"Gặp nhau cuối năm” tại Warszawa
Trước hết phải công nhận, dù với bất cứ mục đích nào thì việc tổ chức đưa đoàn nghệ sĩ thuộc Đài Truyền hình Việt Nam sang Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung biểu diễn nghệ thuật phục vụ kiều bào những ngày cuối năm là điều rất đáng được trân trọng, ghi nhận ý tuởng và công sức của người tổ chức.
Tuy nhiên, nhìn lại đêm biểu diễn ca nhạc và hài kịch của đoàn nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ ưu tú đêm 23/12 vừa qua nhận thấy có nhiều điều mà tất cả mọi người, từ nhà tổ chức, các nghệ sĩ cho đến khán giả đều có thể làm "cuộc cách mạng” nho nhỏ để lần sau, những cuộc vui, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật được trọn vẹn hơn và mang lại ấn tượng đúng tầm hơn.
Gần 20h, các nghệ sĩ hình như vẫn còn luyện tập bên trong nên khán giả chưa được vào
Buổi tối hôm diễn ra buổi ca nhạc và hài kịch do nhiều lí do khác nhau mà bà con Việt kiều ở Ba Lan đi xem biểu diễn rất đông, gần như chật kín cả sala kongresowa rộng lớn, có sức chứa hàng nghìn người. Nhiều người đã từ các thành phố xa xôi cách Warszawa thậm chí đến 600 km cũng phóng xe trong điều kiện đường sá băng tuyết nguy hiểm về thủ đô cũng chỉ vì muốn được trực tiếp nhìn thấy những nghệ sĩ bằng xương, bằng thịt mà là thần tượng của mình bao lâu trên TV.
Trên vé ghi buổi biểu diễn bắt đầu từ 19h, thế nhưng gần 20h khán giả đứng đông đặc bên ngoài mới được vào khu vực biểu diễn, bởi nghe đâu do phải "cập nhật” thêm các chi tiết liên quan đến đời sống cộng đồng Việt ở Ba Lan vào các tiết mục nên chương trình chưa thể bắt đầu. Phần lớn khán giả ổn định chỗ ngồi rồi nhưng trên sân khấu vốn dĩ thiếu vắng một sự trang trí dù bé nhỏ nhất cho một đêm biểu diễn nghệ thuật trong không khí mùa Giáng sinh, mang tầm quốc gia vẫn im hơi lặng tiếng, vắng vẻ mông lung.
Khoảng 20h30’ mới có tiếng loa từ cõi xa xăm vọng ra yêu cầu khán giả ổn định chỗ ngồi, để chương trình ca nhạc và hài kịch đặc biệt… chuẩn bị bắt đầu. Và đúng 15 phút sau, tức là 20h45’ thì cuối cùng nghệ sĩ đầu tiên Xuân Bắc cũng mới xuất hiện trong sự chào đón nồng nhiệt và dễ tính của bà con người Việt ở Ba Lan.
Tranh thủ lúc nghỉ, Xuân Bắc "cập nhật" thêm chi tiết ở "hộp đêm" Sophia?
Không biết có phải do bản chất hài hước nơi Xuân Bắc, hay mặc nhiên nhìn nhận văn hóa "giờ cao su” của người Việt nói chung và cộng đồng bà con nơi đây nói riêng là điều đương nhiên nên thay bằng đưa ra lời xin lỗi về sự bắt đầu muộn màng thì anh "dọa” sẽ đưa ra những tiết mục diễn xuất cực kì xuất sắc, và nếu khán giả còn vỗ tay thì các nghệ sĩ còn thể hiện.
Cũng phải công nhận các tiết mục biểu diễn, ca hát sau đó của các nghệ sĩ khá thành công khiến khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng.
Ca sĩ Thanh Thanh Hiền với giọng hát "từng trải” thiết tha gợi lên hình ảnh quê hương đất nước cũng làm nhiều người bồi hồi, những kỉ niệm năm nao chợt ồ ạt tràn về. Với cách xưng hô "em em" trong lúc ca hát, khán giả dễ liên tưởng nữ ca sĩ đến những vở hài chèo mà chị đóng cùng Xuân Hinh.
Nghệ sĩ đẹp trai, biểu diễn vui nhộn khiến trẻ em đổ xô lên sát sân khấu chiêm ngưỡng kiểu tóc của anh.
Ca sĩ trẻ Hoàng Hải với chất giọng trẻ, khỏe thể hiện khá thành công những bài hát về chủ đề Giáng sinh, người mở đầu đêm biểu diễn đã hoàn toàn đánh tan cảm giác đợi chờ sốt ruột của khán giả. Các cháu nhỏ đã đổ xô lên sát sân khấu để chiêm ngưỡng kiểu tóc dựng ngược như thổ dân da đỏ của anh.
Xa xa mờ ảo, nhưng... giọng hát của Mỹ Dung đẹp một cách mê hoặc.
Một ca sĩ khác, ca sĩ trẻ Mỹ Dung với những trang phục khá "nóng” lúc trắng toát, lúc đỏ rực và giọng ca thể hiện qua một loạt bài hát với các cung bậc tình cảm khác nhau vẻ như chinh phục hoàn toàn người xem. Khi chị xuất hiện bất ngờ từ trên đi xuống làm nhiều người "phát cuồng”, đặc biệt là các cháu nhỏ. Chúng bu kín chị, khiến chị phải la ré lên và nhắc các cháu nhỏ không được đụng vào chỗ "nhạy cảm”. Lũ trẻ vẻ như ở trường tiếng Việt Lạc Long Quân - Warszawa chưa được học từ này nên nghệt mặt ra giây lát rồi lại lăn xả vào xin chữ kí.
Tiết mục hài về chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do các nghệ sĩ Chí Trung, Ngọc Huyền và Thành Trung đóng rất đạt, khiến khán giả vỗ tay nồng nhiệt dù cốt chuyện vẻ như không quá sâu sắc. Có chăng kết thúc tiết mục là câu nói của "trưởng thôn” Chí Trung: "Cứ giả mãi có khi đói” vẻ như nhắn gửi điều gì đó.
Quang Thắng và Vân Dung trong vai Táo làm quán và Táo cần sa từ Ba Lan.
Nhưng có lẽ tiết mục hài về các Táo Quân và Ngọc Hoàng với sự tham gia của các nghệ sĩ Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long… sau khi đã lồng nhiều sự kiện, hình ảnh của cộng đồng Việt ở Ba Lan qua vai Táo Cộng đồng do Quang Thắng và Vân Dung đóng được bà con nơi đây phấn khích nhất.
Các nghệ sĩ đã cố gắng khắc họa thành công "rõ nét hình ảnh” cộng đồng Việt ở Ba Lan qua nghề "lắc chảo” và "trồng cỏ” một cách rất tài tình hài hước, dù nhiều người Việt ở Ba Lan cho rằng, điều đó không hoàn toàn thể hiện đúng hình ảnh cộng đồng Việt tại đây.
Thanh Hà (Vietinfo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét