Vị trí và vai trò của cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng, một bộ
phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Hội
nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, khai mạc vào giữa tuần này
tại TP.HCM tập trung thảo luận 4 chuyên đề lớn. Xin Thứ trưởng cho biết
mục đích, ý nghĩa chính của Hội nghị?
Mục
tiêu của Hội nghị tập trung vào việc làm thế nào để tăng cường sự đoàn
kết, gắn bó và đóng góp một cách tích cực, sâu rộng hơn của cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự án cụ thể, cũng như các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm
nhìn 2020.
Những
năm qua, chúng ta đã khẳng định vị trí và vai trò của cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài là một nguồn lực quan trọng, một bộ phận không thể
tách rời của dân tộc Việt Nam. Với số lượng gần 4,5 triệu kiều bào đang
sinh sống ở 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sự đóng góp
của bà con kiều bào là một nguồn lực rất tiềm tàng. Đây cũng là cầu nối
quan trọng góp phần quảng bá Việt Nam với thế giới.
Sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi thời kỳ cũng đều gắn với
sự hậu thuẫn lớn của kiều bào, nhất là trong phong trào yêu nước, giành
độc lập cho Tổ quốc. Trong thời bình, bà con Việt kiều cũng luôn đóng
góp, san sẻ khó khăn, với đồng bào trong nước mỗi khi xảy ra thiên tai,
lũ lụt, không chỉ bằng vật chất mà cả tinh thần. Điều đó cho thấy sự gắn
kết giữa kiều bào và đất nước ngày càng trở nên khăng khít, không thể
tách rời.
Rất
nhiều vấn đề bà con nêu ra ở Hội nghị lần 1 được chúng ta đã thực hiện
thành công trong 3 năm qua. Vì thế, bà con kiều bào hướng về đất nước
ngày càng đông với sự tự hào là một phần của dân tộc Việt Nam. Các thế
lực thù địch, chống phá, đi ngược lại lợi ích dân tộc, vì thế ngày càng
bị cô lập và trở thành thiểu số.
Tại
Hội nghị lần này, chúng tôi đề ra 4 chuyên đề để kiều bào thảo luận,
gồm: Tương lai của cộng đồng - Những vấn đề của hội nhập và phát triển
kinh tế; Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc - Động lực đoàn kết
cộng đồng, gắn bó đất nước; Tri thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp
công nghiệp hóa - hiện đại hóa - Từ tiềm năng đến hiện thực; Doanh
nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước. Với gần 1.000 kiều
bào đăng ký tham gia, tôi hy vọng, những tham luận của kiều bào tại Hội
nghị sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực hơn nữa cho các quyết sách phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như phục vụ tốt hơn cho việc
kết nối đông đảo cộng đồng Việt kiều trên thế giới và với sự nghiệp đại
đoàn kết dân tộc.
Như
Thứ trưởng nói, tri thức của kiều bào là một nguồn lực cực kỳ lớn,
nhưng dường như, chúng ta chưa tận dụng tốt nguồn lực này. Bằng việc đưa
vấn đề sử dụng tri thức của kiều bào là 1 trong 4 nội dung trọng tâm
tại Hội nghị, theo Thứ trưởng, vấn đề trên sẽ sớm được cải thiện trong
tương lai?
Bên cạnh nguồn lực về vật chất, tri thức của đội ngũ kiều bào chính là một kho tàng cực kỳ quý giá.
Với
4,5 triệu kiều bào, chúng ta như có một dân tộc thu nhỏ ở khắp nơi trên
thế giới. Trong số 4,5 triệu kiều bào, có khoảng 400.000 chuyên gia
đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức danh tiếng tại các quốc gia phát
triển. Ước tính, có hơn 100 chuyên gia giữ các vị trí chủ chốt trong các
tập đoàn công nghệ lớn của thế giới, khoảng 20 chuyên gia đang làm việc
ở Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA (Mỹ), hàng chục chuyên gia làm việc ở
các dây chuyền khác nhau của Boeing, các bệnh viện trung tâm y học lớn
của Paris, Tokyo, New York...
Chúng
ta đã có GS Ngô Bảo Châu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực toán học,
nhưng sẽ còn nhiều Ngô Bảo Châu trong các lĩnh vực khác, như công nghệ
cao, y học, kinh tế, văn hóa...
Nếu
nhìn một cách thẳng thắn, thì đúng là chúng ta chưa tận dụng hết nguồn
lực tri thức của kiều bào. Có những chuyên gia, trí thức nước ngoài sẵn
sàng về nước làm việc với mức thù lao thấp, làm việc trong những điều
kiện thiếu thốn với tinh thần cống hiến, có người sẵn sàng chuyển giao
các sáng kiến, phát minh của họ mà không cần thù lao.
Tuy
nhiên, việc tiếp nhận các đóng góp của kiều bào còn phụ thuộc vào các
cơ quan chức năng, bộ ngành, tri thức trong nước khi họ có nhìn nhận
đúng hay không, có đồng cảm với sáng kiến của kiều bào hay không. Vì
vậy, việc khơi thông tốt hơn, sử dụng tốt hơn tri thức kiều bào là mong
muốn chính của chúng tôi ở hội nghị lần này, qua đó làm thế nào để tìm
ra biện pháp gắn kết hiệu quả giữa trí thức trong nước và nước
ngoài,phục vụ cho phát triển đất nước.
Trong
năm 2013, Bộ Ngoại giao cũng sẽ tổ chức một số hội thảo dành riêng cho
giới trí thức trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận trực tiếp về các vấn
đề phát triển trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng cơ sở, năng lượng hạt
nhân, nông nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, suốt 3 năm nay, Bộ Ngoại giao
đã tổ chức lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo các chính sách để tăng cường
thu hút chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài. Đề án này có tên gọi
là Chính sách Thu hút chất xám của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đã
được trình Chính phủ cho ý kiến. Tôi tin rằng, chính sách này sẽ sớm
được thông qua và ban hành.
Theo
ông, việc thay đổi một số chính sách pháp luật quan trọng như kiều bào
được phép sở hữu hai quốc tịch, được phép sở hữu bất động sản trong nước
sẽ góp phần ra sao trong việc thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào về
nước?
Việc
cho phép sở hữu hai quốc tịch và mua nhà tại Việt Nam giúp bà con thuận
lợi hơn rất nhiều trong việc đầu tư, sinh sống lâu dài tại quê hương.
Chỉ có một điều duy nhất là bà con không được dùng tài sản đó để thế
chấp ngân hàng, còn có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê, đáp ứng tốt yêu
cầu của bà con. Ngoài ra, các thủ tục, điều kiện đầu tư trong nước cũng
đã cởi mở, bớt phiền hà hơn rất nhiều, vốn đầu tư của kiều bào cũng được
coi là vốn đầu tư trong nước, thay vì vốn đầu tư nước ngoài như trước
đây. Qua đó, tạo được niềm tin để kiều bào tin tưởng về nước đầu tư ngày
càng nhiều.
Theo
thống kê, trong 3-4 năm gần đây, lượng kiều hối năm sau luôn tăng hơn
năm trước từ 10 đến 15%. Trong năm 2011, riêng lượng kiều hối có thể
tính được thông qua hệ thống kiểm soát tài chính đã đạt 9,2 tỷ USD, cộng
với khoảng hơn 6 tỷ USD mà kiều bào rót vào các dự án đang triển khai
và khoảng vài tỷ USD nữa ở những dự án liên doanh khác, tổng lượng vốn
kiều bào mang về nước đạt gần 20 tỷ USD.
So
với mức GDP trên dưới 100 tỷ USD hàng năm, rõ ràng đây là con số rất
lớn, lớn gấp 3-4 lần lượng vốn ODA mà các nước tài trợ dành cho Việt
Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, trước tình hình kinh tế trong nước và
thế giới tiếp tục khó khăn, chúng tôi đã lo ngại lượng kiều hối có thể
giảm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, kiều hối vẫn đạt 6,45 tỷ
USD. Vì vậy, chúng tôi có cơ sở để tin rằng, xu hướng tăng sẽ tiếp tục
duy trì trong các năm tiếp theo.
Theo
một số Việt kiều, hiện chúng ta còn thiếu cơ sở dữ liệu hay cẩm nang để
giới thiệu cho kiều bào địa chỉ hoặc lĩnh vực đầu tư khi họ muốn đầu tư
về nước. Cũng chính vì vậy mà Việt kiều thường mất rất nhiều thời gian
và tiền bạc để tìm kiếm dữ liệu đầu tư. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Đó
là một thực tế mà chúng ta cần rút kinh nghiệm. Đa phần kiều bào đã
quen với cách làm việc chuyên nghiệp của các nước phát triển, trong khi
điều kiện của chúng ta còn kém. Tuy nhiên, qua hội nghị lần này, chúng
tôi mong muốn những ý kiến như vậy sẽ nhanh chóng được truyền tải tới
các bộ, ngành, địa phương để tiếp thu, cập nhật và phục vụ tốt hơn cho
kiều bào trong việc kết nối, giới thiệu nhanh hơn cho các nhà đầu tư
Việt kiều những dự án phù hợp
Nguồn: Báo Đầu tư