Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010


MỞ NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG, BẢO ĐẢM GIAO THÔNG TRÊN CỬA KHẨU TRỌNG ĐIỂM CỦA HÀNH LANG PHÍA TÂY TRƯỜNG SƠN (8/1968 - 7/1969)
Trong tình thế khó khăn của chiến trường sau Tết Mậu Thân, thời điểm cuối 1968 đầu 1969, việc tăng cường lực lượng và vật chất vào chiến trường là một công việc rất quan trọng. Bộ Tổng tham mưu điều 2 trung đoàn, 12 tiểu đoàn, 6 đại đội công binh vào tây nam Quân khu 4 cùng Đoàn 559 mở “đường 20 tháng 7” từ ngã ba Thạch Bàn đến đường 9 và mở thêm nhiều đường vòng tránh. Đồng thời Đoàn 500 thuộc Bộ được thành lập do đồng chí Nguyễn Đôn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo làm Chính ủy, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông phía nam Quân khu 4, tổ chức đưa hàng vượt cửa khẩu từ đường 12 đến Na Tông, từ đường 20 đến Phu La Nhích (ở phía tây) tạo điều kiện cho Đoàn 559 tập trung vận chuyển vào phía trong.
Ngày 11 tháng 9 năm 1968, Trung đoàn 83 được Bộ Tư lệnh Công binh giao nhiệm vụ: chuẩn bị làm đường 8, khôi phục đường 12, bảo đảm giao thông phía bắc tuyến giao thông Bắc – Nam ở phía tây Trường Sơn. Để bảo đảm nhiệm vụ, trên điều tiểu đoàn tân binh có phiên hiệu 3037 gồm 535 đồng chí phối thuộc Trung đoàn 83.
Thường vụ Đảng ủy và ban chỉ huy Trung đoàn quyết định cho bộ đội dừng chân nghỉ ngơi ở Trạm 17B (binh trạm 12, Đoàn 559) từ ngày 12 tháng 9 đến 19 tháng 9 để ổn định tổ chức, cải thiện sức khoẻ cho bộ đội và đón đoàn thu dung của đồng chí Cơ, trước khi bước vào nhiệm vụ mới.
Ngày 17 tháng 9, Trung đoàn trưởng Phạm Việt Cường cùng một số cán bộ và tiểu đoàn 3037 đi trước, chuẩn bị để đón trung đoàn làm nhiệm vụ phía tây Trường Sơn.
Ngày 21 tháng 9, đoàn tiền trạm đến binh trạm 31 (thuộc Đoàn 559) tại bản Na Tông, huyện Lăng Khằng, tỉnh Khăm Muộn (Lào).
Qua tìm hiểu thực tế, bộ phận tiền trạm thấy đường 12A bỏ từ lâu, hỏng nặng, nhiều thổ phỉ hoạt động, không có điều kiện để triển khai toàn trung đoàn, nên quyết định làm đường 12B trước. Do đó, Trung đoàn khần trương tổ chức khảo sát, phát tuyến làm gấp đường gùi thồ để tiểu đoàn 3037 gùi gạo “lót ổ” trên tuyến 12B.
Ngày 27 tháng 9, Trung đoàn triển khai đội hình để thực hiện nhiệm vụ.
Đường 12B nằm trong địa bàn tỉnh Khăm Muộn (Trung Lào). Khăm Muộn trước đây vốn là hang ổ của quân ngụy Lào. Thời tiết nơi đây chia làm hai mùa khá rõ. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trời nắng nóng, nhiều con suối cạn khô. Mùa mưa từ tháng 4 đến cuối năm, mưa liên miên, nước sông Sê Băng Phai dâng tràn các con đường, giao thông bị ách tắc.
Dọc đường 12A, đường 8, máy bay địch thường xuyên tring sát và rải “cây nhiệt đới”, mìn lá, mìn cánh dơi, mìn clôrát-phuy-minát thủy ngân… để theo dõi và hạn chế sự hoạt động của ta. Đồng thời, chúng tung nhiều toán phỉ về quấy rối và do thám. Dân ở đây thưa thớt, nghèo nhưng chất phác, và rất quý bộ đội Việt Nam.
Ngày 30 tháng 9, Trung đoàn khởi công làm đường 12B. Nhờ bước chuẩn bị chu đáo, có lương thực sẵn, khí tài đủ, nên ngày 4 tháng 10, chỉ sau mấy ngày lao động, Trung đoàn đã nâng cấp đường gùi thồ thành con đường tạm cho ô tô một làn có thể chạy qua để chở gạo, hàng.
Ngày 10 tháng 10, đoàn Lằng Khằng – Pha Nốp trên đường 12B, dài 12km được mở rộng theo tiêu chuẩn. Đồng thời Trung đoàn tiến hành khảo sát đường 12A (đoạn Seng Phan – Na Kay). Song song với công việc làm đường, Trung đoàn tiến hành tổng kết giai đoạn làm đường trong chiến dịch Khe Sanh - đường 9, sắp xếp lại biên chế, tăng cường cán bộ sang tiểu đoàn tân binh 3037, lập hậu cứ tăng gia, xây dựng nơi ăn ở đàng hoàng và tiến hành tăng gia, lập trạm xá, quan hệ với địa phương (tỉnh Khăm Muộn)…
Trung đoàn đựơc chính quyền Khăm Muộn ủng hộ. Các bản Lào sẵn sàng di dân đi nơi khác nếu tuyến đường chạy qua mà không đòi hỏi bồi thường. Các bạn Lào nói: cách mạng Việt Nam cũng là cách mạng Lào. Hai nước chung một kẻ thù, nên giúp Việt Nam là nghĩa vụ.
Ngày 14 tháng 10, Trung đoàn chuyển sang làm đường 12A (đoạn Seng Phan – Na Kay). Các tiểu đoàn lợi dụng các động núi đá gần đường để trú quân. Trung đoàn bộ ở động đá Na Xốc.
Ngày 15 tháng 11, đoạn đường Seng Phan – Na Kay dài 93 km hoàn thành. Thời gian này Trung đoàn giữ được bí mật nên trong quá trình làm đường, máy bay địch không đến đánh phá.
Trung đoàn tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Do điều kiện và tổ chức cuộc sống khá, nên sức khoẻ bộ đội tốt. Đời sống tinh thần cũng được nâng cao. Tờ tin “Sông Mã” ra đều, phát đến từng đại đội, nên anh em rất phấn khởi. Tiểu đoàn nào cũng có lò rèn, tự sửa chữa và sản xuất nhiều công cụ cải tiến.
Sau khi làm xong đường 12A, ngày 25 tháng 11 năm 1968 Trung đoàn chuyển sang làm đường 83A, từ Phồn Mương Soi nối vào đường 12B, dài 21km và ngày 22 tháng 12 hoàn thành.
Ngày 27 tháng 11, Bộ Tổng tham mưu quyết định: Trung đoàn 83 phối thuộc Bộ Tư lệnh 500, nhiệm vụ là mở một số đường mới và bảo đảm giao thông ở trọng điểm vượt khẩu (từ Việt Nam sang Lào), trước mắt là làm đường 83B, đảm bảo phải xong trước mùa mưa. Ngày 8 tháng 1 năm 1969, đường 83B dài 15km hoàn thành.
Làm xong đường 83B ngày 8 tháng 1 năm 1969 Trung đoàn bàn giao tiểu đoàn tân binh 3037 cho binh trạm 28. Như vậy Trung đoàn lại chỉ còn 2 tiểu đoàn.
Ngày 16 tháng 1 năm 1969, Trung đoàn nhận nhiệm vụ làm đường 83C dài 37km. Tuyến đường này bắt đầu từ đường 12A, vượt ngầm Ka Cham, vắt qua ngọn núi Pha Khăm Ken, về Ka Vát.
Ngọn núi Pha Khăm Ken khá cao, toàn đá, do vậy muốn mở đường qua đó, cần nhiều bộc phá. Trung đoàn yêu cầu nhiều lần, nhưng do khó khăn về thuốc nổ nên vẫn không được cấp trên đáp ứng. Trước tình hình đó, Đảng ủy trung đoàn kêu gọi sự quyết tâm của toàn trung đoàn và phát động trí tuệ quần chúng. Nhiều sáng kiến như tạo xẻng có máng (xúc - kéo - hất), tạo ky trượt, làm “cần cẩu bay”, làm băng trượt đá, làm đường goòng bằng gỗ để vận chuyển… được sử dụng. Anh em còn tìm bom chưa nổ, tháo ngòi nổ, moi thuốc làm bộc phá, tính toán cho nổ liên hoàn, hất đá ra đúng chỗ cần (kết hợp hai việc cùng một lúc: hạ thấp và nâng cao, tạo hiệu quả lớn).
Nhờ vậy, ngày 14 tháng 2 năm 1969, Trung đoàn không chỉ làm xong 37 km mà còn vượt thêm 20 km ngoài kế hoạch.
Nhìn con đường có đoạn vắt giữa hai vách núi đá cao, rộng 6 mét, ô tô đi lại thoải mái, đơn vị bạn khi nhận bàn giao, đã không khỏi khâm phục mà thốt lên: Trung đoàn 83 thật sáng tạo!
Trước đây, đến mùa mưa là các đơn vị ở khu vực phía trong Ka Vát phải rút ra ngoài, vì không có đường tiếp tế, nay nhờ con đường 83C nên việc tiếp tế vẫn bảo đảm, bộ đội không phải rút ra khi mùa mưa đến.
Ngày 25 tháng 2 năm 1969, Trung đoàn hoàn thành con đường Phôn Hin Hê - Huội Sa Mai dài 26 km.
Ngày 15 tháng 3, Trung đoàn hoàn thành tiếp con đường Na Kay – Kha Na dài 45 km.
Trong nhiệm vụ làm đường ở giai đoạn này, Trung đoàn có rất nhiều sáng kiến, có sáng kiến giá trị, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ vận chuyển hàng, lương thực cho chiến trường. Sáng kiến làm đường trượt Phu Ắc là một sáng kiến đáng ghi nhớ.
Phu Ắc (còn gọi là Phu AK – có nghĩa là núi AK) là cao nguyên thuộc tỉnh Khăm Muộn, tiếp giáp với huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Đỉnh cao nguyên so với chân cao nguyên cao 600 mét. Đoạn đường từ đỉnh cao nguyên đi xuống có độ dốc dọc, dốc ngang lớn, sườn núi lắm “chân chim”, tạo thành nhiều cua gấp. Nhiều đoạn vách núi dựng trên khe thẳm. Con đường này đã bỏ, bị mưa xói lở và máy bay địch đánh phá, nên hỏng nặng, nhiều đoạn không còn hình thù đường.
Đầu tháng 3 năm 1969, ta đã tập kết được một số lương thực trên đỉnh Phu Ắc; dưới chân núi rất nhiều ô tô chờ lương thực, nhưng rất khó chuyển gạo xuống chân núi.
Tháng 3 năm 1969, Trung đoàn nhận được lệnh khôi phục đoạn đường 8 dọc trên dãy núi Phu Ắc và nối vào đường 12A dưới chân Phu Ắc để chuyển gấp ba nghìn tấn gạo cho chiến trường phía trong.
Trung đoàn nghiên cứu thấy rằng, nếu khôi phục đường cũ, khối lượng lớn, phải mất nhiều bộc phá, thi công khó; khi khôi phục xong, đường lại trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Làm thế nào để tạo được tuyến vận chuyển ngắn, kín, dễ làm, dễ chữa? Trung đoàn tổ chức bàn biện pháp thi hành mệnh lệnh và cuối cùng nảy ra phương án: làm mới một đoạn đường 8 ở địa hình bằng phẳng trên cao nguyên, dẫn đến một đường trượt, rồi cho hàng trượt từ đỉnh núi xuống đường 12A, lấy đoạn đường cũ làm đường nghi binh, tiêu hao bom đạn địch.
Trung đoàn vạch tuyến trên bản đồ, rồi soi tuyến trên thực địa và giao cho trung úy Hoàng Yến Đệ, trợ lý thi công trung đoàn thiết kế đường trượt. Đường trượt là những cây gỗ dài thẳng, đường kính khoảng 15 cm, được ghép lại, đặt nối tiếp nhau và có độ dốc khoảng 25 độ.
Ngày 4 tháng 3 năm 1969, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 khởi công, ngày 17 tháng 3 hoàn thành. Khi thử nghiệm, đặt một bao gạo vào đường trượt, khi trôi, bao gạo bị rách vì ma sát, và do máng gỗ bám cám vào, rất trơn, bao gạo “chạy” quá nhanh, bay ra ngoài máng. Trước tình hình đó, đơn vị đã làm giá đỡ bằng gỗ, buộc bao gạo trên giá, đặt vào lòng máng. Lúc đầu làm “phanh” bằng dây rừng, sau cải tiến “phanh” bằng gỗ. Xe goòng và giá đỡ được giữ sao cho khi trượt, ở một tốc độ vừa phải, vì vậy bao gạo tới vị trí an toàn. Với phương thức vận chuyển này, năng suất vận chuyển đạt 100 tấn mỗi ngày. Đoạn mở mới đường 8 dọc và đường trượt bằng gỗ dài 14 km. Đây là con đường được tính với “giá thành” rất rẻ. Tổng cộng (cả khảo sát, công sự, trực chiến, hậu cần…) là 11.929 công; mỗi km làm chưa đến một ngày, với 852 công. Con đường ngắn hơn tuyến cũ, đặc biệt là kín đáo, bí mật, bất ngờ, an toàn suốt mùa vận chuyển. Trung đoàn 83 và Bộ Tư lệnh 500 gọi đây là “Con đường đặc công” – con đường gỗ rất Việt Nam, hiếm có trên thế giới.
Ngày 11 tháng 3 năm 1969, Trung đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh 500. Vừa bảo đảm vận chuyển gạo ở Phu Ắc, trung đoàn có nhiệm vụ trinh sát, phá đá, khơi thông luồng trên sông Sê Băng Phai từ Nhom Ma Rát đến Tha Pha Chom, dài 140 km, để ca nô và thuyền vận chuyển hàng trong mùa mưa.
Trung đoàn đang tiến hành thực hiện nhiệm vụ trên thì ngày 1 tháng 4 lại có điện của Bộ Tổng Tham mưu: điầu Trung đoàn 83 đang phối thuộc Bộ Tư lệnh 500 trở lại trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để làm con đường15.C (Hà Tĩnh).
Trung đoàn lại vượt Trường Sơn trở về đất Hà Tĩnh. Ngày 12 tháng 7 năm 1969, khi Trung đoàn đang tiến hành làm con đường 15.C thì nhận được lệnh, ngừng việc thi công đường 15.C, toàn Trung đoàn trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ngoài nhiệm vụ làm đường, Trung đoàn còn làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Giai đoạn này, nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường, Mỹ tập trung đánh phá các cửa khẩu. Trục đường 12 và 20 phải chịu 75% trong tổng số bom đạn Mỹ thả xuống 5 trục đường vượt khẩu do Bộ Tư lệnh 500 phụ trách. Ác liệt nhất là các trọng điểm Siêng Phan, Ba Na Phào, Péc Pha Năng, mút đường 128, đèo Pha Khăm Ken. Trung đoàn đã bố trí các tiểu đội trên các chốt trọng điểm, rải ra trên toàn tuyến, không những chỉ để bảo đảm giao thông mà còn để cứu người, cứu xe, đánh phỉ…
Khẩu hiệu của Trung đoàn lúc này là: “địch đánh ngày, coi như không đánh; địch đánh đêm, hạn chế tắc giờ”; “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Anh em trên các chốt đã nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, kịp thời phá bom mìn, sửa chữa cầu đường, giành giật từng giây từng phút với chúng để bảo đảm xe qua trọng điểm an toàn. Trên 4 đoạn đường với tổng chiểu dài 123 km do Trung đoàn phụ trách, giao thông luôn thông suốt.
Giai đoạn mở đường phía tây Trường Sơn từ tháng 9 năm 1968 đến tháng 7 năm 1969, Trung đoàn đã làm mới và khôi phục 10 tuyến (hoặc đoạn) đường với tổng chiều dài 324 km (nếu tính cả giai đoạn làm đường phục vụ chiến dịch Khe Sanh - đường 9, Trung đoàn đã làm 12 con đường, với tổng chiều dài 424 km, số lượng đào đắp: trên 3 triệu mét khối đất đá). Đây là một thành tích lớn.
Chưa đầy một năm (từ 9-1968 đến 7-1969), Trung đoàn đã hành quân sang tây Trường Sơn, trở về đông Trường Sơn lại sang tây Trường Sơn và đã làm được 10 con đường, bảo đảm giao thông 5 đoạn đường. Trong việc thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trung đoàn, cán bộ, chiến sỹ đã hăng say lao động, vượt qua khó khăn, có nhiều sáng tạo, thực hành nhiều phương thức vận chuyển độc đáo, mang lại hiệu quả cao. Không ỷ lại cấp trên, tự lực để hoàn thành nhiệm vụ là nét nổi bật của Trung đoàn ở giai đoạn này.
Công tác trên đất bạn, Trung đoàn luôn giữ được mối quan hệ mật thiết, đoàn kết gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương, được bạn quý mến và tích cực ủng hộ.
Với những thành tích trên, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, được Bộ Chính trị gửi tặng cam đầu mùa do chính tay Bác Hồ trồng.

Bùi Minh Tâm (sưu tầm)
Trích “Lịch sử Trung đoàn 83 Công binh”, NXB Quân  đội Nhân dân, 8-1998

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét