Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, thí sinh không mặn mà với ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là một thực tế ai cũng thấy. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng điều đáng nói hơn là dường như cả xã hội đang "bỏ quên" KHXH&NVvà chính các chuyên gia của ngành học này cũng chưa cho xã hội thấy vai trò thực sự của mình.
Giá trị văn hóa đang bị thử thách
- Thưa GS, học sinh bây giờ không chọn KHXH&NV bởi không còn nhiều người thực sự có năng khiếu hay bởi ngành học này không còn "chỗ đứng" trong xã hội?
Hiện tượng khối C khó tuyển sinh phản ánh một thực trạng là KHXH&NV bây giờ kém hấp dẫn thanh niên hơn. Lý do là tốt nghiệp các ngành này khó tìm việc, có tìm được việc thì thu nhập cũng thấp, nghiên cứu thì vất vả, đòi hỏi thời gian tích luỹ kinh nghiệm nhiều, và cũng dễ gặp "tai nạn nghề nghiệp" lắm.
Nhưng các ngành KHXH&NV lại có vai trò rất quan trọng đối với đất nước, bởi vì cán bộ KHXH&NV là những người đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chính sách kinh tế - xã hội, mà chính sách đúng sẽ quyết định sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Do vậy, cán bộ KHXH&NV không thể thiếu. Có điều, đào tạo không cần nhiều, mà phải tinh. Ngày xưa cả khóa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) tôi học chỉ có 38 sinh viên, chuyên ngành Ngôn ngữ học chỉ có 6 trò. Hàng chục thầy tập trung dạy có 6 học trò thì học trò có muốn kém cũng khó. Bây giờ đào tạo đại trà cả trăm người một khoá, vừa lãng phí thời gian và tiền của xã hội vì thị trường lao động không kịp hấp thụ, vừa khó nâng cao chất lượng. Nhân lực làm trong những ngành liên quan đến việc tham mưu, quyết định chính sách mà kém thì rất có hại.
- Có một điều đang đặt ra gay gắt là các giá trị văn hóa cũng đang bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự "sụt giảm đáng lo ngại" của ngành KHXH&NV?
Phải nói rằng thời nào cũng có những hiện tượng tiêu cực về văn hóa, về cách sống. Nhưng bây giờ thật đáng lo ngại, bởi quá nhiều chuyện đau lòng. Cả nước có có đến 80% số gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, nhưng vănhóa đang xuống cấp nghiêm trọng. Không ít gia đình, vợ hại chồng, anh em giết nhau chỉ vì tiền. Một xe khách đổ, dân chạy ùa ra không phải để cứu người bị nạn mà để hôi của,... Trong khi đó, nhiều phong tục truyền thống được phục hồi, nhưng lại chỉ nhằm thương mại hóa. Văn hóa như thế là rất đáng báo động. Không thể đổ lỗi cho các ngành KHXH&NV nhưng các ngành này phải góp phần vực dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và hình thành những giá trị mới. Góp phần bằng cách nghiên cứu, tham mưu chủ trương, chính sách, để khơi gợi truyền thống tốt đẹp và xây dựng những giá trị nhân văn mới.
- Theo GS, vì sao hệ giá trị nhân văn đang đứng trước tình trạng đáng báo động như vậy?
Đúng là hệ giá trị nhân văn của người Việt Nam ta đang bị thử thách nghiêm trọng. Lý do chính là xã hội đang thay đổi, nhiều giá trị cũ mất đi nhưng chưa có những giá trị mới vững bền thay thế, nên tạo ra sự hụt hẫng. Bên cạnh đó, kỷ cương xã hội lỏng lẻo cũng là một nguyên nhân quan trọng.
KHXH & NV phải thoát khỏi địa vị khoa học minh họa
- Nhiều người cho rằng, cái cần làm ngay là phải giúp mọi người yêu thích KHXH&NV. Thưa GS, liệu việc này có khó thực hiện?
Đây là mong muốn chính đáng, nhưng tình yêu là thứ không áp đặt được, thậm chí không giúp được. Chuyện con tim là chuyện của mỗi người. Có người chỉ yêu khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Có người dù bị ngăn trở đến mấy cũng chỉ thích nghệ thuật hoặc KHXH&NV. Thế mới là xã hội. Và xã hội có sự đa dạng như thế mới phát triển được.
Nhưng ý kiến nói trên cũng có hạt nhân hợp lý. Đó là tự các nhà KHXH&NV phải cải thiện hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Nếu các ngành này luôn bằng lòng với địa vị minh hoạ ý kiến cấp trên thì sẽ rơi vào tình trạng không được đánh giá cao. Thậm chí, chúng còn trở nên kém hấp dẫn cả với … cấp trên nữa.Đây là điều mà bản thân những người làm KHXH&NV cần nhìn lại.
- Nhưng nhiều người lại cho rằng chương trình, SGK phổ thông cũng góp phần làm thui chột đam mê của học sinh đối với KHXH&NV?
Nói một cách công bằng, nội dung chương trình, SGK phổ thông hiện nay tiến bộ hơn trước rất nhiều. Sách đã tuyển chọn được nhiều tác phẩm, trích đoạn tác phẩm hay. Ví dụ, SGK tiểu học có nhiều trích đoạn từ những tác phẩm nổi tiếng của nước ta và nước ngoài như "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán, "Đảo giấu vàng" của Sti-ven-son, "Chiếc chìa khóa vàng" của A. Tôn-xtôi, "Ba vạn dặm dưới đáy biển" của J. Véc-nơ,… để khuyến khích học sinh tìm sách đọc. Nhưng học sinh bây giờ chỉ thích đọc truyện tranh, bố mẹ cũng chỉ mua cho con truyện tranh. Bởi vì cả xã hội bây giờ ít đọc văn học. Thơ càng không ai mua ai đọc. Vì vậy, có thể chê bài này bài kia trong SGK nhưng nguyên nhân chính không phải là sách dở.
- Dù sao, các ngành KHXH&NV vẫn rất cần một sự thay đổi. Theo GS phải bắt đầu từ đâu?
Mỗi ngành khoa học đều có cống hiến riêng của mình. Nhưng KHXH&NV là khoa học về con người, về chính sách có vai trò rất đặc biệt. Đầu tư đúng mức vào KHXH&NV thì hiệu quả sẽ vô cùng to lớn.
Để ngành KHXH&NV có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì phải có những giải pháp từ Trung ương đến cơ sở, từ chính sách đến cụ thể.
Trước hết, cần giải thoát KHXH&NV khỏi địa vị khoa học minh hoạ. Điều này liên quan đến chủ trương của trên, đồng thời cũng do các nhà KHXH&NV quyết định. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế đặt hàng để phát huy vai trò của KHXH&NV trong việc tham mưu hoạch định chính sách. Chứ còn, đã ban hành chính sách rồi mới gọi các nhà khoa học đến minh hoạ thì chẳng những khoa học không có điều kiện phát triển mà chính sách cũng dễ mắc khuyết điểm chủ quan.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực các ngành KHXH&NV một cách hiệu quả. Có vậy mới mong đào tạo ít mà tinh được.
- Xin cảm ơn GS!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét