Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

VIỆT KIỀU THÁI LAN LUÔN GHI NHỚ VÀ THỰC HIỆN LỜI BÁC

VIỆT KIỀU THÁI LAN LUÔN GHI NHỚ VÀ THỰC HIỆN
LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ KÍNH YÊU
(Bài phát biểu của Ông Bùi Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Thành phố Hà Nội)

Kính thưa:
-         Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQVN
-         Các đồng chí lãnh đạo TP. Hải Phòng và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
-         Các quý vị đại biểu và toàn thể bà con kiều bào thân mến

Đầu năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào lần thứ 2. Ngày 21-3-1946, chúng tiến hành cuộc thảm sát đẫm máu hơn 2 ngàn Việt Kiều và nhân dân Lào ở Thị xã Thà Khẹc - Tỉnh Khăm Muộn. Thấm nhuần lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” khoảng 6 vạn Việt Kiều ở Lào đã di chuyển sang Thái Lan, bỏ lại toàn bộ tài sản, nhà cửa, cùng với gần 4 vạn Việt Kiều ở Thái Lan từ trước xây dựng khối đoàn kết, nung nấu lòng căm thù sâu sắc giặc Pháp dã man, tàn bạo, tiếp tục củng cố lực lượng, xây dựng những đơn vị vũ trang sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và 2 nước bạn Lào, Campuchia.
Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Kiều Thái Lan đã tổ chức và đưa về Nam Bộ, sang Lào, Campuchia hơn 6 ngàn cán bộ, chiến sĩ. Riêng về Nam Bộ 4 đơn vị được trang bị vũ khí đầy đủ với tổng quân số là 926 người.
Sau 47 năm, ngày 23-9-1993, nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ của 4 đơn vị này có dịp họp mặt tại TP. Hồ Chí Minh, điểm lại những người còn sống là 125 (13,5%). Từ đó đến nay đã 17 năm trôi qua, liệu còn bao nhiêu người? Việt kiều Thái Lan là nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho chiến trường Lào, Campuchia trong kháng chiến chống Pháp.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 20-7-1954 Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền. Chính quyền Thái Lan lúc đó muốn cưỡng ép Việt Kiều về miền Nam Việt Nam. Kiều bào đã đoàn kết, đấu tranh đòi về miền Bắc. Chính quyền Thái Lan buộc phải nhượng bộ. Chỉ một thời gian ngắn đã có 70.042 người đăng ký hồi hương về miền Bắc Việt Nam.
Chuyến tàu đầu tiên chở 922 Việt Kiều ở Thái Lan rời Cảng Khoong Tơi - Thái Lan và cập bến Hải Phòng ngày 10-01-1960. Đồng chí Nguyễn Khang - Ủy viên BCHTW Đảng, Trưởng Ban Việt Kiều TW cùng với các đồng chí Dương Bạch Mai - Đại diện UBTƯMTTQ Việt Nam, Nguyễn Văn Thủ - Đại diện Hội Hồng Thập tự Việt Nam, Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBHC Thành phố Hà Nội, Hoàng Hữu Nhân - Đại diện Thành ủy và UBHC Thành phố Hải Phòng, Tô Quang Đẩu - Đại diện Bộ Nội vụ và hơn 1 vạn nhân dân Hải Phòng đã nồng nhiệt đón mừng kiều bào.
Đúng 9 gờ 15 phút, Bác Hồ đã đến. Tiếng hoan hô vang dội. Mọi người đều vui mừng, xúc động, tự hào. Bác đứng nói chuyện với kiều bào:
“…Đã bao năm, kiều bào ta ở đất khách quê người, luôn hướng về Tổ quốc. Ngày nay, kiều bào ta sung sướng trở về xứ sở, Đảng và Chính phủ tin chắc rằng kiều bào sẽ vui vẻ cùng đồng bào cả miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi, xây dựng chủ nghĩa xã hội…”
Những chuyến tàu về sau không được may mắn đó, vì Bác bận nhiều công việc, nhưng tất cả đều được đọc, được nghe lại những lời thăm hỏi, động viên, căn dặn của Bác đối với kiều bào.
Một số kiều bào về chuyến đầu tiên được cư trú ở Hà Nội và Hải Phòng còn có may mắn hơn là Tết Nguyên đán năm 1960 được vào thăm và chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Những người hạnh phúc nhất là mẹ con cô Luân và mẹ con cô May, được ngồi gần Bác. (Nay hai cô đã ngoài 80 tuổi).
Trong hồi ký của mình, bà Luân viết: “Bác ân cần hỏi thăm sức khoẻ từng người, bốn cháu nhỏ Bác hỏi từng cháu học lớp mấy”.
Con bà Luân là chị Nguyễn Thị Liên Hiệp, nay là cán bộ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con bà May là anh Lê Bá Đông, cán bộ Bộ Ngoại giao.
Trong thời gian từ đầu năm 1960 đến tháng 8-1964 đã có 75 chuyến tàu đưa 45.536 Việt kiều Thái Lan hồi hương. Sau sự kiện 05-8-1964 đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, dùng máy bay, tàu chiến, thủy lôi phong toả vùng biển nước ta nên việc hồi hương của Việt kiều phải đình hoãn.
Nếu tính cả số người đã về tham gia kháng chiến thì Việt kiều Thái Lan có hơn 5 vạn người. Có hai người nguyên là Ủy viên BCHTW Đảng: Phạm Văn Xô (Lão thành cánh mạng, Huân chương Sao Vàng) và Phan Thu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Trong quân đội, tất cả các quân binh chủng đều có Việt kiều Thái Lan. Hàng chục tướng lĩnh, trong đó có 4 Trung tướng: Nguyễn Chánh, Phan Thu, Dương Cự Tẩm, Nguyễn Như Văn. Sáu người được tuyên dương Anh hùng: Trần Thành, Lê Hồng Kỳ, Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương… và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lãnh. Có gia đình 6 anh em ruột cùng vào quân đội: Bùi Văn Ý, Bùi Khánh Cân, Bùi Trọng Đông, Bùi Văn Thanh, Bùi Văn Tân, Bùi Văn Phương. Trong ngành Công an: có gia đình 4 anh em cùng con trai, con gái, con rể đều tham gia (Đại tá An ninh Vũ Văn Nhân). Ngành Ngoại giao: có nhiều người là Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở các nước (Nguyễn Văn Hồng, Phạm Văn Thuyên, Lê Mai, Nguyễn Song Tùng, Bùi Văn Thanh, Phạm Văn Toàn, Nguyễn Văn Phẩm, Vũ Hữu Bỉnh). Có gia đình 3 thế hệ làm ngoại giao (Ông bà Nguyễn Song Tùng - Hoàng Thị Lam cùng con trai, con gái, con rể, và cháu ngoại).
Ông Lê Đình Long ở 75 Phố Khâm Thiên - Hà Nội đưa cả 11 người con về nước đều tham gia công tác trong các cơ quan của Nhà nước.
Gia đình cụ Phan Hữu Hào (đã mất 1973) và cụ bà Từ Thị Sở, nay đã 109 tuổi, có 9 người con:
1.    Đại tá Phan Hữu Đào - Phó Cục trưởng Cục Quân y
2.    Đại tá Phan Hữu Tiên - Chuyên gia Quân sự VN giúp Lào
3.    Phan Thị Chất - Cán bộ Viện Khoa học Xã hội
4.    Trung tướng Phan Thu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
5.    Đại tá Phan Hữu Hùng - Chuyên gia Quân sự VN giúp Lào
6.    Phan Thị Vi Thuyên - Kỹ sư Viện Hoá học
7.    PGS-TS. Phan Thị Thu Anh - Chủ nhiệm Khoa, Trường Đại học Y Hà Nội
8.    Phan Hữu Cường - Kỹ sư Giao thông
9.    Phan Thị Thu Hương - Vụ trưởng GD-MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Còn nhiều gia đình và cá nhân tiêu biểu chưa có điều kiện thống kê và nêu đầy đủ được, rất mong được sự thông cảm và lượng thứ.
Thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi là những người Việt Nam ở nước ngoài đã về tham gia công cuộc kháng chiến, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, như Bác Hồ hằng mong muốn. Thay mặt toàn thể các thế hệ Việt Kiều đã hồi hương, xin hứa luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ đã căn dặn khi Người ra đón kiều bào hồi hương chuyến đầu tiên tại Cảng Hải Phòng ngày 10-01-1960, để đáp lại công ơn và tình thương yêu của Đảng, của Bác, của Chính phủ và nhân dân cả nước, cũng như nhân dân Thành phố Hải Phòng, nơi mà chúng tôi đặt bước chân đầu tiên khi trở về đất mẹ, đã tạo mọi thuận lợi để chúng tôi làm tròn nghĩa vụ người công dân đối với Tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Xin kính chúc quý vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét