sĩ tại sân bay Frideric Chopin, Warszwa.
Sáng sớm 22/12/2010, chuyến máy bay của hãng LOT bay trực tiếp từ Hà Nội đến Warszwa đã hạ cánh an toàn theo đúng lịch trình xuống sân bay Frideric Chopin. Điều đặc biệt, trên chuyến máy bay này có đoàn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam sang châu Âu biểu diễn.
Không hiểu là do sự nổi tiếng của các nghệ sĩ hay vì lí do gì khác, nhân viên biên phòng Ba Lan đã dồn đoàn lại sau cùng để "tiếp đón” một cách đúng thủ tục, khiến những người Việt Nam hâm mộ cảm thấy bồn chồn khi phải chờ đợi bên ngoài.
Photobucket
Cuối cùng, những nghệ sĩ với hình thức nghệ thuật giải trí độc đáo, sâu sắc nhưng rất thư giãn bao gồm 14 người đã ra khỏi sân bay trong sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ.
Không nhìn thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt các nghệ sĩ, và ngay thậm chí Xuân Bắc, người bị thất lạc một đôi loa theo anh là "to đùng” vẫn có nụ cười vẻ như chân thật không "làm hàng”. Một số người lần đầu tiên sang châu Âu, lần đầu tiên thấy tuyết đã hồ hởi nghịch và nếm vị tuyết lạnh trên môi với những bức ảnh làm kỉ niệm.
Photobucket
Đoàn nghệ sĩ bao gồm những "hài kịch gia"  Vân Dung, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Quang Thắng, Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Mỹ Dung, Hoàng Hải, v.v.. sau khi về khách sạn Kyriad Prestige trên đường Towarowa nhận phòng nghỉ, ngay lập tức sau đó đã đi vào Wólka Kosowska chào và gặp gỡ bà con Việt kiều buôn bán, làm việc tại đây.
Photobucket
Ở Ba Lan có lẽ không có "phở chửi” như ở Hà Nội, nhưng quán "Phở Hiên” cũng là địa điểm dừng chân để các nghệ sĩ có dịp đành "nhớ Hà Nội” sau một đêm xa cách.
Photobucket
Các nghệ sĩ Việt Nam sang Ba Lan tham gia chương trình Gặp nhau cuối năm.
Photobucket
Và tối 23/12/2010 tại Cung Văn hóa, các nghệ sĩ sẽ quyết mang đến cho bà con người Việt một đêm sinh hoạt văn hóa thật đặc sắc, thật ấn tượng!
Theo Mỹ Huyền (Vietinfo)